"Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước" đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay

08:08, 21/08/2018

Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước ban hành từ năm 2000 đến nay và thực thi trong 18 năm qua, đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ bí mật Nhà nước. Tuy nhiên, do tình hình hiện nay có nhiều thay đổi quyền tiếp cận, sử dụng thông tin của người dân ngày càng cao ở các lĩnh vực nên đòi hỏi việc bảo vệ bí mật Nhà nước mà pháp lệnh hiện hành không thể đáp ứng được. 

Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước ban hành từ năm 2000 đến nay và thực thi trong 18 năm qua, đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ bí mật Nhà nước. Tuy nhiên, do tình hình hiện nay có nhiều thay đổi quyền tiếp cận, sử dụng thông tin của người dân ngày càng cao ở các lĩnh vực nên đòi hỏi việc bảo vệ bí mật Nhà nước mà pháp lệnh hiện hành không thể đáp ứng được. 
 
Thời gian qua, trước những vi phạm nghiêm trọng về việc để lộ, lọt bí mật Nhà nước gây nguy hại đến lợi ích quốc gia; vì vậy, việc Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước là cần thiết, đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện nay. 
 
Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước gồm 5 chương 34 điều. Dự án Luật đã quy định một số điều chi tiết, phù hợp hơn. Tuy nhiên, có đại biểu đề nghị cần thêm một điều quy định rõ về đối tượng điều chỉnh của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. So với pháp lệnh thì Dự thảo Luật đã quy định 16 lĩnh vực cụ thể, đây là vấn đề rất cần thiết khi áp dụng Luật. Tuy nhiên, dự thảo không đưa lĩnh vực tổ chức chính trị, xã hội (bao gồm  Mặt trận, các đoàn thể chính trị) là thiếu sót. Đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu đưa vào Luật.  Việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước tại khoản 1, điểm a, Điều 13  quy định:  Thẩm quyền cho phép sao như người đứng  đầu cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương trở lên; Viện trưởng - Viện KSNDTC; Chánh án - Tòa án NDTC, Viện kiểm sát cấp tỉnh, Tòa án cấp tỉnh… có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước đến độ tuyệt mật. Nghiên cứu điều này, đối chiếu Điều 9, khoản 1, 2, 4, 13 và Điều 10 phân loại bí mật Nhà nước có nhiều vấn đề mâu thuẫn, đề nghị ban soạn thảo cần xem lại thẩm quyền Viện Kiểm sát và Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền cho phép sao chụp này không - Luật sư Phạm Thị Điệp - thành viên Tổ tư vấn pháp luật Đoàn ĐBQH đơn vị Lâm Đồng góp ý kiến tâm huyết. 
 
Đại biểu Hoàng  Bình - thành viên Tổ tư vấn pháp luật của Đoàn ĐBQH Lâm Đồng lại cho rằng: Tại khoản 2, Điều 11 ban hành Danh mục bí mật Nhà nước,  quy định cụ thể người chịu trách nhiệm lập danh mục bí mật Nhà nước tại đơn vị quản lý, bao gồm: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ lập danh mục bí mật Nhà nước của ngành, lĩnh vực quản lý, trừ quy định tại khoản 4 Điều này; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng lập danh mục bí mật Nhà nước của Đảng; Người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội lập danh mục bí mật Nhà nước của tổ chức chính trị - xã hội; Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lập danh mục bí mật Nhà nước của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội. Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước lập danh mục bí mật Nhà nước của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước; Chánh án TANDTD; Viện trưởng VKSNDTC; Tổng Kiểm toán nhà nước lập danh mục bí mật Nhà nước của ngành, lĩnh vực quản lý.
 
Và trong danh sách cụ thể này, đại biểu Bình cho rằng chúng tôi nhận thấy không có Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tương tự như khoản 2 Điều 5, tức ẩn ý của Ban soạn thảo cho rằng Văn phòng Chính phủ cũng nằm trong danh sách các cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ? Tuy nhiên, với tính chất quan trọng đặc biệt của Văn phòng Chính phủ nói chung cũng như với Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước nói riêng, chúng tôi đề nghị cần phải bổ sung Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ vào danh sách người chịu trách nhiệm lập danh mục bí mật Nhà nước cụ thể vào khoản 2 Điều 11.
 
