Cảnh giác với tội phạm sử dụng công nghệ cao

08:09, 24/09/2018

Thời gian qua, liên tiếp các cuộc đánh cắp tiền qua tài khoản ngân hàng, mạng xã hội facebook, điện thoại...đã khiến người dân hoang mang. Rất nhiều giải pháp được cơ quan chức năng nêu ra, trong đó quan trọng nhất là người dân phải nêu cao cảnh giác, có biện pháp phòng ngừa để hạn chế tình trạng trên.

Thời gian qua, liên tiếp các cuộc đánh cắp tiền qua tài khoản ngân hàng, mạng xã hội facebook, điện thoại...đã khiến người dân hoang mang. Rất nhiều giải pháp được cơ quan chức năng nêu ra, trong đó quan trọng nhất là người dân phải nêu cao cảnh giác, có biện pháp phòng ngừa để hạn chế tình trạng trên.
 
Các đại biểu góp ý cho Đoàn Đại biểu Quốc hội Lâm Đồng về các dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước,  Luật An ninh mạng nhằm hạn chế tội phạm sử dụng công nghệ cao để trình Quốc hội. Ảnh: N.Thu
Các đại biểu góp ý cho Đoàn Đại biểu Quốc hội Lâm Đồng về các dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước,
Luật An ninh mạng nhằm hạn chế tội phạm sử dụng công nghệ cao để trình Quốc hội. Ảnh: N.Thu

Theo thống kê của ngành Công an, nổi lên thời gian qua là tình trạng trộm cắp, mua bán thông tin thẻ tín dụng để làm giả thẻ thanh toán dịch vụ rút tiền qua máy ATM hoặc mua hàng hóa tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động của máy ATM để thực hiện hành vi trộm cắp dữ liệu thẻ của khách hàng. Nhiều vụ việc xảy ra mất tiền trong tài khoản liên quan đến khách hàng của Agribank khi một số khách hàng không thực hiện giao dịch nhưng bị trừ tiền trong tài khoản. Rà soát điều tra của cơ quan chức năng qua lịch sử giao dịch tại các cây ATM, bước đầu xác định các cây ATM bị lắp đặt thiết bị Skimmer là một hình thức đánh cắp thông tin thẻ tín dụng bằng một thiết bị nhỏ. Khi thẻ của người dùng bị quẹt qua “skimmer”, tạm gọi là một đầu đọc thẻ, thiết bị sẽ ghi nhận lại tất cả dữ liệu có trong dải từ của thẻ, ví dụ như số thẻ, ngày hết hạn, tên chủ thẻ. Kẻ gian sẽ trích xuất dữ liệu từ skimmer ra, sau đó dùng để mua hàng online hay nạp vào một thẻ giả khác để đem đi rút tiền hoặc cà thẻ mua sắm tại các cửa hàng. Nhiều kẻ thì đem data đi bán trên mạng. 
 
Đáng lưu ý, ngành công an đã phát hiện tình trạng khách du lịch nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, thực hiện giao dịch bằng các thẻ nội địa do ngân hàng nước ngoài phát hành (máy chấp nhận thanh toán thẻ không dây, có thể sử dụng ở bất kỳ vị trí nào chỉ với một chiếc sim điện thoại 3G), không qua hệ thống ngân hàng và trung gian thanh toán Việt Nam, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia.
 
Ngoài ra, còn có tình trạng một số đối tượng sử dụng dịch vụ cuộc gọi thoại trên nền Internet (VoIP) giả danh các cơ quan pháp luật như công an, tòa án, viện kiểm sát… để gọi điện cho người dân đe dọa, nhắc nợ cước viễn thông hoặc vi phạm pháp luật, sau đó yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của chúng để chiếm đoạt. Tình trạng này diễn ra ở rất nhiều địa phương, trong đó có Lâm Đồng. Vào khoảng tháng 5 năm 2018, Cục Cảnh sát hình sự phá chuyên án 418T “Đấu tranh nhóm đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua dịch vụ gọi VoIP”. Cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố 8 bị can theo điều 174 Bộ luật Hình sự, ra quyết định tạm giam 7 đối tượng, trong đó có 3 đối tượng là người Đài Loan, Trung Quốc. 
 
Hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber… diễn biến phức tạp, nổi lên là tình trạng người nước ngoài câu kết với một số người Việt Nam tiến hành làm quen với người bị hại, tạo lòng tin, hứa gửi tiền, quà tặng có giá trị, sau đó giả mạo nhân viên hải quan gọi điện yêu cầu nạn nhân chuyển tiền làm các thủ tục thông quan để chiếm đoạt. Ngoài ra, còn hình thành một số tụ điểm tội phạm sử dụng công nghệ cao chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức nhắn tin thông báo trúng thưởng qua mạng xã hội.
 
Về hoạt động kinh doanh theo mô hình đa cấp dù được các cơ quan chức năng tập trung quản lý, giám sát nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng hoạt động bán hàng đa cấp để chiếm đoạt với nhiều phương thức, thủ đoạn mới hết sức tinh vi như: lập Website để tổ chức huy động vốn trả lãi suất cao nhằm chiếm đoạt tài sản, hoặc lợi dụng hoạt động từ thiện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lập và tạo ra nhiều sàn giao dịch các loại tiền điện tử hoạt động theo mô hình đa cấp như: Onecoin, Bitcoin, Ilcoin, Gemcoin… để thu hút các nhà đầu tư, nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc kinh doanh tiền điện tử trái phép để rửa tiền, ship hàng, trả tiền cá độ bóng đá... Cụ thể, theo cơ quan Công an cho biết, vụ Nguyễn Hữu Tiến và đồng phạm thành lập website Otcmax.vn quảng cáo kêu gọi đầu tư dự án với lợi nhuận cao 1,8%/ngày và đầu tư tiền ảo Vncoins với lợi nhuận 2,5%/ngày, đã chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của 6.000 người. Hoặc như dư luận vừa qua có phản ánh vụ Hợp tác xã đào tiền ảo Sky Mining với thủ đoạn quảng cáo là công ty đào tiền ảo lớn nhất Việt Nam kêu gọi nhà đầu tư mua máy đào tiền ảo với hứa hẹn sau 12 tháng sẽ trả lại vốn và lãi lên đến 300% mức đầu tư, đã chiếm đoạt trên 300 tỷ đồng của nhà đầu tư. 
 
Cảnh báo của cơ quan chức năng đưa ra cho người dân hiện nay đó là các cơ quan, doanh nghiệp, người dân cần phải nâng cao ý thức phòng ngừa, cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội, trên Internet. Cần chú trọng đầu tư công tác bảo mật cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, tăng cường công tác an ninh mạng, an toàn mạng. Đồng thời, khuyến khích người dân nêu cao trách nhiệm, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống loại tội phạm sử dụng công nghệ cao này.
 
NGUYỆT THU