Ðột nhập hầm vàng trái phép

10:10, 01/10/2018

Có ít nhất 3 hầm vàng trái phép được người dân phát hiện tại khu vực thôn Yên Thành, xã Ðạ Ðờn (huyện Lâm Hà). Tuy nhiên, dù bị phát hiện từ tháng 6/2018 nhưng tới thời điểm cuối tháng 9, phóng viên (PV) Báo Lâm Ðồng vẫn phát hiện dấu hiệu đất đá được vận chuyển ra ngoài đường hầm và bên trong còn nguyên hệ thống điện chiếu sáng, xe rùa chở đất... Chúng tôi quyết định đột nhập vào hầm vàng này. 

Có ít nhất 3 hầm vàng trái phép được người dân phát hiện tại khu vực thôn Yên Thành, xã Ðạ Ðờn (huyện Lâm Hà). Tuy nhiên, dù bị phát hiện từ tháng 6/2018 nhưng tới thời điểm cuối tháng 9, phóng viên (PV) Báo Lâm Ðồng vẫn phát hiện dấu hiệu đất đá được vận chuyển ra ngoài đường hầm và bên trong còn nguyên hệ thống điện chiếu sáng, xe rùa chở đất... Chúng tôi quyết định đột nhập vào hầm vàng này. 
 
Sáng ngày 25/9, theo con đường mòn dẫn lên rẫy của người dân thôn Yên Thành, xã Đạ Đờn, chúng tôi tiếp cận một hầm vàng trái phép nằm trên một quả đồi cà phê đã cho thu hoạch. Thoạt nhìn bên ngoài, không thể phát hiện các dấu hiệu đào đãi khoáng sản vì hầm vàng được che chắn bởi tán cà phê cao trung bình 2,5 m. Thế nhưng, khi tiến vào giữa vườn, một đường hầm dưới gốc cà phê bắt đầu lộ diện. Ông chủ của đường hầm này còn đào một đường hào dài 35 m, rộng 70 cm và cao gần 1 m để dễ dàng vận chuyển đất đá, nước ra vào trong hầm. Trong khi đó, cửa hầm được che đậy bằng cánh cửa sắt sơ sài và thọc sâu vào quả đồi ít nhất 30 m. Xung quanh còn có lán trại rộng 20 m 2, cùng hai hồ chứa nước để phục vụ việc đào đãi vàng.
 
Từ phản ánh của người dân, ngày 26/9 chúng tôi tiếp tục thâm nhập vào 2 hầm vàng khác, cách hầm vàng đầu tiên khoảng hơn 1 km. Cả 2 hầm vàng này nằm khuất dưới thung lũng và xa khu dân cư nên rất ít người dân để ý tới. Ngay tại miệng hầm, mặc dù lán trại, hồ nhỏ chứa nước bị dỡ bỏ nhưng lượng đất đá lớn có dấu hiệu mới được đào ra khoảng 1 tuần trước đó. 
 
Ðiều đặc biệt là, hệ thống đường dây điện được kéo từ cửa hầm vào sâu trong núi hơn 40 m tỏa đi bởi nhiều ngóc ngách khác nhau. Thậm chí, một đường hầm còn được các đối tượng thiết kế đường ray khá chuyên nghiệp để vận chuyển đất đá, khoáng sản nguyên khai từ sâu trong núi ra cửa hầm.
 
Một số người dân thôn Yên Thành cho chúng tôi biết, thời điểm tháng 6 các hầm vàng trên hoạt động liên tục nhưng do bị cơ quan chức năng kiểm tra thường xuyên nên thời gian gần đây các đối tượng lén lút làm vào khung giờ từ 1 tới 5 giờ sáng; còn vào ban ngày thì “án binh bất động”, cất giấu máy móc để ngụy trang. Ngoài các hầm vàng nêu trên, chúng tôi còn ghi nhận nhiều hố nhỏ rộng 25 cm và sâu hơn 1 m giữa vườn cà phê của nhiều hộ dân, dấu hiệu các đối tượng thăm dò để đào hầm vàng những ngày vừa qua.
 
