Chủ rừng cần gì?

08:08, 29/08/2018

Như Báo Lâm Ðồng đã đưa tin, ngày 21/8, hai nhân viên của Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Lâm Ðồng bị người dân dùng hung khí chém trọng thương khi giải tỏa lấn chiếm đất lâm nghiệp của đơn vị thuê. XNNLGLÐ đã thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và sự quan tâm từ các cấp, các ngành đến chủ rừng như thế nào? 

Như Báo Lâm Ðồng đã đưa tin, ngày 21/8, hai nhân viên của Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Lâm Ðồng (XNNLGLÐ) bị người dân dùng hung khí chém trọng thương khi giải tỏa lấn chiếm đất lâm nghiệp của đơn vị thuê. XNNLGLÐ đã thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QL,BV&PTR) và sự quan tâm từ các cấp, các ngành đến chủ rừng như thế nào? 
 
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng thăm và động viên 2 bị hại của XNNLGLĐ tại Bệnh viện tỉnh. Ảnh: M.Đ
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng thăm và động viên 2 bị hại của XNNLGLĐ tại Bệnh viện tỉnh. Ảnh: M.Đ

Ðược chi trả hơn 5,5 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng 
 
Trong lúc toàn tỉnh đã thu hồi 189 dự án (157 dự án thu hồi toàn bộ, 32 dự án thu hồi một phần) do chủ yếu không triển khai thực hiện tốt công tác QL,BV&PTR (số liệu tháng 8/2018) thì dự án do XNNLGLĐ thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai (gọi tắt Công ty Tân Mai) nhiều năm đang thực hiện tốt. Được tỉnh Lâm Đồng phê duyệt, từ năm 1998 đến nay, đơn vị này đầu tư trồng rừng với tổng mức khoảng 600 tỷ đồng. Diện tích XNNLGLĐ hiện trực tiếp quản lý và liên doanh quản lý hơn 10.172 ha, bao gồm hơn 9.037 ha rừng trồng và hơn 1.135 ha rừng tự nhiên; thuộc các địa bàn huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc. Tại các huyện có 1 ban quản lý rừng nguyên liệu giấy (gọi tắt BQLR), dưới BQLR là các đội QLBVR và lực lượng QLBV chuyên trách. Ngoài ra, Tập đoàn còn thuê khoán rất nhiều lao động địa phương trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Các giải pháp để QL,BV&PTR hiệu quả nhiều năm nay triển khai như: phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị lâm nghiệp; ký kết hợp đồng QLBVR với các cá nhân và các hộ dân sống gần rừng để gắn trách nhiệm người dân với rừng nhằm hạn chế tối đa việc chặt phá cây trồng và lấn chiếm đất rừng. Mặt khác, tổ chức lực lượng QLBV chuyên trách, tăng cường công tác tuần tra để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm Luật BV&PTR, chuyển hồ sơ qua Hạt Kiểm lâm, chính quyền địa phương xử lý các đối tượng vi phạm; lập kế hoạch giải tỏa cây trồng trái phép và thu hồi đất để tiến hành trồng lại rừng theo đúng chủ trương của UBND tỉnh…
 
Giám đốc XNNLGLĐ Thủy Ngọc Phúc cho biết, trong hơn 10.172 ha, XNNLGLĐ trực tiếp quản lý hơn 6.219 ha, trong đó rừng trồng gần 5.084 ha và rừng tự nhiên hơn 1.135 ha; diện tích còn lại hơn 3.953 ha (thuộc rừng trồng) là liên doanh quản lý. Để thực hiện tốt công tác PCCCR đối với số rừng trồng, gần 374 ha trồng giai đoạn 1 được phát, gom xử lý vật liệu cháy, làm đường ranh cản lửa; hơn 8.085 ha trồng giai đoạn 2 sử dụng biện pháp đốt trước có điều khiển, đốt theo dạng da beo; tập trung những vùng trọng điểm, xung yếu nguy cơ xảy ra cháy cao. Nhờ vậy, mùa khô 2017-2018, diện tích đơn vị quản lý không xảy ra cháy rừng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2017 đến nay, có tới 45 vụ lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, với tổng diện tích gần 15 ha. Các vụ vi phạm tập trung chủ yếu ở hai địa bàn huyện Lâm Hà và huyện Bảo Lâm. Theo ông Phúc, đặc biệt có 2 vụ vi phạm phá rừng trái pháp luật hết sức nghiêm trọng xảy ra vào cuối năm 2017, đầu năm 2018 thuộc BQLR địa bàn Lâm Hà tại tiểu khu 292, diện tích thiệt hại 2,8 ha và vụ chém trọng thương 2 nhân viên của BQLR tại tiểu khu 274A. Đối với rừng tự nhiên, từ đầu năm 2017 đến nay, xảy ra 7 vụ vi phạm lấn chiếm với diện tích 0,85 ha. Tất cả những vụ vi phạm nêu trên đều được các BQLR phát hiện, lập biên bản kịp thời; một số vụ đã thu hồi và đưa vào trồng lại rừng, số vụ khác phối hợp với các cơ quan chức năng truy tìm đối tượng vi phạm để thu hồi lại diện tích bị lấn chiếm. 
 
Với hiệu quả về QLBVR nêu trên, hàng năm, XNNLGLĐ được chi trả 5,540 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này được đơn vị chủ yếu chi trả cho 37 hợp đồng chuyên trách QLBVR-PCCCR và 147 hợp đồng nhận khoán, bình quân mỗi hộ 30 ha. 
 
