Giữ vững an ninh trật tự vùng giáp ranh

09:08, 27/08/2018

Lâm Ðồng có 9 huyện có đường biên giáp ranh với các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Ðắk Nông, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai và tỉnh Ðắk Lắk, với địa hình chủ yếu là đồi núi hiểm trở. Chính vì vậy, các loại tội phạm đã lợi dụng các yếu tố này để hoạt động, trong đó, các loại tội phạm thường cấu kết, móc nối thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, ẩn náu tại các vùng giáp ranh... làm phát sinh nhiều tệ nạn xã hội. 

Lâm Ðồng có 9 huyện có đường biên giáp ranh với các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Ðắk Nông, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai và tỉnh Ðắk Lắk, với địa hình chủ yếu là đồi núi hiểm trở. Chính vì vậy, các loại tội phạm đã lợi dụng các yếu tố này để hoạt động, trong đó, các loại tội phạm thường cấu kết, móc nối thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, ẩn náu tại các vùng giáp ranh... làm phát sinh nhiều tệ nạn xã hội. 
 
Tổ tuần tra ANTT huyện Đơn Dương giúp đỡ, phổ biến pháp luật cho người dân tộc thiểu số vùng giáp ranh với tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: C.P
Tổ tuần tra ANTT huyện Đơn Dương giúp đỡ, phổ biến pháp luật cho người dân tộc thiểu số vùng giáp ranh
với tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: C.P

Trực chiến tại vùng giáp ranh
 
Huyện Đơn Dương là một trong các huyện có nhiều năm ký kết Quy chế phối hợp để bảo đảm ANTT tại địa bàn giáp ranh với Công an huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận). Theo chân lực lượng Công an huyện Đơn Dương, sáng 19/8, chúng tôi có dịp tới vùng đất giáp ranh với huyện Ninh Sơn là thôn Gia Hoa (thuộc xã Proh và xã Ka Đô) cách trung tâm huyện Đơn Dương 90 km về phía Đông. Nói là vùng đất thuộc tỉnh Lâm Đồng nhưng theo thượng tá Võ Tấn Linh, Phó Trưởng Công an huyện Đơn Dương, thôn Gia Hoa nằm hoàn toàn dưới vùng đất Ninh Sơn và có 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số thuộc tỉnh Ninh Thuận sinh sống nhiều năm nay với khí hậu nắng nóng đặc trưng quanh năm. 
 
Trên địa bàn có 3 tiểu khu rộng lớn, tương đương trên 3.000 ha rừng giáp ranh với xã Ma Nới và tại đây luôn có tổ tuần tra gồm Công an huyện Đơn Dương, kiểm lâm, quân đội, công ty lâm nghiệp túc trực tuần tra, kiểm soát vấn đề bảo vệ rừng, giữ vững ANTT địa bàn thường xuyên. Để thấy được tình hình an ninh vùng giáp ranh có tính chất phức tạp, một cán bộ thuộc Tổ tuần tra cho biết, vụ việc đáng chú ý nhất là vào khoảng dịp Tết Nguyên đán 2017, khi anh em đang kiểm tra trên tuyến đường giáp ranh tại thôn Gia Hoa vào buổi tối thì bất ngờ phát hiện hơn 10 thanh niên vận chuyển gỗ lậu xuống đường mòn ven rừng.
 
Thấy lực lượng tuần tra chỉ có 4 người, nhóm người này manh động dùng gạch đá, cây rừng ném, để hòng tẩu tán số gỗ lậu vừa khai thác trên địa phận thuộc xã Ka Đô nhưng bất thành. “Tình hình lúc đó rất nguy hiểm, đêm tối lại không kịp gọi lực lượng Công an Ninh Sơn ứng cứu, chúng tôi buộc phải bắn chỉ thiên dằn mặt các đối tượng, bảo đảm an toàn cho anh em. Cuối cùng phải mất gần 2 giờ đồng hồ nhóm đối tượng phá rừng mới chịu dời đi khi biết không thể tẩu tán số gỗ” - một cán bộ kiểm lâm Đơn Dương, trong tổ tuần tra kể.
 
Theo thượng tá Linh, từ khi có tổ tuần tra, cắm chốt tại vùng giáp ranh, số vụ phạm pháp hình sự, vi phạm khai thác, lấn chiếm đất rừng… đã giảm đáng kể theo từng năm. Ngoài ra, vấn đề đáng chú ý là khu vực thôn Gia Hoa (xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn) là phần đất thuộc thôn Proh và xã Ka Đô (huyện Đơn Dương). Tuy nhiên, trước năm 2007, người dân các thôn Gia Hoa, thôn Ú, thôn Gia Rót xã Ma Nới đã xâm canh, xâm cư trên vùng đất trên. Cụ thể, có tổng số 300 hộ/1.252 khẩu với tổng diện tích xâm canh là 412,72 ha. Riêng người dân thôn Ú, thôn Gia Rót xã Ma Nới xâm cư xã Ka Đô là 122 hộ/305 nhân khẩu, tương đương với 73,22 ha. 
 
