Khổ vì "tín dụng đen"

08:07, 13/07/2018

Thời gian qua, tuy huyện Di Linh đã tăng cường công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn cần đề cao cảnh giác với hoạt động "tín dụng đen", cho vay nặng lãi, huy động tiền gửi, thế nhưng vẫn có một số người dân vẫn "sập bẫy" hoạt động cho vay này nên hàng ngày phải chạy vạy khắp nơi để đóng tiền lãi suất. 

Thời gian qua, tuy huyện Di Linh đã tăng cường công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn cần đề cao cảnh giác với hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, huy động tiền gửi, thế nhưng vẫn có một số người dân vẫn “sập bẫy” hoạt động cho vay này nên hàng ngày phải chạy vạy khắp nơi để đóng tiền lãi suất. 
 
Mới đây, bà N. ngoài 60 tuổi ở xã Tân Châu cho hay, vì hoàn cảnh gia đình bà buộc phải vay tiền “tín dụng đen”. Bà N. chia sẻ rằng:  Không phải bà không biết hoạt động “tín dụng đen” bởi  đây là hoạt động cho vay tiền với lãi suất cắt cổ. Biết là vậy, nhưng vì hoàn cảnh gia đình bà rất khó khăn, nợ nần, không còn cách nào khác, nên vay để có tiền trả nợ ngân hàng, nhưng không ngờ lại rước họa vào thân và không biết phải kêu cứu với ai.
 
Lần đầu tiên bà N. vay “tín dụng đen” là vào tháng 2/2018 với số tiền 10 triệu đồng, lãi suất 1 triệu đồng/ngày. Thủ tục vay rất đơn giản, chỉ cần giấy chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu là các đối tượng cho vay nặng lãi sẽ giải ngân nhanh chóng. Là một người nông dân nghèo, lại đang nợ ngân hàng mà hàng ngày phải gánh thêm 1 triệu đồng tiền lãi quả là ngoài khả năng của gia đình bà. Vì vậy, bà N. tiếp tục vay thêm 10 triệu đồng nữa để trả nợ (gọi là đáo hạn) và cứ thế nợ lại chồng lên nợ, đồng nghĩa với việc số tiền lãi mà bà N. phải trả hàng ngày cũng lên đến vài triệu đồng/ngày. 
 
Để giải quyết nợ nần, những vật dụng  có giá trị trong nhà như: tivi, 2 chiếc xe máy (hiệu Yamaha) và cả giấy đăng ký xe máy bà N. đều đưa đi cầm cố được trên 16 triệu đồng, nhưng vẫn không đủ, nên bà đã bán thêm 1 sào đất vườn được 40 triệu đồng. Bà N. cho biết: “Do vay để đáo hạn, sau khi đã trả được một khoản thì hiện nay đội lên khoảng 60 triệu đồng với lãi suất lên đến 6 triệu đồng/ngày. Nếu xin khất hai ngày vì không có tiền trả thì chủ nợ  bắt đóng thêm tiền phạt 1 triệu đồng; trong ngày mà chưa kịp chạy đủ số tiền là họ kéo cả nhóm khoảng 5 người đến nhà chửi bới rất thô tục, dọa nạt, dọa bắt cả con cái. Thậm chí còn thách thức đến trình báo với các ngành chức năng. Giờ tôi chỉ mong sao các cấp chính quyền can thiệp, giúp tôi trả nợ từ từ, chứ trả hàng ngày như thế này thật sự tôi không còn có đủ khả năng”.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Tống Thanh Hoàng - Trưởng Công an xã Tân Châu cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân về hoạt động của các đối tượng “tín dụng đen”, giúp bà con nâng cao tinh thần cảnh giác để phòng tránh. Đến nay, chúng tôi chưa nhận được trình báo của người dân liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, nếu có chúng tôi sẽ trình báo lên công an huyện để phối hợp xử lý. 
 
Có thể nói, hoạt động cho vay nặng lãi “tín dụng đen” trong thời gian qua trên địa bàn huyện Di Linh diễn biến khá phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Ngoài hoạt động của những người dân tại địa phương còn có sự xuất hiện của các đối tượng từ nơi khác đến. Họ đến các tuyến đường, khu vực dân cư để rải, phát và dán tờ rơi cho vay tiêu dùng, trả góp với thủ tục đơn giản như: hỗ trợ vay vốn, cho vay tiền góp chỉ cần giấy chứng minh gốc, cà vẹc xe chính chủ, sổ hộ khẩu…, để dụ dỗ các nạn nhân vay tiền nhưng thực chất đây là hoạt động cho vay nặng lãi mà người vay phải chịu lãi suất rất cao từ 15-25%/tháng và để lại những hệ lụy khôn lường.
 
Chỉ vì vay “tín dụng đen” mà hiện nay đã có những gia đình phải ly tán, mất hết nhà cửa, đất đai vì nợ nần; có người phải trốn khỏi nhà vì thường xuyên bị đòi nợ, không có khả năng trả nợ... Do đó, bên cạnh tuyên truyền cho người dân hiểu hệ quả của tín dụng đen thì người dân cũng cần phải cảnh giác với hoạt động này. 
 
LAM PHƯƠNG