Luật An ninh mạng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân

08:11, 12/11/2018

Luật An ninh mạng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, gồm 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Luật An ninh mạng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, gồm 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Ðể độc giả hiểu rõ hơn về Luật An ninh mạng và ý nghĩa của đạo luật này, PV Báo Lâm Ðồng đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Viết Vân - Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Lâm Ðồng về vấn đề này.
 
PV: Thưa ông, Luật An ninh mạng được định nghĩa một cách dễ hiểu là như thế nào?
 
Ông Nguyễn Viết Vân
Ông Nguyễn Viết Vân
Lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Nghị định Luật An ninh mạng
Bộ Công an đã hoàn tất dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng (dự thảo Nghị định) để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong thời gian 1 tháng, từ ngày 2/11/2018 đến ngày 2/12/2018. Các ý kiến đóng góp gửi về Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, địa chỉ 40A Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, email: luatanm@gmail.com.
Ông Nguyễn Viết Vân: An ninh mạng được định nghĩa là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong đó, không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. 
 
Khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an ninh mạng. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong bảo vệ an ninh mạng. Ban Cơ yếu Chính phủ; Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng; tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng đều có trách nhiệm thi hành Luật này.
 
PV: Vậy Luật An ninh mạng ra đời sẽ có ý nghĩa như thế nào thưa ông?
 
Ông Nguyễn Viết Vân: Luật An ninh mạng được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0, với thực trạng thực tế và tình hình diễn ra trên không gian mạng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
 
Việc xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng với các quy định cụ thể góp phần phòng ngừa, ứng phó các nguy cơ đe dọa an ninh mạng. Đồng thời cũng khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan bảo vệ an ninh mạng mà lâu nay vẫn còn tồn tại và phát sinh cùng với sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin. Thực tế, công tác quản lý nhà nước về an ninh thông tin, an ninh mạng tại các bộ, ban, ngành, địa phương còn tồn tại những bất cập, hạn chế, thiếu đồng bộ do chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh vấn đề này cho đến khi Luật An ninh mạng được ban hành. Nhất là thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh mạng, bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 và quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc. Luật An ninh mạng được ban hành cũng bảo đảm công tác an ninh mạng của nước ta có sự phù hợp nhất định với thông lệ quốc tế và bảo đảm các điều kiện hội nhập quốc tế về an ninh mạng. 
 
Vấn đề bảo toàn an ninh mạng và an ninh truyền thông là rất cần thiết như trong tổng thể các vấn đề an ninh lương thực, an ninh trật tự xã hội... Trong bối cảnh số hóa ngày càng nhiều thì một đạo luật an ninh mạng tốt sẽ hỗ trợ cho Việt Nam thu được nhiều lợi ích từ nền kinh tế số.
 
PV: Thưa ông, một số ý kiến cho rằng Luật An ninh mạng sẽ hạn chế các ý kiến, phát ngôn… trên mạng xã hội. Vậy nên nhìn nhận vấn đề ra sao? 
 
Ông Nguyễn Viết Vân: Luật sẽ có hiệu lực từ 1/1/2019, hiện cơ quan soạn thảo đang hoàn chỉnh để trình Chủ tịch nước công bố. Để hiểu rõ về Luật An ninh  mạng, mọi người cần hiểu rõ từng điều khoản của luật. Luật đã quy định rõ các hành vi bị cấm, còn những gì không cấm thì mọi người có quyền làm, nghĩa là người dân vẫn sử dụng mạng xã hội để giao lưu, trao đổi. Các hành vi chống lại Nhà nước Công hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì sẽ bị xử lý dù là trên không gian mạng hay trong xã hội. Luật An ninh mạng quy định các biện pháp bảo vệ về an ninh mạng cho người dân khi tham gia hoạt động trên các trang mạng xã hội như Facebook, Google... Tuy nhiên, người nào sử dụng những mạng xã hội trên hoặc bất kỳ biện pháp nào khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
 
Luật An ninh mạng không ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận.
 
PV: Ông có thể phân tích một vài điều luật có ảnh hưởng đến các hoạt động trên không gian mạng của một người dân bình thường? 
 
Ông Nguyễn Viết Vân: Để giải đáp các thắc mắc của người dân, Cổng thông tin của Bộ Công an vẫn thường xuyên cập nhật các câu hỏi, giải đáp thắc mắc của người dân về Luật An ninh mạng. Theo quy định của Luật An ninh mạng, cá nhân được bảo vệ khi tham gia hoạt động trên không gian mạng trước các thông tin xấu, độc, xâm phạm tới danh dự, uy tín, nhân phẩm, các hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng hoặc các hành vi khác gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
 
Điều 16, Luật An ninh mạng quy định về phòng ngừa, xử lý thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phát hiện, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật, cũng như yêu cầu lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng tiến hành các biện pháp bảo vệ an ninh mạng để loại bỏ các thông tin vi phạm pháp luật. Điều này có nghĩa là người dân đã có công cụ rõ ràng hơn để bảo vệ mình khi bị các thông tin xấu xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp.
 
Bên cạnh đó, Điều 17 Luật An ninh mạng sẽ giúp bảo vệ người dân trước các hoạt động gián điệp mạng, bảo vệ bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng.
 
Hay, Điều 26 Luật An ninh mạng sẽ tăng cường thêm công cụ để bảo vệ người dân khỏi các thông tin xấu độc bằng cách yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm loại bỏ những nguồn phát tán thông tin xấu thông qua việc không hoặc ngừng cung cấp dịch vụ cho những đối tượng này. Đồng thời, giúp bảo vệ thông tin cá nhân, bí mật cá nhân của người dân, tránh bị thu thập và lạm dụng.
 
PV: Xin cảm ơn ông!
 
DIỄM THƯƠNG (thực hiện)