Quản lý chặt việc nuôi động vật hoang dã

08:07, 10/07/2018

Báo cáo gần đây từ Sở NN&PTNT Lâm Ðồng cho biết, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 7.207 cá thể với 35 loài động vật hoang dã được nuôi tại 210 trại và cơ sở. Vấn đề đặt ra là cần phải thực hiện nghiêm việc quản lý chặt chẽ và yêu cầu các điều kiện đảm bảo đời sống theo quy định đối với ÐVHD. 

Báo cáo gần đây từ Sở NN&PTNT Lâm Ðồng cho biết, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 7.207 cá thể với 35 loài động vật hoang dã (ÐVHD) được nuôi tại 210 trại và cơ sở. Vấn đề đặt ra là cần phải thực hiện nghiêm việc quản lý chặt chẽ và yêu cầu các điều kiện đảm bảo đời sống theo quy định đối với ÐVHD. 
 
Một cá thể Voọc do người dân nuôi nhốt được vận động tự nguyện nộp cho Nhà nước. Ảnh: M.Đ
Một cá thể Voọc do người dân nuôi nhốt được vận động tự nguyện nộp cho Nhà nước. Ảnh: M.Đ

Sở NN&PTNT cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 18 loài (trừ gấu), với 727 cá thể đang được nuôi tại 18 trại và cơ sở. Riêng đối với Gấu có 06 cá thể đang nuôi tại 3 cơ sở. Còn đối với động vật rừng thông thường hiện có 14 loài với 6.164 cá thể, đang được nuôi tại 184 trại và cơ sở. Dĩ nhiên, những số liệu này luôn biến động tăng, giảm theo từng tháng. 
 
Trao đổi với phóng viên, Chi cục phó Kiểm lâm Lâm Đồng, ông Phạm Văn Huy cho biết, qua nắm bắt của lực lượng  kiểm lâm, trên địa bàn huyện Đơn Dương và thành phố Đà Lạt cơ quan chức năng đã phát hiện 2 cá thể Gấu ngựa được người dân nuôi không đảm bảo điều kiện theo quy định của luật pháp. Thực hiện Quyết định số 96/QĐ-KL-ĐT ngày 1/6/2018 của Cục Kiểm lâm, ngay trong tháng 6, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với hai Hạt Kiểm lâm vận động 2 hộ dân nuôi Gấu nhốt này tự nguyện nộp cho Nhà nước. Cùng đó, kiểm lâm đã hoàn tất các thủ tục và chuyển giao 2 cá thể Gấu ngựa này cho Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và Phát triển sinh vật, Vườn Quốc gia Cát Tiên. 
 
Về hiện tượng nuôi nhốt ĐVHD không đảm bảo điều kiện theo quy định đang diễn ra tại Khu Du lịch thác Prenn, ông Phạm Văn Huy cho biết thêm: Theo quy định về chức năng, ngành NN&PTNT nói chung, đơn vị kiểm lâm nói riêng có trách nhiệm xác định nguồn gốc của loài ĐVHD nuôi nhốt, ngành TN&MT có trách nhiệm giám sát, quản lý về các điều kiện nuôi nhốt ĐVHD. Vì vậy, đối với số cá thể ĐVHD đang nuôi nhốt tại Khu Du lịch thác Prenn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã chỉ đạo cụ thể: “Sở TN&MT hướng dẫn thực hiện ngay các biện pháp cải tạo, nâng cấp, mở rộng diện tích chuồng nuôi, nhốt đảm bảo điều kiện sinh sống của ĐVHD theo quy định; bố trí khu vực cách ly để chăm sóc, chữa trị các cá thể bị bệnh, không để lây lan dịch, bệnh; đảm bảo an toàn cho người quản lý, chăm sóc ĐVHD và du khách tham quan; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ với cơ quan chức năng theo quy định”. Đồng thời, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố tiếp tục kiểm tra, rà soát các cơ sở, trại gây nuôi, nhốt động vật rừng thông thường, động vật nguy cấp, quý, hiếm căn cứ quyết định hiện hành để có giải pháp, biện pháp xử lý phù hợp. Hướng dẫn các cơ quan được phép tồn tại phải đảm bảo chuồng trại, chế độ ăn uống, chăm sóc phù hợp không để xảy ra dịch bệnh, an toàn cho người nuôi dưỡng và du khách tham quan…
 
Tinh thần nêu trên cũng nhằm triển khai thực hiện bảo tồn các loài Linh trưởng trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài Linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030”. Để tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về vai trò của đa dạng sinh học (ĐDSH) đối với phát triển kinh tế - xã hội, ngày 7/3/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục ban hành Văn bản số 1220/UBND-LN “Yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định về bảo tồn ĐDSH, bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ; không mua, bán, sử dụng, tặng cho hay nhận quà biếu là các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm và các bộ phận của chúng; không mua, bán, phóng sinh các loại ngoại lai xâm hại vào môi trường tự nhiên. Mặt khác, lực lượng kiểm lâm, công an, quản lý thị trường tăng cường phối hợp liên ngành, thường xuyên kiểm tra các nhà hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh, khu/điểm du lịch để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vi phạm liên quan đến ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định. 
 
MINH ÐẠO