Di cư tự do tạo nhiều áp lực về công tác đảm bảo ANTT

08:10, 23/10/2018

Di cư tự do trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng thời gian qua một mặt nào đó đang tạo ra những áp lực khi xuất hiện các đối tượng lợi dụng trốn truy nã, buôn bán hàng cấm, phá rừng… ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự địa phương.

Di cư tự do trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng thời gian qua một mặt nào đó đang tạo ra những áp lực khi xuất hiện các đối tượng lợi dụng trốn truy nã, buôn bán hàng cấm, phá rừng… ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) địa phương.
 
Hầu hết dân di cư tự do làm những công việc thời vụ, trồng những cây ngắn ngày. Tỉ lệ hộ nghèo trong khối dân di cư tự do luôn ở mức cao so với dân sinh sống bản địa. Ảnh: C.P
Hầu hết dân di cư tự do làm những công việc thời vụ, trồng những cây ngắn ngày.
Tỉ lệ hộ nghèo trong khối dân di cư tự do luôn ở mức cao so với dân sinh sống bản địa. Ảnh: C.P

Theo Công an tỉnh Lâm Đồng, 5 năm qua, phát huy lợi thế về đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều chủ trương, biện pháp tập trung phát triển kinh tế - xã hội nhanh, toàn diện. Trong đó, nhờ tỉnh tập trung phát triển cây công nghiệp lâu năm, khai thác, chế biến nông, lâm sản... nên thu hút lượng lớn dân di cư đến định cư, sinh sống, tạo việc làm cho hàng trăm người người lao động, trong đó chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc. 
 
Tuy nhiên, bên cạnh các mặt tích cực nêu trên thì các địa phương là các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh cũng đang phải đối mặt với một số khó khăn lớn, tồn tại từ nhiều năm nay đó là: cơ sở hạ tầng nhìn chung còn nghèo nàn, giao thông đi lại khó khăn; dân cư phân bố không đồng đều, có nhiều dân di cư đến... Và đây được xem là địa bàn “ưa thích” của các đối tượng trốn truy nã, trốn thi hành án thường lợi dụng để trốn tránh pháp luật; các phần tử phản động, đối tượng xấu lợi dụng để tuyên truyền chống phá, kích động, gây rối ảnh hưởng đến an ninh trật tự và chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước.
 
Phòng QLHC về TTXH (PC06) - Công an Lâm Đồng nhận định tình hình di cư tự do trên địa bàn, đặc biệt là trên địa bàn vùng sâu, vùng xa còn diễn biến khá phức tạp. Những năm qua, người đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc, trong đó người Mông chiếm số đông, đã di cư vào địa bàn huyện Đam Rông, tạo ra nhiều thách thức về mặt đảm bảo ANTT địa phương. 
 
Điển hình về người di cư tự do buôn bán chất ma túy là vào tháng 4/2018, Công an huyện Lâm Hà phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) Công an tỉnh phá án thành công chuyên án ma túy lớn, thu giữ 64,2 gam heroin, 197,1 gam ma túy đá, 100 điện thoại di động các loại, 5 máy tính laptop các loại và một khẩu súng bắn đạn bi. Trong đó có hai đối tượng là đối tượng tổ chức buôn bán ma túy trong vụ án là người Mông di cư tự do tại địa bàn huyện Đam Rông. 
 
Ngoài ra, từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng công an cũng phát hiện hơn 20 vụ buôn bán ma túy nhỏ lẻ khác liên quan tới nhiều thanh niên là dân di cư tự do định canh, định cư trên địa bàn các huyện Lâm Hà, Ðam Rông.
 
Là địa phương có số lượng người di cư lớn nhất trên địa bàn tỉnh, tính đến tháng 10/2017, tổng số dân di cư tự do đang cư trú sinh sống, trên địa bàn huyện Đam Rông có trên 1.359 hộ/6.277 nhân khẩu, trong đó dân tộc Mông là 717 hộ/3.883 nhân khẩu; các dân tộc khác có khoảng 642 hộ/2.394 nhân khẩu, bao gồm các dân tộc: Tày, Thái, Thổ, Hoa, Dao, Mường...; địa bàn xuất cư từ 14 tỉnh bao gồm: Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thanh Hóa, Yên Bái, Thái Nguyên, Điện Biên, Tuyên Quang, Sơn La, Quảng Ninh, Nghệ An.
 
Theo đánh giá của Công an huyện Đam Rông, bên cạnh các mặt làm được, tình hình TTXH liên quan đến dân di cư tự do trong giai đoạn từ 2013 đến 2017 trên địa bàn huyện diễn biến tương đối phức tạp. Các vụ phạm pháp hình sự liên quan tới người di cư xảy ra rất đa dạng, có những vụ rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng như: hiếp dâm trẻ em; cố ý gây thương tích; hủy hoại rừng; mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy; mua bán, vận chuyển trái phép vật liệu nổ. 
 
Nhờ làm tốt kết quả tuyên truyền, vận động thuyết phục, kết hợp răn đe giáo dục đối với các đối tượng có biểu hiện nghi vấn sử dụng vũ khí tự chế trái phép, phạm tội… trong vòng 5 năm (2013 đến năm 2017), công an huyện đã phối hợp với công an các xã, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện vận động, thu hồi: 5 súng quân dụng, 172 súng kíp, 95 súng cồn, 12 súng hơi tự chế, 23 nòng súng, 3 quả bom, 4 lựu đạn, 1 đầu đạn, 100g thuốc nổ, 565g thuốc súng, 6 kg diêm sinh để chế tạo thuốc súng, 12kg bi sắt, bi gang các loại dùng để làm đạn súng kíp, 595 viên đạn các loại và 132 vũ khí thô sơ các loại. Về mặt hình sự, Công an huyện trực tiếp nhận và xử lý: 10 vụ, khởi tố 12 bị can (với các tội danh: hiếp dâm trẻ em; cố ý gây thương tích; hủy hoại rừng; mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy; mua bán, vận chuyển trái phép vật liệu nổ); xử phạt hành chính 4 vụ, thu nộp ngân sách: 10.500.000 ngàn đồng…
 
Đến nay, trên địa bàn huyện hiện còn có 375 hộ/1.873 nhân khẩu là dân di cư tự do đang sinh sống tại các khu vực là đất lâm nghiệp tại các tiểu khu: 181, Tây Sơn, 178, 179, 182, xã Liêng Srônh. Các thôn quy hoạch trên địa bàn huyện (thôn 4, 5 xã Rô Men; thôn Dơng Glê, xã Phi Liêng) đều đã xây dựng trường học và trạm y tế để phục vụ cho học sinh và nhân dân tại khu vực có dân di cư tự do.
 
C.PHONG