Theo báo cáo về tình hình khai thác vàng trái phép tại thôn Yên Thành của Phòng Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) huyện Lâm Hà: hầm vàng trái phép trong vườn cà phê người dân phản ánh nằm trên đất của ông Võ Văn Tuấn (ngụ thôn An Phước, xã Đạ Đờn). Hai hầm khai thác vàng còn lại của ông Nguyễn Văn Long và ông Trần Khắc Hữu, khai thác trên điểm cũ, đều nằm trên đất chưa được cấp sổ đỏ. Các hầm vàng trên được phát hiện từ tháng 6 tới tháng 8/2018. Lực lượng Công an huyện Lâm Hà còn phát hiện khu vực hầm vàng của ông Long, Hữu có 8 công nhân lao động, trong đó nhiều người chưa đăng ký tạm trú tại địa phương và có dấu hiệu sử dụng ma túy.
 
Trao đổi với PV Báo Lâm Đồng, ông Nguyễn Minh An, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà xác nhận từ năm 2005 khu vực thôn Yên Thành là điểm nóng khai thác vàng trái phép trên địa bàn. Thời gian đó, lực lượng chức năng đã phải vất vả đẩy đuổi các đối tượng, lập lại trật tự tại khu vực trên. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018, người dân phản ánh một số cá nhân đã lén lút đào hầm khai thác nhỏ lẻ gây ảnh hưởng tới đời sống sản xuất của một số hộ dân. Qua kiểm tra, Công an huyện, Phòng TN&MT, UBND xã Đạ Đờn đã yêu cầu 3 hộ trên cam kết lấp miệng hầm, di dời máy móc, phương tiện ra khỏi khu vực.
 
“Ngoài cử các lực lượng thường xuyên tuần tra, kể cả từ 1-2 giờ sáng để xử lý, về giải pháp chúng tôi đang lên phương án đánh sập các hầm vàng trên để ngăn chặn tức thời và không để hoạt động khai thác vàng trái phép có cơ hội tái phát trở lại” - ông An nhấn mạnh.

Tại một cửa hầm vàng (ngày 26/9), một lượng lớn đất đá có dấu hiệu mới được vận chuyển ra ngoài trước đó khoảng 1 tuần. Ảnh: C.T
Tại một cửa hầm vàng (ngày 26/9), một lượng lớn đất đá có dấu hiệu mới được vận chuyển ra ngoài trước đó khoảng 1 tuần. Ảnh: C.T

Một hầm vàng sâu hơn 40 m, vẫn còn nguyên đường dây điện được đưa vào trong hầm nối với giàn bóng điện phục vụ khai thác vàng. Ảnh: C.T
Một hầm vàng sâu hơn 40 m, vẫn còn nguyên đường dây điện được đưa vào trong hầm nối với giàn bóng điện phục vụ khai thác vàng. Ảnh: C.T

Xe đẩy, giàn bóng điện vẫn được mắc kéo sâu vào hầm khai thác. Ảnh: C.T
Xe đẩy, giàn bóng điện vẫn được mắc kéo sâu vào hầm khai thác. Ảnh: C.T

Các đối tượng còn thiết kế cả đường ray bằng gỗ để đưa đất, đá khai thác trong hầm thọc sâu vào lòng núi ra ngoài. Ảnh: C.T
Các đối tượng còn thiết kế cả đường ray bằng gỗ để đưa đất, đá khai thác
trong hầm thọc sâu vào lòng núi ra ngoài. Ảnh: C.T

Hồ chứa nước, đường hào dẫn tới hầm vàng trong vườn cà phê của một hộ dân. Ảnh: C.T
Hồ chứa nước, đường hào dẫn tới hầm vàng trong vườn cà phê của một hộ dân. Ảnh: C.T

C.THÀNH