Mục tiêu quản lý, bảo vệ rừng năm 2018 liệu có đạt?

08:08, 24/08/2018

Ngày 21/8, làm việc với Chi cục Kiểm lâm, được biết, tình hình vi phạm Luật BV&PTR trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng tháng 8 mặc dù số vụ vi phạm có giảm so cùng kỳ, nhưng mức độ thiệt hại về rừng (diện tích phá rừng và lâm sản thiệt hại) lại tăng...

Ngày 21/8, làm việc với Chi cục Kiểm lâm (KL), được biết, tình hình vi phạm Luật BV&PTR trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng tháng 8 mặc dù số vụ vi phạm có giảm so cùng kỳ, nhưng mức độ thiệt hại về rừng (diện tích phá rừng và lâm sản thiệt hại) lại tăng. Mặt khác, cũng chưa đạt tiêu chí giảm số vụ vi phạm theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 08 vào đầu năm nay. 
 
Việc san gạt phải thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm thì mới ngăn chặn được xâm phạm tài nguyên rừng. Ảnh: M.Đ
Việc san gạt phải thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm thì mới ngăn chặn được xâm phạm tài nguyên rừng. Ảnh: M.Đ

Những con số cần quan tâm  
 
Số liệu Phòng Thanh tra - Pháp chế, Chi cục KL cung cấp cho chúng tôi, trong tháng 8 tháng/2018, lực lượng KL và các đơn vị chức năng đã phát hiện lập biên bản 81 vụ, diện tích thiệt hại do phá rừng hơn 74.000 m2 và gần 366 m3 lâm sản bị thiệt hại. Tính lũy kế 8 tháng, tuy giảm so cùng kỳ năm 2017 về số vụ vi phạm, diện tích thiệt hại, khối lượng lâm sản thiệt hại, nhưng các số liệu sau rất cần quan tâm. Đó là so với tháng 7, tháng 8 đều tăng cả 3 tiêu chí: vụ vi phạm (8%), diện tích thiệt hại do phá rừng (29%) và lâm sản thiệt hại 25% với 73,824 m 3. Đặc biệt, nếu so sánh cùng kỳ năm 2017, số vụ vi phạm chỉ giảm 11% (10 vụ), tăng cả diện tích thiệt hại do phá rừng (8% với 5.378 m 2) và lâm sản thiệt hại tới 54% (127,519 m 3). Nếu tính cả 8 tháng 2018 so với cùng kỳ năm 2017, số vụ vi phạm được phát hiện lập biên bản là 595 vụ, chỉ giảm 17% (mục tiêu giảm ít nhất 20%) và khối lượng lâm sản thiệt hại là hơn 2.229 m 3, mới đạt 21% (mục tiêu giảm ít nhất 30%). 
 
Cần nêu thêm, trong số 81 vụ vi phạm Luật BV&PTR mà các cơ quan chức năng lập biên bản chỉ có 45 vụ xác định được đối tượng vi phạm còn 36 vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm…
 
Mục tiêu của tỉnh là những tháng cuối năm 2018 giảm tỷ lệ số vụ vi phạm chưa phát hiện được đối tượng vi phạm. 
 
Nêu những số liệu trên nhằm nhìn nhận thẳng thắn và nghiêm túc việc thực hiện nhiệm vụ vô cùng quan trọng của tỉnh mà Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt từng chỉ đạo: Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ quan trọng thứ hai, sau nhiệm vụ thu ngân sách của tỉnh. Tại thời điểm này, đại diện lãnh đạo Chi cục KL Lâm Đồng, Phó Chi cục trưởng Phạm Văn Huy cũng cho rằng: “Tình hình vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) còn diễn biến phức tạp và luôn có nguy cơ gia tăng”. Ông Huy cũng đánh giá những tồn tại và hạn chế về QLBVR trước hết là trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa cao, công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm, tội phạm ở một số địa phương chưa thực sự chủ động quyết liệt. Bên cạnh đó, một số cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng chưa thật quyết liệt hoặc còn thiếu trách nhiệm; chưa có giải pháp, biện pháp hợp lý trong công tác kiểm tra phòng ngừa, phát hiện ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng và xử lý các đối tượng vi phạm,… Cũng cần nhắc lại, đến thời điểm đầu tháng 8/2018, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có đến 84 dự án thuê rừng và đất lâm nghiệp để đầu tư phát triển kinh tế đã để rừng bị phá với tổng diện tích 1.157 ha mà không kịp thời phát hiện ngăn chặn. Và hầu hết các doanh nghiệp đều chậm hoặc chây ì việc thực hiện bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng; trong hơn 219 tỷ đồng mới chỉ thu được khoảng 10% mà  Phó  Giám đốc Sở NN&PTNT Võ Danh Tuyên cho hay.  
 
