Nhiều sai phạm trong việc giao khoán đất rừng

09:03, 22/03/2018

Phần lớn diện tích đất rừng lâm nghiệp ở Lâm Hà giao khoán cho người dân theo Nghị định 135/NÐ-CP ngày 8/11/2005 của Chính phủ đã bị lấn chiếm hoặc sử dụng sai mục đích, trong khi đó các ngành chức năng chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Phần lớn diện tích đất rừng lâm nghiệp ở Lâm Hà giao khoán cho người dân theo Nghị định 135/NÐ-CP ngày 8/11/2005 của Chính phủ đã bị lấn chiếm hoặc sử dụng sai mục đích, trong khi đó các ngành chức năng chưa có biện pháp xử lý triệt để.
 
Nhiều diện tích giao khoán rừng theo Nghị định 135 bị lấn chiếm trồng cà phê hoặc dâu tằm. Ảnh: H.Y
Nhiều diện tích giao khoán rừng theo Nghị định 135 bị lấn chiếm trồng cà phê hoặc dâu tằm. Ảnh: H.Y

Nhiều sai phạm trong việc giao khoán
 
Việc giao khoán đất lâm nghiệp theo Nghị định số 135/2005/NĐ- CP của Chính phủ được UBND huyện Lâm Hà giao cho 2 đơn vị chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Lán Tranh,  Ban QLRPH Nam Ban và Hạt Kiểm lâm huyện thực hiện từ năm 2006-2013. Qua kiểm tra cho thấy, các đơn vị chủ rừng thực hiện trình tự, thủ tục giao khoán chưa đúng theo quy định. Cụ thể, bên giao khoán không lập Hội đồng tư vấn giao khoán để xem xét và đề nghị các trường hợp được giao khoán; không niêm yết công khai danh sách các trường hợp được giao khoán tại trụ sở UBND cấp xã nơi có đất giao khoán. Vì vậy, dẫn đến nhiều trường hợp nhận khoán vi phạm. 
 
Cụ thể, năm 2007, ông Chu Văn Tâm được Ban QLRPH Lán Tranh ký hợp đồng giao khoán 5,8 ha rừng và đất lâm nghiệp tại khoảnh 3, 4 tiểu khu 294. Theo đó, ông Tâm có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và trồng rừng trên diện tích được giao khoán.
 
Thế nhưng, qua kiểm tra mới đây của cơ quan chức năng, hầu như toàn bộ diện tích rừng mà ông Tâm quản lý đã bị người dân tàn phá, lấn chiếm trồng cà phê. Ngoài ra, ông Tâm cũng không thực hiện việc trồng rừng theo như hợp đồng mà sử dụng nhiều diện tích đất lâm nghiệp được giao để trồng dâu, cà phê…
 
Tương tự, năm 2013, ông Nguyễn Minh Ngọc cũng được Ban QLRPH Lán Tranh giao khoán 5 ha rừng và đất lâm nghiệp. Theo cơ quan chức năng, từ ngày được giao khoán cho đến nay, ông Ngọc đã không thực hiện nghiêm túc việc quản lý, bảo vệ rừng, khiến cho một số diện tích rừng bị người dân xâm hại. Ngoài ra, ông Ngọc cũng chưa thực hiện đầy đủ việc trồng rừng theo như hợp đồng đã ký kết…
 
Đến thời điểm năm 2017, toàn huyện còn 137 hợp đồng giao khoán/161 hộ với diện tích gần 1.184 ha gồm: Trồng rừng theo phương án hơn 1.173 ha, quản lý bảo vệ rừng tự nhiên 10,6 ha. Qua kiểm tra, rà soát, diện tích giao khoán đã trồng rừng 749,16 ha, bằng 63,42% diện tích phải trồng rừng và có tới gần 424,2 ha vi phạm hợp đồng, chiếm 35,9% diện tích giao khoán. 
 
Thời gian qua, các cơ quan chức năng xác minh hiện trường giao khoán đất lâm nghiệp với diện tích được kiểm tra là 1.078,8 ha, diện tích vi phạm hợp đồng giao khoán là 607,6 ha, chiếm 56,3% diện tích kiểm tra. Các hành vi vi phạm đó là trồng cà phê, cây nông nghiệp xen cây rừng 53,8 ha; sản xuất nông nghiệp 74,1 ha, phá rừng tự nhiên 12 ha, để bị lấn chiếm trồng cà phê, cây nông nghiệp 232,3 ha, đất chưa trồng rừng là 235,4 ha.
 
