Luật Giáo dục Ðại học và những đổi mới sát thực tiễn

09:08, 14/08/2018

Dự thảo Luật Giáo dục Ðại học được Quốc hội tổ chức lấy ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về pháp luật đối với GDÐH trong thời gian qua. 

Dự thảo Luật Giáo dục Ðại học (GDÐH) được Quốc hội tổ chức lấy ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về pháp luật đối với GDÐH trong thời gian qua. Qua đó, từng bước hoàn thiện khung pháp lý, giải quyết những vấn đề mới phát sinh và đáp ứng yêu cầu đổi mới GDÐH trong thời gian tới, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 
Các đại biểu Quốc hội Lâm Đồng đã tích cực tham gia góp ý về Dự thảo Luật Giáo dục Đại học tại nghị trường Quốc hội. Ảnh: N.T
Các đại biểu Quốc hội Lâm Đồng đã tích cực tham gia góp ý về Dự thảo Luật Giáo dục Đại học
tại nghị trường Quốc hội. Ảnh: N.T

Luật GDĐH năm 2012 chưa quy định rõ về quyền tự chủ đại học và quản trị đại học; Các quy định về tài chính, tài sản chưa hoàn toàn phù hợp với chủ trương thực hiện tự chủ đại học; Quyền tự chủ trong hoạt động chuyên môn của các cơ sở GDĐH còn bị hạn chế; Quản lý đào tạo còn chưa phù hợp với xu hướng quốc tế; Quản lý nhà nước còn nhiều điểm chưa phù hợp với điều kiện tự chủ đại học… Chính vì vậy, dự thảo Luật được đề xuất sửa đổi 39/73 điều, chiếm 53% tổng số điều của Luật GD ĐH năm 2012. Nội dung chủ yếu của Dự thảo Luật GDĐH là mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học. Cụ thể, về tự chủ trong hoạt động chuyên môn: Các cơ sở GDĐH được tự chủ mở ngành, tự chủ liên kết đào tạo ở trong và ngoài nước; tự chủ trong việc thiết kế mẫu, in phôi, cấp phát văn bằng cho người học; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hoạt động khoa học và công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ của các cơ sở GDĐH. Tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự, đảm bảo để hội đồng trường có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy; quyết định nhân sự, tiêu chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên theo quy định của pháp luật. Tự chủ tài chính, tài sản thể hiện ở quy định về cơ sở GDĐH có quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo; được quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách của cơ sở giáo dục đại học; quyết định nội dung và mức chi từ các nguồn thu hợp pháp.
 
Luật sư Phạm Thị Điệp - thành viên Tổ Tư vấn pháp luật Đoàn ĐBQH (khóa XIV) đơn vị tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Việc sửa đổi Luật lần này tạo điều kiện để tạo ra tính chuyên nghiệp hóa trong công tác quản lý, quản trị đại học hướng tới chất lượng dạy và học hiệu quả cao nhất. Dự thảo sửa đổi lần này theo hướng mở rộng, bỏ thủ tục hiệu trưởng trường đại học tư thục phải được chủ tịch UBND cấp tỉnh công nhận mà trực tiếp do các hội đồng quản trị nhà trường quyết định. Hơn nữa, dự thảo Luật cũng đã mở rộng diện lựa chọn, giảm thủ tục hành chính, sẽ làm cho quyền tự chủ của nhà trường được tốt hơn.
 
Còn ông Hoàng Bình - thành viên Tổ Tư vấn pháp luật Đoàn ĐBQH (khóa XIV) đơn vị tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Việc xác định “Ngành đào tạo là tập hợp kiến thức và kỹ năng chuyên môn theo một lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp, khoa học nhất định” là quá chung chung. Chúng ta đều biết, phát triển giáo dục đại học để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội… chứ không phải đào tạo theo ngành hay lĩnh vực mà các trường đại học sẵn có năng lực đào tạo. Đây là một vấn đề ngày càng bức xúc trong xã hội khi giáo dục đại học đào tạo ra những cử nhân không đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực của nền kinh tế - xã hội. Như thế có nghĩa là để đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực thì ngay từ đầu việc xác định ngành đào tạo trong giáo dục đại học phải tiếp cận với hệ thống ngành nghề của nền kinh tế. Do đó, chúng tôi đề nghị việc xác định ngành đào tạo trong giáo dục đại học nhất thiết phải thống nhất với hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ).
 
Ông Hoàng Liên - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy cho rằng: Tại điểm 2 dự thảo xác định: “GDĐH bao gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Các chương trình giáo dục thường xuyên để được cấp văn bằng giáo dục đại học của hệ thống giáo dục quốc dân gồm: vừa làm vừa học; học từ xa”. Đề nghị xem xét lại nội dung này. Thời gian gian qua, việc liên kết đào tạo từ xa, việc học từ xa, vừa làm vừa học đã để lại hậu quả nặng nề về chất lượng đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực. Đề nghị không quy định học từ xa, vừa làm vừa học vào trong Luật để tránh trường hợp các trường đại học vì mục đích lợi nhuận tăng cường liên kết đào tạo trình độ đại học theo hình thức vừa làm vừa học, học từ xa. Tại điểm 6 dự thảo ghi “Xây dựng chính sách thu hút, sử dụng và đãi ngộ thích hợp để nâng cao chất lượng giảng viên; chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ, chức danh phó giáo sư, giáo sư trong các cơ sở giáo dục đại học”. Thời gian vừa qua dư luận đang băn khoăn về số lượng và chất lượng trình độ tiến sĩ, chức danh phó giáo sư, giáo sư trong các cơ sở giáo dục đại học. Vì vậy, đề nghị sửa đổi nội dung “chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ, chức danh phó giáo sư, giáo sư trong các cơ sở giáo dục đại học” thành “chú trọng chất lượng phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ, chức danh phó giáo sư, giáo sư trong các cơ sở giáo dục đại học”.
 
Việc xây dựng Dự án Luật cũng sẽ thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn để phát triển và hội nhập quốc tế. Với nhiều điểm thay đổi “đột phá” so với Luật năm 2012, Dự thảo Luật GDĐH đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Các ý kiến góp ý tâm huyết, chất lượng của các đại biểu, các chuyên gia, các nhà khoa học sẽ tiếp tục được tổng hợp trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV tới đây, góp phần hoàn thiện khung pháp lý và để Luật GDĐH khi ban hành đi vào cuộc sống sát thực tiễn hơn. Đó cũng là mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước.
 
NGUYỆT THU