Triển khai Luật Tiếp cận thông tin

08:11, 16/11/2018

Ông Nguyễn Văn Yên - UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Nhằm phổ biến sâu rộng Luật Tiếp cận thông tin đến cán bộ, công chức, viên chức và công dân trên địa bàn tỉnh, đồng thời xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan; 

Ông Nguyễn Văn Yên - UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Nhằm phổ biến sâu rộng Luật Tiếp cận thông tin đến cán bộ, công chức, viên chức và công dân trên địa bàn tỉnh, đồng thời xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan; UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố khẩn trương ban hành và công bố công khai quy chế nội bộ về tổ chức cung cấp thông tin thuộc phạm vi trách nhiệm của cơ quan, đơn vị bảo đảm đầy đủ các nội dung của quy chế theo đúng quy định tại điểm h Khoản 1 Điều 34 của Luật Tiếp cận thông tin.
 
Theo đó, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch ban hành ngày 23/8/2016 của UBND tỉnh về việc triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, khẩn trương ban hành và công bố công khai Quy chế nội bộ về tổ chức cung cấp thông tin thuộc phạm vi trách nhiệm của mình, đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định. Trường hợp cơ quan không ban hành quy chế riêng thì có thể bổ sung, tích hợp vào Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí nhưng phải đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định tại điểm h, khoản 1, Điều 34 của Luật Tiếp cận thông tin.
 
Luật Tiếp cận thông tin được thông qua ngày 6/4/2016 tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2018. Luật có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cụ thể hóa quyền con người trong Hiến pháp năm 2013. Theo quy định  của luật, mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Công dân được tự do tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước; hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin. Việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Công dân không được tiếp cận thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác theo quy định của luật. Công dân được tiếp cận thông tin bằng các cách thức: Tự do tiếp cận thông tin được cơ quan nhà nước công khai;  yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin và  cơ quan nhà nước được yêu cầu cung cấp thông tin phải cung cấp thông tin trong thời gian chậm nhất từ 5-15 ngày.
 
D.THƯƠNG