Chưa kiên quyết xử lý
 
Phương án giao khoán đất lâm nghiệp do UBND huyện phê duyệt còn chưa quan tâm đúng mức nhu cầu nhận khoán của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn xã nơi có đất giao khoán. Qua rà soát đối tượng nhận khoán đất lâm nghiệp năm 2017 của huyện Lâm Hà, trong tổng số 160 hộ nhận khoán đất lâm nghiệp chỉ co 56 hộ có hộ khẩu thường trú tại xã có đất nhận khoán, còn lại 86 hộ nhận khoán cư trú ngoài địa bàn xã, 18 hộ nhận khoán cư trú ngoài địa bàn huyện Lâm Hà. 
 
Diện tích vi phạm hợp đồng giao khoán tại thời điểm năm 2015 là 84,43 ha, năm 2016 là 476,9 ha, năm 2017 là 424,17 ha, nhưng các đơn vị chủ rừng không có biện pháp kiên quyết yêu cầu các hộ nhận khoán trồng rừng theo đúng phương án được phê duyệt dẫn đến các vi phạm hợp đồng giao khoán trong một thời gian dài nhưng không xử lý dứt điểm.
 
Trong thời gian qua, UBND huyện Lâm Hà đã xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với Trưởng ban, Phó ban QLRPH Lán Tranh. Ban QLRPH Lán Tranh đã xử lý kỷ luật cảnh cáo đối với 4 cán bộ tiểu khu, cách chức 1 Phó phòng Kỹ thuật QLBVR, đồng thời thanh lý hợp đồng giao khoán có sai phạm. Tuy nhiên, Ban QLRPH Lán Tranh chưa tổ chức giải tỏa cà phê trồng xen vào diện tích đã trồng cây lâm nghiệp để trồng bổ sung cây rừng đủ mật độ theo chỉ đạo của UBND tỉnh; chưa thực hiện giải tỏa, thu hồi đất để trồng lại rừng theo quy định đối với diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trồng cà phê đã thực hiện thanh lý hợp đồng. Ông Võ Kim Lan, Phó trưởng Ban QLRPH Lán Tranh cho biết, hầu hết những diện tích giao khoán trồng rừng là đất sau nương rẫy của người dân địa phương, do đó khi các hộ nhận đất trồng rừng tiến hành phát dọn thực bì chuẩn bị hiện trường trồng rừng thì xảy ra sự tranh chấp đất. Các hộ dân có đất bị thu hồi chống đối, ngăn cản bằng mọi cách rất quyết liệt, thậm chí manh động, họ phá hại bằng nhiều cách như nhổ rừng trồng, đốt, lấn chiếm dần rừng trong nhiều năm, phá hoại cây giống tập kết tại rừng trồng… và khiếu nại nhằm kéo dài thời gian tái chiếm lại đất, đe dọa người đầu tư trồng rừng. Một số hộ nhận khoán đất rừng tự ý trồng cà phê xen cây rừng để tăng thu nhập cho gia đình trong thời gian dài nhưng chưa được xử lý kịp thời, chính vì vậy việc giải tỏa, thu hồi đất rất khó khăn cho đơn vị…
 
Bí thư Huyện ủy Lâm Hà Phạm Thị Phúc nhấn mạnh, trong thời gian tới, nếu đơn vị, cá nhân nào chưa thực hiện đúng hoặc vi phạm hợp đồng giao khoán Nghị định 135 của Chính phủ sẽ kiên quyết thu hồi đất xử lý triệt để. Đối với diện tích giao khoán cho các hộ gia đình, cá nhân chưa trồng rừng, trồng rừng thiếu mật độ, trồng cây rừng xen cà phê cho thu hoạch chính trên đất giao khoán, các đơn vị chủ rừng đôn đốc hộ gia đình, cá nhân trồng bổ sung cây rừng đủ mật độ trong mùa mưa 2018. Đối với diện tích giao khoán trồng cây cà phê dưới 2 năm tuổi hoặc hộ nhận khoán tự ý sang nhượng đất giao khoán thì đơn vị giải tỏa, thu hồi đất giao khoán.
 
HOÀNG YÊN