Do tình hình xâm canh, xâm cư khá phức tạp nêu trên, nên thời gian qua vẫn còn xảy ra rải rác một số vụ khai thác lâm sản trái phép, chống người thi hành công vụ chưa được giải quyết triệt để.
 
Tương tự, trên địa bàn huyện Đam Rông, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đức Trọng… cũng là nơi giáp ranh với địa bàn nhiều huyện thuộc các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, Bình Thuận, nên lực lượng công an các huyện luôn chú trọng công tác phối hợp trong nhiệm vụ bảo đảm ANTT. Đặc biệt là công tác trinh sát địa bàn được tăng cường thường xuyên, giải quyết vụ việc khi mới manh nha xảy ra, không để hình thành các điểm nóng hay tội phạm hoạt động mang tính chất băng nhóm, xã hội đen. Công an huyện Đạ Huoai trong 6 tháng đầu năm nay, nhờ có Quy chế phối hợp bảo đảm ANTT vùng giáp ranh đã phá thành công 1 vụ trộm cắp tài sản, hai vụ cố ý gây thương tích và phối hợp với Công an Bình Thuận khởi tố 3 vụ án.
 
Tuy nhiên, theo Công an tỉnh Lâm Đồng, mặc dù có 9 huyện có đường biên giáp ranh với các tỉnh bạn, nhưng hiện nay chỉ có công an 3 huyện (Đơn Dương, Cát Tiên, Đạ Huoai) có ký kết Quy chế phối hợp bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) tại địa bàn giáp ranh.
 
Tăng cường giải pháp bảo đảm ANTT 
 
Theo Công an tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, tính từ năm 2008 tới tháng 6/2018, toàn tỉnh đã xảy ra 7.599 vụ, làm 343 người chết, 938 người bị thương, thiệt hại tài sản trị giá trên 80 tỷ đồng. Trọng án xảy ra 645 vụ, tội phạm giết người cố ý gây thương tích và có chiều hướng ngày càng gia tăng với tính chất, mức độ ngày một nghiêm trọng. Tội phạm ma túy phát hiện 1.270 vụ, bắt giữ 1.597 đối tượng. Bên cạnh đó, tỷ lệ điều tra, làm rõ các vụ án hình sự đạt 89,48%. Trọng án khám phá được 622/645 vụ, đạt 96,4%. Triệt phá 583 băng nhóm tội phạm, truy bắt được 1.845 đối tượng có lệnh truy nã. 
 
Trước tình hình trên, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các đơn vị chủ động làm tốt công tác tham mưu cho các cấp ủy đảng, các ngành, đoàn thể phối hợp với lực lượng công an triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm và phòng, chống ma túy. Chỉ đạo các đơn vị rà soát, phát hiện đưa vào dạng quản lý đối tượng hình sự, gây án nghiêm trọng, đối tượng sử dụng vũ khí nóng, các ổ nhóm tội phạm có biểu hiện nghi vấn, hoạt động liên tỉnh, liên huyện để có biện pháp đấu tranh, giải quyết.
 
Trong Hội nghị giao ban địa bàn giáp ranh 6 tháng đầu năm 2018 tại Đơn Dương, đại tá Trần Đình Thư, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng đánh giá: Trong công tác điều tra, phá án, lãnh đạo Công an tỉnh đặc biệt quan tâm, thường xuyên nghe và có ý kiến chỉ đạo trực tiếp hoặc trực tiếp xuống hiện trường để chỉ đạo giải quyết các vụ án phức tạp, nhất là các vụ án xảy ra tại địa bàn, khu vực giáp ranh, không để gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Đặc biệt là nhiệm vụ tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn giáp ranh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự an toàn xã hội giữa Công an huyện Đơn Dương và Ninh Sơn.
 
Công an tỉnh Lâm Đồng đánh giá, kết quả đạt được từ Quy chế phối hợp giữa lực lượng công an vùng giáp ranh cho thấy mô hình này hoạt động ngày càng có hiệu quả, nâng cao ý thức trách nhiệm của lực lượng công an trong phối hợp, giải quyết những vụ việc liên quan đến ANTT. Đồng thời phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của toàn dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xóa bỏ hàng rào ngăn cách về thủ tục hành chính, tư tưởng cục bộ địa phương.
 
C.PHONG