Cảnh giác khi tội phạm sử dụng công nghệ cao

11:04, 12/04/2018

(LĐ online) - Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao đang có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.

(LĐ online) - Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao đang có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.
 
Hiện nhận thức của một  bộ phận người dân về an toàn, an ninh thông tin mạng chưa cao
Hiện nhận thức của một bộ phận người dân về an toàn, an ninh thông tin mạng chưa cao

Theo Phòng PC 45 (Công an tỉnh Lâm Đồng) cho biết, chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã ghi nhận 30 vụ việc liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng.
 
Đại úy Nguyễn Thế Quang - cán bộ Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Phòng PC 45) cho hay: Hầu hết các vụ việc về tội phạm sử dụng công nghệ cao liên quan đến các trang mạng xã hội, lập trang web giả mạo trên internet để đánh vào lòng tin của người dùng, yêu cầu chuyển tiền nộp phạt, chuyển thẻ cào để nhận quà tặng trúng thưởng… Một số vụ việc, đối tượng lợi dụng nhận thức chưa rõ ràng về an toàn, an ninh thông tin để đánh cắp mật khẩu tài khoản ngân hàng sau đó rút, chuyển tiền thông qua các cổng thanh toán trung gian (ví điện tử ảo); hoặc sử dụng mạng xã hội để bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác…
 
Cũng theo Đại úy Quang, hoạt động gây án trên môi trường mạng xảy ra khá phức tạp, mang tính quốc tế. Phổ biến trong thời gian gần đây là các đối tượng người nước ngoài lập các tài khoản facebook, làm quen với phụ nữ Việt Nam, hứa hẹn yêu đương, rồi giả chuyển tiền, hàng từ nước ngoài về, sau đó cấu kết với người Việt giả danh nhân viên hải quan, hãng vận chuyển yêu cầu nộp tiền phạt, tiền phí để được nhận hàng. Điển hình trong những vụ án dạng này là vào ngày 30/5/2017,  bà Phạm Thị Q. ở Thôn 3, Gia Lâm, Lâm Hà bị kẻ xấu lừa qua facebook, thiệt hại 600 triệu đồng; ngày 05/7/2017, bà Lê Thị H. ở thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh bị lừa hơn 300 triệu đồng; ngày 29/10/2017, bà Trần Thị T. ở Phú Hội, Đức Trọng bị lừa 285 triệu đồng…
 
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng trong thời gian gần đây một phần xuất phát từ các sơ hở của pháp luật trong công tác quản lý thuê bao di động và quản lý tài khoản thanh toán ngân hàng. Ngoài ra, công tác phối hợp điều tra giữa các lực lượng chức năng trong phòng chống tội phạm công nghệ cao chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả; và đặc biệt là nhận thức của một bộ phận nhân dân về an toàn, an ninh thông tin mạng chưa cao.
 
Điều đáng nói là trong khi tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, nhưng công tác điều tra, khám phá đối với loại án này lại không đạt được kết quả như mong muốn. Theo Đại úy Nguyễn Thế Quang cho biết, với những vụ án xảy ra tại Lâm Đồng, qua công tác điều tra bước đầu, lực lượng công an xác định các nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao gây án cư trú tại Campuchia và Malaysia, do đó công tác điều tra gặp rất nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là bế tắc. 
 
Để đối phó với tội phạm sử dụng công nghệ cao, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân: Khi có người lạ gọi điện thoại, người dân cần bình tĩnh, tuyệt đối không cung cấp tài khoản ngân hàng, nếu lỡ cung cấp thì báo ngay cho cơ quan công an và ngân hàng để kịp thời phong tỏa tài khoản. Đồng thời, khi người dân sử dụng các mạng xã hội thì hãy đặt mật khẩu đủ mạnh bao gồm chữ cái, chữ số và ký tự đặc biệt mới hạn chế được các đối tượng hack mật khẩu của mình.
 
Vì vậy, để không bị mất tiền oan trước hết người dân cần phải nâng cao nhận thức về an toàn, an ninh thông tin mạng và phải nêu cao cảnh giác trước những âm mưu,  thủ đoạn, không để bọn tội phạm lợi dụng hoạt động phạm tội. 
 
TỨ KIÊN