Vì sao cấm nông sản Trung Quốc vào Chợ nông sản Ðà Lạt?

08:09, 18/09/2018

Kể từ nay, chỉ các loại nông sản có xuất xứ từ Ðà Lạt mới được vào Chợ nông sản Ðà Lạt, còn lại tất cả nông sản từ các nơi khác đến đều bị cấm vào chợ này. Liệu đây có phải là động thái nhằm ngăn cản nông sản Trung Quốc "đội lốt" Ðà Lạt hay là hành động "ngăn sông cấm chợ" để bảo vệ nông sản địa phương của chính quyền TP Ðà Lạt? Báo Lâm Ðồng đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Ðà Lạt về vấn đề này. 

Kể từ nay, chỉ các loại nông sản có xuất xứ từ Ðà Lạt mới được vào Chợ nông sản Ðà Lạt, còn lại tất cả nông sản từ các nơi khác đến đều bị cấm vào chợ này. Liệu đây có phải là động thái nhằm ngăn cản nông sản Trung Quốc “đội lốt” Ðà Lạt hay là hành động “ngăn sông cấm chợ” để bảo vệ nông sản địa phương của chính quyền TP Ðà Lạt? Báo Lâm Ðồng đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Ðà Lạt về vấn đề này. 
 
PV: Thưa ông, vì sao chính quyền TP Đà Lạt cấm nông sản Trung Quốc vào Chợ nông sản Đà Lạt?
 
Ông Nguyễn Văn Sơn
Ông Nguyễn Văn Sơn
Ông Nguyễn Văn Sơn: 
 
Trước đây, UBND TP Đà Lạt xây dựng Chợ nông sản Đà Lạt với mục đích là hỗ trợ cho hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ cho mặt hàng nông sản Đà Lạt. Việc kinh doanh mặt hàng nông sản không có xuất xứ từ Đà Lạt là không đúng chủ trương, định hướng của việc thành lập Chợ nông sản Đà Lạt. Vì vậy, UBND thành phố đã chỉ đạo Ban Quản lý Chợ Đà Lạt xây dựng nội quy chợ, quy định rõ tiểu thương kinh doanh mặt hàng nông sản tại chợ nông sản này chỉ được kinh doanh các mặt hàng nông sản có xuất xứ từ Đà Lạt, nghiêm cấm mọi hành vi vận chuyển, lưu trữ hàng hóa nông sản có xuất xứ ngoài địa phương Đà Lạt chứ không riêng gì mặt hàng khoai tây nhập khẩu từ Trung Quốc.
 
PV: Cấm nông sản có xuất xứ ngoài Đà Lạt được hiểu là những vùng nào, các huyện thuộc Lâm Đồng có bị cấm không?
 
Ông Nguyễn Văn Sơn: 
 
Nông sản Đà Lạt được hiểu là những vùng được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận rau Đà Lạt trước đây, và nay là nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, áp dụng cho 4 nhóm sản phẩm: rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông, gồm các vùng Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng và Lạc Dương. UBND TP Đà Lạt đã cho tiểu thương chợ nông sản Đà Lạt cam kết khi nhập hàng hóa nông sản vào chợ phải cung cấp đầy đủ thông tin xuất xứ hàng hóa (như: tên, địa chỉ, điện thoại) của tổ chức, cá nhân sản xuất nông sản cho Ban quản lý chợ; sau khi đối chiếu, xác minh rõ nguồn gốc thì mới cho phép nhập vào chợ.
 
PV: Trong thời buổi hội nhập toàn cầu hiện nay, việc cấm các loại nông sản có xuất xứ từ nơi khác vào Chợ nông sản Đà Lạt, như vậy liệu đây có phải là hành vi “ngăn sông cấm chợ” của chính quyền Đà Lạt hay không?
 
