Cần quản lý chặt chẽ loại hình karaoke lưu động

09:10, 16/10/2018

Yêu thích ca hát và muốn được hát là nhu cầu giải trí chính đáng và lành mạnh, cần thiết trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều bữa tiệc kèm theo nhạc sống, karaoke lưu động nơi công cộng đang làm ảnh hưởng tới đời sống người dân và hình ảnh mỹ quan đô thị.

Yêu thích ca hát và muốn được hát là nhu cầu giải trí chính đáng và lành mạnh, cần thiết trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều bữa tiệc kèm theo nhạc sống, karaoke lưu động nơi công cộng đang làm ảnh hưởng tới đời sống người dân và hình ảnh mỹ quan đô thị.
 
Vào chiều cuối tuần, nhiều nhóm bạn trẻ thoải mái hát karaoke di động tại thảm cỏ bên hồ Xuân Hương thời gian gần đây. Ảnh: C.Phong
Vào chiều cuối tuần, nhiều nhóm bạn trẻ thoải mái hát karaoke di động tại thảm cỏ bên hồ Xuân Hương
thời gian gần đây. Ảnh: C.Phong

Theo ghi nhận, vào chiều thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, người dân và du khách đi vòng quanh khu vực đường Trần Quốc Toản (TP Đà Lạt) đều có thể bắt gặp cả chục sô karaoke di động ngay bên bờ hồ Xuân Hương. Trên thảm cỏ xanh ven hồ, cách 4-5m là có một nhóm bạn trẻ hay gia đình trải bạt bày đồ ăn uống. Trong đó không ít nhóm vừa uống bia rượu vừa “phô diễn” hát karaoke với đủ thể loại nhạc, âm thanh khác nhau.
 
Bà Nguyễn Thị Hoài (43 tuổi, người dân TP Đà Lạt) thường tập thể dục chạy bộ quanh hồ Xuân Hương về chiều, than phiền: “Một năm trước thi thoảng tôi mới thấy có vài người vui chơi bên hồ hứng chí mang loa ra hát karaoke nhưng giờ thì thấy nhiều lắm. Vòng hết bờ hồ cuối tuần cũng đếm được gần hai chục nhóm vừa căng lều, bạt để ăn uống vừa nghêu ngao hát karaoke nghe ồn ào và khá phản cảm”. 
 
Trên khu vực trung tâm thành phố dọc đường Ba Tháng Hai, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Chí Thanh… chúng tôi cũng ghi nhận nhiều cửa hàng buôn bán, kinh doanh cũng tranh thủ mang loa di động loại lớn ra đặt, mở nhạc hướng ra mặt đường để thu hút người đi đường. Đặc biệt vào giờ cao điểm buổi chiều tối, một số quán thường mở nhạc lớn, gây phiền toái cho các nhà kế bên và người tham gia giao thông. 
 
Tại đường Nguyễn Đình Chiểu, Nguyên Tử Lực, Hùng Vương… cũng tương tự, nhiều người dân cũng phản ánh các ca sĩ karaoke di động cấp… hẻm thường thể hiện nhiều loại nhạc khác nhau trong những buổi chiều tối cuối tuần, đặc biệt là việc hát quá 22h theo quy định. Ở đường Trạng Trình, khu Lữ Gia, thời gian qua còn có một số hộ thường xuyên hát karaoke khi có tiệc tùng và họ mở loa lớn, âm thanh vang vọng khiến nhiều người dân xung quanh cảm thấy khó chịu. Người dân đã nhắc nhở gia chủ một vài lần nhưng rồi lại đâu vào đó, điều này cũng làm cho tình cảm người dân quanh khu phố với các hộ chuyên hát karaoke bị sứt mẻ. 
 
Mới đây, tháng 5/2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đa cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tăng cường quản lý các hoạt động sử dụng loa đài phát nhạc, hát karaoke gây ồn ào, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa xã hội.
 
Trong đó, theo đánh giá của cơ quan chức năng thời gian qua, trong quá trình hoạt động, nhiều cơ sở kinh doanh, tổ chức, cá nhân không đảm bảo đầy đủ các điều kiện hoạt động theo quy định, đặc biệt là hiện tượng sử dụng loa đài để phát nhạc, quảng cáo rao vặt, hát karaoke, hát “nhạc sống” di động... với âm lượng vượt mức quy định, tổ chức ở nơi công cộng khi chưa được cơ quan chức năng cho phép, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và đời sống, sinh hoạt của nhân dân.
 
Tuy nhiên, việc xử lý vấn đề này trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Theo Sở VHTT&DL Lâm Đồng, hiện nay trong các quy định của pháp luật hiện hành không có quy định về việc cấm với mô hình giải trí mới xuất hiện này. Do vậy, không thể áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Với chức năng quản lý văn hóa, hiện nay các đơn vị chỉ thực hiện quản lý bản quyền, tác quyền âm nhạc, về biểu diễn nghệ thuật, các hoạt động văn hóa kinh doanh có điều kiện. Còn loại hình karaoke di động hiện nay chưa có quy định cụ thể.
 
Phòng Văn hóa Thông tin TP Đà Lạt cho biết: Điều 17, Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường quy định: Việc gây ra âm thanh vượt quá quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn mức ồn tối đa cho phép thì có thể bị xử phạt. Cụ thể, nếu tiếng ồn từ dưới 5dBA đến trên 40bBA, thì tùy trường hợp người vi phạm có thể bị phạt từ 1 - 160 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt bổ sung bằng hình thức đình chỉ hoạt động từ 3 - 12 tháng, tùy trường hợp và bị buộc khắc phục hậu quả bằng cách giảm tiếng ồn.
 
Quy định là vậy nhưng thực tế việc kiểm tra, xử lý hoạt động kinh doanh dịch vụ “karaoke di động” gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, phương tiện đo độ ồn phục vụ cho việc kiểm tra còn khá hạn chế. Trong khi đó, để xác định được ngưỡng tiếng ồn vượt mức như thế nào, thì phải có thiết bị đo âm thanh. Khi có kết quả thì phải mất nhiều ngày mới có căn cứ để xử lý… Đặc biệt là chưa có chế tài cụ thể để xử lý các loại hình karaoke di động tại nơi công cộng. Đồng thời hiện nay các đơn vị chức năng chưa trang bị đầy đủ phương tiện đo tiếng ồn. Khi tiến hành đo cũng khó vì còn các tạp âm xung quanh. Đặc biệt là khi thấy đoàn đến kiểm tra, người hát sẽ điều chỉnh âm thanh nhỏ nên không có chứng cứ vi phạm và khó xử lý.
 
C.PHONG