Sổ đỏ cấp chồng, công cụ hỗ trợ không được sử dụng 
 
Đó là vụ lấn chiếm 1.400 m 2 đất lâm nghiệp do XNNLGLĐ quản lý của hộ ông Nguyễn Đức Tài và bà Nguyễn Thị Thìn, dẫn đến con ông Tài dùng hung khí chém trọng thương 2 nhân viên XNNLGLĐ vào ngày 21/8 như đã đưa tin. Đây là diện tích được tỉnh phê duyệt cho Công ty Tân Mai thuê trồng rừng nguyên liệu giấy tại Quyết định số 1337/QĐ-UBND ngày 17/6/2014 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Thế nhưng sau đó, hộ ông Tài - bà Thìn lại được UBND huyện Lâm Hà cấp chồng diện tích 1.400 m 2/2.914 m 2 bằng Giấy chứng nhận số CA 800851, ngày 19/9/2016 (?). Phát hiện bất hợp lý này, đại diện Công ty Tân Mai đã báo cáo địa phương và ngày 24/3/2017, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Lâm Hà, chính quyền xã Gia Lâm cùng đại diện Xí nghiệp xác minh thực địa, lập biên bản, thống nhất đề nghị thu hồi trả lại 1.400 m 2 cho Công ty Tân Mai. Ngày 16/3/2018, UBND huyện Lâm Hà đã ban hành Quyết định số 1007/QĐ-UBND thu hồi, hủy Giấy chứng nhận số CA 800851 nêu trên để trả lại diện tích 1.400 m 2 cho Công ty Tân Mai. Tại Quyết định 1337 trên, có nội dung “Đăng ký vào sổ địa chính tại UBND xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà” (Điểm đ, Khoản 2 Điều 1) và yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, trong đó có Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà “căn cứ quyết định thi hành” (Điều 3). 
 
Sản phẩm thông tỉa thưa của XNNLGLĐ được tập kết tại Đức Trọng
Sản phẩm thông tỉa thưa của XNNLGLĐ được tập kết tại Đức Trọng

Ngày 23/8, chúng tôi tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Thuận (Đội trưởng Đội Phi Tô thuộc BQLR Nam Ban) đang được theo dõi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng do bị con ông Tài chém trọng thương để tìm hiểu thêm nguyên cớ. Theo ông Thuận, việc lấn chiếm lần này và trồng lại cà phê cùng hành vi rất hung hãn của người dân một phần do tâm lý họ đã được cấp đất rồi bị thu hồi. Lãnh đạo XNNLGLĐ cũng cung cấp cho chúng tôi: 5 năm trước, ngày 14/8/2013, ông Nguyễn Đức Tài đã bị BQLR Nam Ban lập biên bản về hành vi lấn chiếm đất của Công ty Tân Mai tại tiểu khu 274A với diện tích 1,32 ha rừng trồng năm 2002, làm thiệt hại 0,015 ha cây thông. Ông Tài đã làm cam kết bồi thường 1,224 triệu đồng giá trị đầu tư, trả lại đất rừng cho XNNLGLĐ. Khu vực đất này sau đó được Xí nghiệp tiến hành múc đất để phân định mốc ranh rõ ràng. Thế nhưng tháng 8/2018, hộ ông Tài lại tiếp tục lấn chiếm và trồng cà phê lên đất của XNNLGLĐ. Tình thế buộc Trưởng BQLR Trần Quang Sáng báo cáo lãnh đạo XNNLGLĐ và xây dựng Kế hoạch số 23/KH-BLH tổ chức thực hiện giải tỏa. Ngoài lực lượng của BQLR còn có 1 người đại diện Công an xã Gia Lâm hỗ trợ. 
 
Và sự vụ đã xẩy ra, 2 thành viên đoàn giải tỏa bị chém phải nằm viện. Tại sao đoàn giải tỏa không có biện pháp ngăn chặn kịp thời? Trả lời câu hỏi của chúng tôi, lãnh đạo XNNLGLĐ cho biết có công cụ hỗ trợ mang theo nhưng không sử dụng được, vì… hết thời hạn sử dụng. Lãnh đạo XNNLGLĐ đã cung cấp 2 văn bản, trong đó đáng lưu là Văn bản số 08/CV-XNLĐ ngày 15/5/2018 gửi Công an tỉnh Lâm Đồng. Văn bản ghi rõ: Năm 2014 lực lượng QLBVR chuyên trách của XNNLGLĐ đã được cán bộ nghiệp vụ Công an tỉnh Lâm Đồng huấn luyện sử dụng công cụ hỗ trợ và được cấp chứng chỉ quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. “Tuy nhiên, theo Thông tư 19/2016/TT-BCA của Bộ Công an, đến nay chứng chỉ đã hết thời hạn sử dụng”. Sự chậm trễ này đã ảnh hưởng đến hậu quả đáng tiếc hôm 21/8. Ngay ngày hôm sau, 22/8, Giám đốc Thủy Ngọc Phúc tiếp tục có Công văn thứ hai số 13/CV-XNLĐ2018 gửi Công an tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đăng ký. 
 
Chúng tôi kết thúc bài viết này không ngoài mong muốn, các đơn vị, địa phương liên quan cần rút ra những bài học kinh nghiệm trong sự phối hợp, hỗ trợ đối với các chủ rừng để họ thực hiện tốt nhiệm vụ QL,BV&PTR trên địa bàn tỉnh. Ngày 27/8, Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phạm Văn Huy cũng cho biết, đơn vị đã làm 2 văn bản báo cáo và tham mưu Sở NN&PTNT để kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết vụ hành hung người thi hành công vụ tại XNNLGLĐ. 
 
ÐẠO PHAN