Ông Nguyễn Văn Sơn: 
 
Như đã nêu ở trên, Chợ nông sản Đà Lạt hoạt động với mục đích là chợ đầu mối rau của Đà Lạt, hỗ trợ cho hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ cho mặt hàng nông sản Đà Lạt. Chợ này không có hình thức bán lẻ, hàng hóa được tập kết về đây sau đó phân phối ra thị trường trong nước. Thực tế hoạt động của chợ từ lúc hình thành đến nay không có việc nhập nông sản từ địa phương khác vào chợ ngoài mặt hàng khoai tây có xuất xứ từ Trung Quốc. Việc nhập khoai từ Trung Quốc vào chợ nông sản rõ ràng với mục đích cuối cùng là giả mạo nông sản Đà Lạt hoặc tiếp tay cho việc giả mạo nông sản Đà Lạt, bởi việc nhập khoai tây về Đà Lạt rồi đưa đi địa phương khác tiêu thụ sẽ phát sinh chi phí vận chuyển, bốc dỡ, bảo quản, lưu trữ,… cao hơn rất nhiều so với việc chở thẳng nguồn hàng này trực tiếp về thị trường tiêu thụ. Như vậy, khẳng định việc ban hành nội quy chợ chỉ cho phép kinh doanh mặt hàng nông sản có xuất xứ từ Đà Lạt là không trái quy định pháp luật và không phải là hành động “ngăn sông, cấm chợ” vì Ban quản lý chợ ban hành nội quy dựa trên tính chất, mục đích, thực trạng hoạt động của chợ nông sản và được đa số bà con tiểu thương tán thành.
 
PV: Nhưng như vậy, vì sao ngay cả việc sơ chế nông sản tại chợ này cũng bị cấm? 
 
Ông Nguyễn Văn Sơn: 
 
Trong những năm qua, hoạt động sơ chế nông sản tại Chợ nông sản Đà Lạt đã gây ô nhiễm nguồn nước làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa bàn Phường 11. Hiện nay, thành phố đã chỉ đạo Ban quản lý chợ, Phòng Tài nguyên - Môi trường nghiên cứu giải pháp khả thi để đầu tư hệ thống xử lý nguồn nước. Việc này khá khó khăn và cần thời gian vì địa hình chợ nông sản được xây trên nền đá và tiểu thương cũng chưa thống nhất về kinh phí để triển khai. Việc cấm sơ chế (rửa) chỉ áp dụng với mặt hàng khoai tây, cà rốt là những mặt hàng gây ô nhiễm nguồn nước và quy định này sẽ được bãi bỏ khi hệ thống xử lý nước thải hoàn thiện đưa vào sử dụng. 
 
PV: Trước đây, ngày 1/11/2015, UBND TP Đà Lạt cũng đã ban hành lệnh cấm nhập khoai tây Trung Quốc vào Chợ nông sản Đà Lạt nhưng sau đó 10 ngày lệnh cấm này đã phải dỡ bỏ, liệu lần cấm này có lặp lại lần trước?
 
Ông Nguyễn Văn Sơn: 
 
Trước đây, có một số phản biện được đưa ra trên thông tin đại chúng là Đà Lạt ban hành lệnh cấm là trái quy định pháp luật, là “ngăn sông, cấm chợ”, việc phản biện này, thành phố tiếp thu. Tuy nhiên, với tính chất, mục đích hình thành chợ nông sản Đà Lạt như đã trình bày và thực trạng hoạt động của Chợ nông sản từ khi thành lập đến nay thì việc cấm nhập các mặt hàng nông sản mà không có nguồn gốc xuất xứ từ Đà Lạt vào chợ nông sản rõ ràng không phải là hoạt động “ngăn sông, cấm chợ”. UBND TP Đà Lạt cũng khẳng định kể từ ngày 15/9/2018, tại Chợ nông sản Đà Lạt chỉ kinh doanh các mặt hàng nông sản có xuất xứ, nguồn gốc từ Đà Lạt nhằm đảm bảo mục đích, ý nghĩa của Chợ nông sản Đà Lạt là chợ đầu mối rau của Đà Lạt. 
 
Hiện nay còn tồn hàng trăm tấn khoai tây Trung Quốc tại Chợ nông sản Đà Lạt. Ảnh: G.B
Hiện nay còn tồn hàng trăm tấn khoai tây Trung Quốc tại Chợ nông sản Đà Lạt. Ảnh: G.B

PV: Trở lại vấn đề cũ, vì sao lâu nay khó ngăn cản được chuyện nông sản Trung Quốc “đội lốt” Đà Lạt?
 
