Xây dựng điểm tư vấn pháp luật tại phường, xã

08:07, 30/07/2018

Ðó là mô hình được các Chi hội Luật gia xã, phường của thành phố Ðà Lạt triển khai hơn 2 năm qua để kịp thời tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người dân tại chỗ khi có yêu cầu. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố.

Ðó là mô hình được các Chi hội Luật gia xã, phường của thành phố Ðà Lạt triển khai hơn 2 năm qua để kịp thời tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người dân tại chỗ khi có yêu cầu. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố.
 
Phiên tòa giả định là hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật hiệu quả nhất đến người dân. Ảnh: V.Hùng
Phiên tòa giả định là hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật hiệu quả nhất đến người dân. Ảnh: V.Hùng

Phiên tòa giả định vừa diễn ra tại xã Xuân Trường thu hút hàng trăm người dân đến xem. Đó là một trong những hoạt động tại điểm tư vấn pháp luật được Chi hội Luật gia xã triển khai nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân. Với tình huống xét xử một học sinh lớp 12 bị rủ rê sử dụng ma túy, rồi dấn thân vào con đường buôn bán, tàng trữ hàng cấm và phải chịu hình phạt của pháp luật khi vừa tròn 18 tuổi khiến nhiều người giật mình. Chị Hoàng Thị Hồng - một phụ huynh có con đang học cấp 3 chia sẻ: “Qua phiên tòa này, mình thấy cần phải quan tâm đến con cái nhiều hơn để tránh việc chúng bị sa ngã vào con đường phạm pháp”.
 
Ông Trần Minh Hải - Chi hội phó Chi hội Luật gia xã Xuân Trường cho biết: Việc tổ chức phiên tòa giả định nằm trong kế hoạch hoạt động của chi hội kể từ khi điểm tư vấn pháp luật tại đây được xây dựng. Đây là hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật thiết thực nhất, hiệu quả nhất đến người dân trên địa bàn, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên và thanh thiếu niên.  
 
Theo luật gia Dương Hải Long - Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Đà Lạt, bắt đầu từ năm 2016, theo đề án của Hội Luật gia tỉnh, Chi hội Luật gia các xã, phường xây dựng mô hình tư vấn pháp luật tại chỗ cho người dân. Đây cũng là nội dung chuẩn tiếp cận pháp luật tại các xã, phường, góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên địa bàn. Cái hay của các điểm tư vấn pháp luật tại xã, phường là gắn kết vào Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ), vừa tạo điều kiện để người dân dễ tiếp cận pháp luật, vừa huy động được Đảng ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia công tác tuyên truyền pháp luật. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức cũng như chấp hành pháp luật của người dân và mang lại hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật từ cơ sở. 
 
Đến nay, Chi hội Luật gia tại tất cả 16 xã, phường trên địa bàn thành phố đều xây dựng được điểm tư vấn pháp luật. Khi có nhu cầu về tìm hiểu hay thực hiện các thủ tục liên quan đến pháp luật, người dân chỉ việc đến các điểm tư vấn pháp luật ngay tại xã, phường nơi mình cư trú để được hướng dẫn, giải thích. Các chi hội trực tiếp và phối hợp cùng với chính quyền, các cơ quan chuyên môn tư vấn, giải thích, hướng dẫn cho người dân. “Thực tế cho thấy, nhu cầu của người dân tại các xã, phường cần được tư vấn pháp luật rất nhiều, tập trung vào nhiều lĩnh vực như đất đai, quy hoạch, đền bù giải tỏa, tranh chấp dân sự... Trong quá trình tư vấn, các hội viên phải chịu khó lắng nghe, ghi chép để từ đó có sự tư vấn phân tích chính xác việc kiến nghị, đòi hỏi, yêu cầu của người dân là đúng hay sai theo quy định của pháp luật, hướng dẫn giải quyết cụ thể, thẩm quyền giải quyết thuộc cơ quan nào...”, luật gia Dương Hải Long cho biết thêm.
 
Đặc biệt, tất cả các mẫu biểu yêu cầu tư vấn pháp luật hay đơn từ đều được các điểm này cấp phát, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận quy định của pháp luật trên các lĩnh vực. 
 
“Hiệu quả mang lại khi xây dựng các điểm tư vấn pháp luật tại xã, phường là tham gia tốt công tác hòa giải ở cơ sở, giảm bớt đơn thư khiếu nại. Từ đó, hạn chế được tranh chấp, khiếu kiện kéo dài. Đồng thời, nâng cao hiểu biết về pháp luật cho người dân”, luật gia Dương Hải Long nhấn mạnh.  
 
Ngoài 16 điểm tư vấn pháp luật tại 16 xã, phường trên địa bàn, Hội Luật gia thành phố Đà Lạt còn có một trung tâm tư vấn pháp luật được Bộ Tư pháp cấp phép. Trung tâm phối hợp với các chi hội cơ sở gửi phiếu yêu cầu và tham gia tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý đến người dân trên địa bàn khu dân cư. Từ đó, góp phần vào công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại và hòa giải ở cơ sở. 
 
“Mô hình xây dựng điểm tư vấn pháp luật tại xã, phường của Hội Luật gia thành phố Đà Lạt là cách làm sáng tạo trong việc tuyên truyền, phổ biến và tư vấn pháp luật cho người dân tại chỗ. Đến nay, mới chỉ có Đà Lạt triển khai được mô hình này, với hiệu quả mang lại, các cấp Hội Luật gia trong tỉnh sẽ nhân rộng cách làm của Hội Luật gia thành phố Đà Lạt trong thời gian tới”, Luật gia Bùi Thanh Long - Phó Chủ tịch Hội Luật gia Lâm Đồng cho biết. 
 
VIỆT HÙNG