Đại biểu Lê Đức Thọ - Chánh Thanh tra Sở KH&CN - thành viên Tổ  tư vấn chính sách  pháp luật của Đoàn ĐBQH  tỉnh Lâm Đồng đề nghị nên bổ sung thêm Danh mục bí mật Nhà nước cụ thể vào trong dự thảo. Bởi vì, trong Dự thảo luật thì chưa thấy quy định cụ thể cái gì mật và cái gì không mật mà lại giao cho Thủ tướng Chính phủ ban hành là chưa hợp lý. Khi Luật được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thì người dân cũng không biết cái gì là thuộc danh mục bí mật Nhà nước cần phải bảo vệ. Do vậy, Dự thảo Luật cần quy định rõ cái nào mật và không mật để người dân biết và làm những gì pháp luật không cấm.
 
Theo Dự thảo Luật, tại Điều 9. Phạm vi bí mật Nhà nước quy định có 15 nhóm nội dung thuộc phạm vi bí mật Nhà nước cần được bảo vệ, quy định như thế nói chung là rất rộng, bao quát hầu hết các lĩnh vực, vì vậy tôi đề nghị nên xem xét lại cho phù hợp với thực tế và cần phải có danh mục bí mật Nhà nước cụ thể trong Luật thì mới phù hợp. Trong Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước từ quy định ban hành danh mục, quá trình sử dụng, sao chép thông tin bảo mật cho đến giải mật hoàn toàn là việc của các cơ quan nhà nước mà gần như không có sự tham gia ý kiến của người dân. Do đó, tôi đề nghị Dự thảo Luật nên bổ sung vào nguyên tắc để đảm bảo quyền giám sát của công dân.
 
Qua nghiên cứu Dự thảo Luật, luật gia Bùi Thanh Long cho rằng: Trong Dự thảo Luật chỉ quy định về “lộ, mất” là chưa đầy đủ. Đề nghị bổ sung thêm trong các điều luật từ “lọt” sau từ “lộ” như “nếu bị lộ, bị lọt, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc”, vì làm lộ là do chủ quan và có thể do cố ý nhưng để lọt là do sơ hở, thiếu trách nhiệm và do vô ý. Việc bổ sung quy định này là nhằm nâng cao trách nhiệm của những tổ chức, cơ quan, đơn vị và những người có trách nhiệm nâng cao thêm tinh thần cảnh giác không để lọt bí mật Nhà nước… Ví dụ, trong Khoản 3 đề nghị bổ sung thêm từ “lọt” và giải thích rõ hơn là “Lộ, lọt bí mật Nhà nước là việc “để cho” người không có trách nhiệm biết được bí mật Nhà nước.”… Tại Điều 7, các hành vi bị nghiêm cấm, đề nghị bổ sung thêm cụm từ “để lọt” vào Khoản 1 thành “Làm lộ, để lọt chiếm đoạt, mua, bán bí mật nhà nước; làm mất tài liệu, vật chứa bí mật Nhà nước. Tại Điều 9, phạm vi bí mật Nhà nước đề nghị bổ sung thêm cụm từ “để lọt” vào thành “Thông tin thuộc phạm vi bí mật Nhà nước phải là thông tin quan trọng về các nội dung sau đây, chưa được công khai, nếu bị lộ, để lọt, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc...”. 
 
Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những hình thức chủ yếu để lộ bí mật Nhà nước là việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật Nhà nước chưa được quy định chặt chẽ, chưa xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong việc tổ chức, tham  gia hội nghị, hội thảo, cuộc họp, dễ bị lợi dụng khai thác khi tiếp cận thông tin có nội dung thuộc phạm vi bí mật Nhà nước. Do đó, đề nghị Dự thảo Luật cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn đối với các hoạt động này.  
 
NGUYỆT THU