Ông Nguyễn Văn Sơn: 
 
Hiện nay không có quy định nào cấm nhập khẩu hàng nông sản Trung Quốc vào Việt Nam, chúng ta chỉ xử lý được khi phát hiện họ giả thương hiệu Đà Lạt, chỉ dẫn địa lý, giả mạo tem, nhãn. Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa thì nông sản không thuộc đối tượng bắt buộc phải ghi nhãn. Còn với hành vi lăn đất vào khoai tây Trung Quốc hiện nay cũng không có văn bản quy phạm pháp luật nào để xử lý hành vi này. Để kiểm soát việc kinh doanh giả mạo khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt, thành phố vận động các hộ tiểu thương kinh doanh hàng nông sản Trung Quốc phải gắn nhãn xuất là hàng nhập khẩu Trung Quốc khi xuất ra khỏi chợ nông sản. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ quản lý được chỗ của chúng tôi, còn khi đi ra khỏi địa bàn thì họ làm gì mình chịu thua, kể cả đất đỏ, họ không trộn ở đây mà mang đi nơi khác rồi trộn thì chúng tôi khó mà xử lý... 
 
PV: Như vậy, để góp phần ngăn chặn nông sản Trung Quốc “đội lốt” Đà Lạt, theo ông cần thực hiện những giải pháp nào? 
 
Ông Nguyễn Văn Sơn: 
 
Thành phố giao cho Ban quản lý chợ thực hiện nghiêm túc nội quy Chợ nông sản Đà Lạt và thực hiện công tác quản lý chợ nông sản theo quy định của pháp luật. Giao các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh nông sản, kiên quyết xử lý nghiêm hành vi gian lận thương mại trong kinh doanh (việc này cũng cần thực hiện đồng bộ trong toàn tỉnh). Đồng thời, thực hiện thúc đẩy mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng, quảng bá thương hiệu, cụ thể: vận động, hỗ trợ thành lập các mô hình liên kết theo chuỗi sản phẩm như tổ hợp tác, HTX, các doanh nghiệp để hỗ trợ người dân trong sản xuất, thu mua nông sản; khuyến khích các doanh nghiệp ký kết hợp đồng ổn định trong quá trình tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện việc cấp, quản lý và phát triển nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.  Tuyên truyền, vận động nhân dân tăng cường  theo dõi, giám sát hoạt động kinh doanh mặt hàng nông sản trên địa bàn nhằm phát hiện các hành vi làm giả mạo nông sản Đà Lạt để báo cơ quan chức năng xử lý kịp thời. Ngoài ra, cũng cần phối hợp với các tỉnh bạn trong công tác hậu kiểm đối với mặt hàng nông sản có sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”… 
 
PV: Xin cám ơn ông!

Mua bán nông sản Trung Quốc phải có hóa đơn, chứng từ
 
Sở NN&PTNT Lâm Đồng vừa có văn bản chỉ đạo các cơ quan trực thuộc phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán nông sản có nguồn gốc nhập từ Trung Quốc nhưng không có hóa đơn, chứng từ, gây nhầm lẫn với nông sản Đà Lạt.
 
Cụ thể, các cơ sở kinh doanh nhập hàng nông sản từ Trung Quốc lưu thông về Đà Lạt mà không xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ đều bị xử lý về hành vi buôn lậu tương xứng với mức độ vi phạm.
 
Hoặc khi phát hiện hành vi bán hàng nông sản Trung Quốc không lập hóa đơn, chứng từ có giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên, các cơ quan chức năng Lâm Đồng cũng sẽ xử phạt vi phạm hành chính về quản lý giá.
 
Trường hợp buôn bán nông sản Trung Quốc gắn nhãn mác nông sản Đà Lạt, thông tin sai về xuất xứ hàng hóa… phải bị xử phạt nghiêm minh về hành vi buôn bán hàng giả theo quy định hiện hành.
MẠC KHẢI
 
GIA BÌNH (thực hiện)