Hy vọng chuyển biến mạnh 4 tháng còn lại 
 
Để từ đây đến cuối năm cải thiện được những con số về mục tiêu QLBVR sáng sủa hơn, trước hết cần khẩn trương thực hiện các giải pháp, biện pháp khắc phục những tồn tại hạn chế nêu trên. Mặt khác, như chúng tôi nhiều lần phản ánh, cần cương quyết xử lý mạnh tay những doanh nghiệp và người dân lợi dụng chủ trương “Quy định tạm thời về san gạt, cải tạo mặt bằng để sản xuất nông nghiệp, xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh” (theo Quyết định số 1498/QĐ-UBND ngày 6/7/2017 của UBND tỉnh) đã vi phạm pháp luật. Quá trình thực hiện, nhiều trường hợp thực hiện không đúng quy định, không đúng nội dung được cấp phép, lợi dụng việc cấp phép để san gạt đất lâm nghiệp hoặc san gạt quá diện tích, khối lượng cho phép... Những tác động này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan môi trường, gây sạt - trượt đất trong mùa mưa, tạo dư luận không tốt trong nhân dân… Nguyên nhân là các cấp chính quyền địa phương chưa thực hiện tốt công tác hậu kiểm. Vì vậy, ngày 26/4, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt đã ký Văn bản số 2472 kể từ ngày 27/4/2018, tạm ngưng thực hiện Quyết định 1498 trên địa bàn toàn tỉnh. Tính cấp thiết của vấn đề còn thể hiện, kể cả các trường hợp hồ sơ đã được phê duyệt, cấp phép cải tạo mặt bằng nhưng chưa thực hiện hoặc đang thực hiện dở dang cũng thực hiện tạm ngưng. Và ngày 17/8, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì hội nghị sơ kết thực hiện quy định tạm thời về san gạt, cải tạo mặt bằng này. Theo chúng tôi, một số nội dung về quy định cần đề ra sát với thực tế và đặc biệt phải được lượng hóa cụ thể, không chung chung, nhằm thuận lợi trong khâu giám sát, kiểm tra. Qua đó, có kết luận làm cơ sở để đưa ra các hình thức xử lý kịp thời và nghiêm khắc. Tuy nhiên, mọi chủ trương vào cuộc sống đều phụ thuộc chủ yếu vào người thực hiện. Đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị ở cơ sở như Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 26/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng chỉ đạo. Sau sơ kết quy định trên, một lãnh đạo trong Ban chỉ đạo về Kế hoạch BV&PTR tỉnh Lâm Đồng cũng chia sẻ với chúng tôi: Nếu chính quyền cấp huyện và xã cứ lơ là, lỏng lẻo quản lý; ngành tài nguyên - môi trường các cấp không phát huy cao trách nhiệm của cơ quan chức năng thì tình trạng lợi dụng để xâm hại rừng và đất lâm nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra, thậm chí phức tạp. Đã đến lúc, tính đồng bộ phối hợp, sự cương quyết xử lý kịp thời, nghiêm khắc có tính quyết định. 
 
Một hoạt động mới khác, cũng vào ngày 17/8, lãnh đạo UBND 2 tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận đã ngồi lại với nhau để đánh giá 4 năm thực hiện quy chế phối hợp trong công tác QLBVR. Hội nghị quan trọng này diễn ra tại Bình Thuận, tham gia còn có Chánh Văn phòng UBND, Giám đốc và Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng, Chi cục trưởng Kiểm lâm của 2 tỉnh… Khu vực rừng giáp ranh được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu tâm và chỉ đạo các địa phương quan tâm. Với Lâm Đồng và Bình Thuận, vùng giáp ranh dài khoảng 190 km. Tình trạng khai thác lâm sản, phá rừng trái phép diễn ra khá phức tạp, nhất là khu vực giáp ranh giữa Bắc Bình (Bình Thuận) với 2 huyện Đức Trọng và Di Linh (Lâm Đồng). Các đại biểu tham gia hội nghị đã nêu những bất cập, tồn tại và đề xuất nhiều giải pháp bảo vệ rừng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Phạm Văn Nam đã chỉ đạo các cơ quan chức năng 2 tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân. Cùng đó, lực lượng kiểm lâm, đơn vị chủ rừng phải thường xuyên phối hợp trong tuần tra, truy quét để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp vi phạm. Những vấn đề tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn là quan tâm giải quyết việc làm cho người dân; quản lý, xử lý nghiêm đối tượng cầm đầu, đầu nậu khai thác, vận chuyển, tiêu thụ, chế biến lâm sản trái phép... Những quan điểm này cũng là bài học chung đối với các vùng rừng giáp ranh giữa tỉnh Lâm Đồng với 6 tỉnh bạn khác.
 
MINH ÐẠO