Vi phạm giao thông tuổi học đường

08:10, 26/10/2018

Trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng hiện có hàng  trăm xe máy phân khối lớn do người tham gia giao thông (GT) đang độ tuổi học đường nhưng chưa có giấy phép lái xe (GPLX) vẫn diễn ra hàng ngày. 

Trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng hiện có hàng  trăm xe máy phân khối lớn do người tham gia giao thông (GT) đang độ tuổi học đường nhưng chưa có giấy phép lái xe (GPLX) vẫn diễn ra hàng ngày. 
 
TNGT xảy ra tại đường Xô Viết - Nghệ Tĩnh ngày 18/10/2018. Ảnh: Đ.P
TNGT xảy ra tại đường Xô Viết - Nghệ Tĩnh ngày 18/10/2018. Ảnh: Đ.P

Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm 3; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm 3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự… Thế nhưng, thực tế tình trạng người chưa đủ 18 tuổi là học sinh (HS) THPT đang tham gia giao thông bằng xe máy có phân khối trên 50 cm 3 rất nhiều. Nếu khảo sát địa bàn toàn tỉnh, số lượng đối tượng này lên tới hàng trăm HS. Chỉ riêng tại địa bàn Đà Lạt dễ dàng nhận ra những xe máy phân khối trên 50 cm 3 do HS THPT điều khiển khắp nơi. Trong đó, tập trung đông nhất là tại các trường học và các điểm dạy thêm ngoài giờ. Cứ đến nhà của người dân hoặc quán xá xung quanh các trường THPT sẽ chứng kiến rất nhiều các thương hiệu xe máy phân khối lớn do HS THPT chưa có GPLX gửi vào và lấy ra sau mỗi buổi học công khai hàng ngày ai cũng nhìn thấy. Đó là  chưa nói đến việc thất thu từ việc giữ xe chui thu 2.000-3.000 đồng/xe. Vì vậy, hàng năm, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo hai đơn vị liên quan là Sở Giáo dục - Đào tạo và Tỉnh Đoàn tiến hành thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông trong trường học. Qua đó, đối với Sở GD&ĐT, bên cạnh việc triển khai công tác giảng dạy ATGT trong trường học, đáng lưu ý Sở đã chỉ đạo các đơn vị trường học tiếp tục phát huy vai trò của “Đội xung kích đảm bảo trật tự ATGT” trường học; kiểm tra, theo dõi HS vi phạm (không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy, xe đạp điện, chưa đủ tuổi hoặc không có bằng lái xe khi bị công an xử phạt gửi danh sách về trường để xử lý theo quy định của Bộ GD&ĐT). Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Đức Lợi cho rằng: Công tác tuyên truyền ở đơn vị trường học hiệu quả chưa cao, còn rất nhiều hạn chế, việc vi phạm ATGT ở HS vẫn còn xảy ra. Đặc biệt, tình trạng phụ huynh HS - mặc dù đã ký cam kết với nhà trường nhưng vẫn giao xe phân khối lớn cho HS tham gia GT khi chưa đủ tuổi, chưa có GPLX. 
 
Còn Tỉnh Đoàn Lâm Đồng cho biết, gần 10.000 đoàn viên, thanh niên toàn tỉnh đã tham gia hoạt động tuyên truyền về ATGT; gần 2.000 đoàn viên, thành niên, HS, sinh viên địa bàn Đà Lạt tham gia “Ngày hội Thanh niên với văn hóa GT” do Trung ương Đoàn, Ủy ban ATGT Quốc gia và UBND tỉnh Lâm Đồng phát động... Đối với khối trường học (trong đó có THPT), ông Hồ Ngọc Phong Hải - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết, Tỉnh Đoàn phối hợp với Ban ATGT và Đội CSGT tổ chức hội thi nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong việc tham gia GT. Tuy nhiên, thực tế về vi phạm Luật GT đường bộ ở HS THPT đang là vấn đề đáng quan tâm.
 
Tuy không thể hiện số vi phạm giao thông là đối tượng chưa đủ tuổi tham gia lưu thông bằng xe máy phân khối trên 50 cm 3 trong tổng số trường hợp vi phạm, nhưng chắc chắn số HS không hề nhỏ nếu kiểm tra và xử lý đúng quy định của pháp luật. Bởi trong tổng số vụ TNGT xảy ra trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2018, có 10 vụ, chiếm tỷ lệ 6,1% gây TNGT dưới 18 tuổi - lứa tuổi đến trường. Ông Nguyễn Hữu Thắng - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Lâm Đồng  thừa nhận, tình trạng HS không có GPLX sử dụng xe máy phân khối lớn còn nhiều. Theo ông, chỉ có tuyên truyền, giáo dục nâng cao hiểu biết và nhận thức về ATGT ngay từ lứa tuổi các cấp học dưới THPT thì hy vọng sau này mới cải thiện được cơ bản. Còn trước mắt, ông Thắng cũng đồng ý với chúng tôi là rất cần có nhiều giải pháp đồng bộ: tăng kinh phí cho công tác tuyên truyền; tăng cường kiểm tra và xử lí nghiêm của lực lượng CSGT…Cùng đó là vai trò của các tổ chức Mặt trận ở địa phương, các đơn vị, cơ quan trong việc nhắc nhở phụ huynh đối với con, em của mình. 
 
ÐẠO PHAN