Những điểm mới trong văn bản thực hiện

08:08, 20/08/2018

Ðể việc triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ngày càng thực sự có hiệu quả, Nhà nước thường xuyên ban hành những văn bản mới. Ở Lâm Ðồng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tổ chức các đợt tuyên truyền, giải đáp nội dung này cho cơ quan đầu mối là đại diện các Hạt Kiểm lâm và chủ rừng. 

Ðể việc triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) ngày càng thực sự có hiệu quả, Nhà nước thường xuyên ban hành những văn bản mới. Ở Lâm Ðồng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) tỉnh đã tổ chức các đợt tuyên truyền, giải đáp nội dung này cho cơ quan đầu mối là đại diện các Hạt Kiểm lâm và chủ rừng. 
 
Đại diện các Hạt Kiểm lâm phía Nam của tỉnh được phổ biến các văn bản mới về chi trả DVMTR. Ảnh: Đ.P
Đại diện các Hạt Kiểm lâm phía Nam của tỉnh được phổ biến các văn bản mới về chi trả DVMTR. Ảnh: Đ.P

Về Nghị định số 147/2016/NÐ-CP
 
Nghị định 147 của Chính phủ nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/NĐ-CP ngày 24/9/2010. Cụ thể, để khắc phục những nội dung không còn phù hợp như: mức chi trả tiền DVMTR đối với các cơ sở sản xuất thủy điện, sản xuất và cung cấp nước sạch; đối tượng được chi trả; sử dụng tiền DVMTR của bên cung ứng dịch vụ MTR; sử dụng kinh phí dự phòng, cho phép UBND cấp tỉnh được quyền chủ động, linh hoạt điều tiết tiền chi trả DVMTR giữa các lưu vực. Cụ thể, nội dung sửa đổi, bổ sung sau: Bổ sung thêm 2 đối tượng được chi trả tiền DVMTR là UBND cấp xã và tổ chức chính trị - xã hội được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng theo quy định của pháp luật có cung ứng DVMTR. Mức chi trả tiền DVMTR tăng (từ 20 đồng/1 kwh điện thương phẩm lên 36 đồng/1 kwh; từ 40 đồng/m 3 nước thương phẩm lên 52 đồng/m 3). Bổ sung các nội dung: Được sử dụng kinh phí dự phòng để hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được giao, khoán bảo vệ rừng (BVR) đối với trường hợp mức chi trả tiền DVMTR trên cùng một đơn vị diện tích thấp hơn mức chi trả của năm trước liền kề. Với diện tích rừng có mức chi trả DVMTR lớn hơn 2 lần mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho khoán BVR, tùy đối tượng trên cùng địa bàn cấp tỉnh quyết định mức điều tiết phù hợp. Nghị định bỏ nội dung: UBND cấp tỉnh quy định cụ thể việc sử dụng kinh phí được quy định tại điểm a (10% kinh phí hoạt động quản lý) và điểm b (5% kinh phí dự phòng). 
 
Tại điểm c Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 99 được sửa đổi, bổ sung: Chủ rừng là tổ chức được coi là nguồn thu của chủ rừng và được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về tài chính phù hợp đối với từng loại hình tổ chức. Trường hợp chủ rừng có thực hiện khoán BVR, chủ rừng được sử dụng không quá 10% tổng số tiền thu được từ DVMTR trên diện tích khoán BVR để thực hiện công tác quản lý, tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục môi trường; số tiền còn lại phải thanh toán cho các bộ phận nhận khoán. UBND cấp xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng chưa giao, cho thuê theo quy định của pháp luật, là nguồn thu của Quỹ BV&PTR cấp xã, quản lý chi theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 8/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác BVR. Tổ chức chính trị - xã hội được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng theo quy định của pháp luật phải lập phương án sử dụng kinh phí quản lý BVR từ nguồn thu tiền chi trả DVMTR trình UBND cấp tỉnh tổng hợp, gửi Quỹ BV&PTR cấp tỉnh tổng hợp trong kế hoạch chi trả DVMTR của tỉnh. 
 
Nghị định số 147 bãi bỏ nội dung Khoản 7 và điểm b và Khoản 9 Điều 22 của Nghị định số 99: “Xác nhận danh sách các chủ rừng là tổ chức có cung ứng DVMTR cho một đơn vị sử dụng DVMTR cụ thể theo đề nghị của Sở NN&PTNT”; “Chỉ đạo UBND cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ sau: a)…; b) Xác nhận danh sách các chủ rừng là các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn là người cung ứng dịch vụ cho một đơn vị sử dụng DVMTR cụ thể theo đề nghị của cơ quan chuyên môn về lâm nghiệp cùng cấp có xác nhận UBND cấp xã”… 
 
Về Thông tư số 22/2017/TT-BNNPTNT
 
Thông tư số 22 của Bộ NN&PTNT nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong xác định tiền DVMTR trong trình tự nghiệm thu, xác định diện tích để chi trả tiền DVMTR; Hướng dẫn ký hợp đồng chi trả DVMTR và lập kế hoạch thu, chi tiền DVMTR… Nội dung mới là: Quy định tiêu chí cụ thể cho hệ số K4 và xem đây là một hệ số về chính sách ưu tiên với người làm nghề rừng ở vùng sâu, vùng xa của chính sách chi trả DVMTR. Xác định số tiền chi trả cho bên nhận khoán BVR; xác định diện tích rừng để chi trả DVMTR. Quy định rõ về xác định số tiền chi trả DVMTR (Điều 4, 5, 6 và 7); Quy định về hợp đồng chi trả DVMTR đối với chi trả gián tiếp (Điều 8 và 9); Quy định về lập kế hoạch thu, chi tiền DVMTR hàng năm (Điều 10). Đó còn là quy định về xác định diện tích rừng để chi trả DVMTR: Căn cứ để xác định diện tích rừng là: kết quả tổng điều tra, kiểm kê rừng; Kết quả theo dõi diễn biến rừng; Bản đồ dùng để xác định diện tích rừng; Kết quả chi trả DVMTR của năm trước liền kề (Điều 12). Việc xây dựng bản đồ chi trả DVMTR  được nêu cụ thể tại Điều 13. Tại Điều 14 và 15, Thông tư số 22 tiếp tục quy định về xác định diện tích rừng để chi trả DVMTR hàng năm. Theo đó, trước ngày 31/12, cập nhật bản đồ; trước ngày 15/10 năm sau, kiểm tra xác minh diện tích rừng chi trả đối với trường hợp có kiến nghị và trước ngày 25/1 năm sau, tổng hợp diện tích rừng được chi trả làm cơ sở thanh toán DVMTR… 
 
Về Thông tư số 04/2018/TT-BTC 
 
Thông tư số 04 của Bộ Tài chính cũng mục đích khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quản lý và sử dụng tiền DVMTR; đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với một số văn bản mới; khắc phục, xử lý một số vướng mắc khác trong quá trình triển khai chính sách chi trả DVMTR. Một số nội dung mới như: Về tạm ứng, thanh toán tiền chi trả DVMTR: Căn cứ kế hoạch thu, chi do UBND tỉnh quyết định, Quỹ BV&PTR cấp tỉnh tạm ứng tiền DVMTR cho bên cung ứng DVMTR hoặc chuyển cho các đơn vị, tổ chức được giao hỗ trợ Quỹ BV&PTR cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ chi trả tạm ứng cho các chủ rừng. Về thanh toán DVMTR: a) Căn cứ số tiền thực thu trong năm, kết quả xác định diện tích rừng được chi trả DVMTR, Quỹ BV&PTR cấp tỉnh thực hiện thanh toán tiền cho bên cung ứng DVMTR trước ngày 30/4 năm sau. b) Sau khi hoàn thành việc thanh toán, đơn vị lập báo cáo tổng hợp theo phụ lục 01, 02 ban hành kèm thông tư gửi Quỹ BV&PTR cấp tỉnh kèm theo chứng từ trước ngày 10/5 năm sau. c) Căn cứ số kinh phí quản lý được sử dụng, nội dung chi, mức chi được UBND tỉnh phê duyệt, Quỹ BV&PTR cấp tỉnh thanh toán tiền chi phí quản lý cho các đơn vị. 
 
Về báo cáo quyết toán kinh phí chi trả DVMTR: Chủ rừng là tổ chức có thực hiện khoán BVR lập báo cáo quyết toán kinh phí chi trả DVMTR theo phụ lục số 04 ban hành kèm theo thông tư này, nộp cơ quan quản lý trực tiếp và Quỹ BV&PTR cấp tỉnh trước ngày 31/5 năm sau… 
 
ÐẠO PHAN