Quyết tâm triệt phá "tín dụng đen"

08:01, 02/01/2019

Công an tỉnh Lâm Ðồng đang nỗ lực, quyết tâm tấn công mạnh mẽ hoạt động cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê, nhất là trong những ngày cuối năm, đảm bảo tình hình ANTT tại địa phương, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Công an tỉnh Lâm Ðồng đang nỗ lực, quyết tâm tấn công mạnh mẽ hoạt động cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê, nhất là trong những ngày cuối năm, đảm bảo tình hình ANTT tại địa phương, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
 
Hình thức cho vay nhanh, “alo là có tiền” xuất hiện nhiều nơi trên địa bàn TP Đà Lạt. Ảnh: C.Phong
Hình thức cho vay nhanh, “alo là có tiền” xuất hiện nhiều nơi trên địa bàn TP Đà Lạt.
Ảnh: C.Phong
Triệt phá nhiều đối tượng hoạt động “tín dụng đen”
 
Theo Công an tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, tình hình hoạt động “tín dụng đen” tiếp tục có chiều hướng diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu vay vốn cho sản xuất và đời sống của dân cư rất đa dạng, trong khi thủ tục cho vay của các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng còn rườm rà, phức tạp, mất nhiều thời gian giải quyết,... trong khi quy định của pháp luật về xử lý các hành vi cho vay nặng lãi còn nhiều bất cập. Cụ thể như điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự tội “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” phải chứng minh được mức lãi suất cho vay phải gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ Luật Dân sự, số tiền thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên... nhưng thực tế lại rất khó chứng minh. 
 
Ngoài ra, việc xác định “tình tiết bỏ trốn”, “sử dụng bất hợp pháp”, “chiếm đoạt tài sản”... trong chứng minh tội phạm lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là chế tài xử phạt đối với các hành vi liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” còn nhẹ, chưa mang tính răn đe, giáo dục cao.
 
Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao, Công an tỉnh đã mở các đợt cao điểm trấn áp, loại trừ loại tội phạm trên tại 12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2018, lực lượng công an đã phát hiện 60 vụ việc liên quan đến các hoạt động tín dụng đen, khởi tố 5 vụ, 11 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Ngoài ra, đã khởi tố 7 vụ, 19 bị can, xử lý vi phạm hành chính 13 vụ, 21 đối tượng, lập hồ sơ răn đe giáo dục 18 đối tượng trong 18 vụ việc; hiện đang củng cố hồ sơ xử lý, giải quyết 17 vụ việc… Phát hiện, xử lý 23 cơ sở cầm đồ và 3 công ty có các hành vi vi phạm hành chính, xử phạt trên 110 triệu đồng.
 
Các đối tượng cho vay nặng lãi thường biết đánh trúng tâm lý của người vay như cần vay nhanh, gọn, thủ tục đơn giản, thậm chí không cần biết mục đích vay làm gì, không cần thế chấp hay chứng minh thu nhập,.. Từ đó, các đối tượng hoạt động tín dụng đen đã khiến nhiều người, chủ yếu là người nghèo sập bẫy, trở thành con mồi để họ “chặt chém”.
 
Để có giải pháp đấu tranh quyết liệt, các đơn vị chức năng đã rà soát lên danh sách, quản lý 121 cơ sở dịch vụ cầm đồ, 37 công ty, doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động tín dụng đen để… theo dõi, xử lý. “Ngoài triệt phá các băng nhóm, đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, Công an tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về các thủ đoạn, phương thức tội phạm liên quan đến tín dụng đen. Cùng với đó là công tác quản lí Nhà nước về an ninh trật tự và biện pháp quản lí đối với cơ sở kinh doanh cầm đồ, doanh nghiệp ngành nghề kinh doanh có điều kiện liên quan đến đòi nợ, xiết nợ,... để lên phương án triệt phá” - lãnh đạo Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết.
 
Thủ đoạn tinh vi, dễ vay khó thoát nợ
 
Công an tỉnh cho biết, thủ đoạn của các đối tượng cho vay nặng lãi diễn ra hết sức tinh vi. Người vay thì dễ nhưng nợ thì “lãi mẹ đẻ lãi con” rất khó thoát khỏi các chiêu trò của các đối tượng tín dụng đen. 
 
Như ngày 19/10, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Lạt tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Hải Nam (28 tuổi, thường trú tại Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội) và Lưu Văn Thiện (29 tuổi, thường trú tại Đông Trà, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Công an Đà Lạt cho biết, tháng 12/2017, Lê Hải Nam vào Đà Lạt thành lập Công ty TNHH dịch vụ 779, đứng tên giám đốc, kinh doanh trong lĩnh vực tư vấn tài chính, bất động sản, cho thuê xe tự lái và được Sở KH&ĐT tỉnh Lâm Đồng cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, thực chất đây chỉ là vỏ bọc để các đối tượng hoạt động trá hình bằng cho vay nặng lãi. Lê Hải Nam, Lưu Văn Thiện và Phạm Hữu Tiền đã tự in hàng nghìn tờ rơi với nội dung cho vay nhanh không cần thế chấp rồi đem dán khắp các trụ điện, nơi công cộng trên địa bàn TP Đà Lạt. 
 
Điều kiện để được vay tiền của những đối tượng này là người vay chỉ cần có bản photocopy CMND và sổ hộ khẩu. Hình thức cho vay trá hình bằng cách người vay ký vào mẫu giấy mua xe hộ. Người vay phải trả lãi suất từ 60% đến hơn 438%/năm. Qua điều tra, Công an TP Đà Lạt xác định chỉ trong vòng hơn nửa năm, nhóm đối tượng này đã thực hiện cho vay nặng lãi hàng tỷ đồng, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng. 
 
Và đây chỉ là một trong số nhiều công ty hoạt động “núp bóng” để hành nghề cho vay nặng lãi được cơ quan công an triệt phá thời gian gần đây. Theo xác minh của Công an tỉnh, toàn tỉnh hiện có 27 nhóm với 248 đối tượng có biểu hiện hoạt động liên quan đến tín dụng đen. 
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các đối tượng cho vay nặng lãi rất tích cực quảng bá dịch vụ này bằng các bảng rao vặt, với lời lẽ hấp dẫn “alo là có tiền”, để bẫy nạn nhân không những ở TP Đà Lạt, Bảo Lộc, trung tâm các huyện trên địa bàn tỉnh mà “vươn vòi” tới tận các xã vùng sâu, vùng xa. Các đối tượng thường nhắm vào những người dân lao động, kinh doanh nhỏ lẻ với mức cho vay từ 3-5 triệu đồng. Người vay chỉ cần đưa CMND, sổ hộ khẩu và dẫn họ về nhà để viết giấy vay nợ. Các đối tượng này sẽ cho người đến tận nhà thu tiền mỗi ngày. Tuy nhiên, khi đã “sập bẫy”, nạn nhân sẽ bị các đối tượng cho vay hành cho “lên bờ xuống ruộng”, muốn trả tiền gốc thoát nạn cũng khó thực hiện được.
 
Nhận định về thực trạng này, tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa IX mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Đoàn Văn Việt cho rằng, tình hình tín dụng đen tại địa phương còn diễn biến phức tạp. Tín dụng đen đã không chỉ hình thành ở các đô thị lớn, phát triển nhiều các loại hình kinh doanh mà đã len lỏi tới mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Đặc biệt là tệ nạn trên đã xuất hiện ở các thôn, xóm vùng sâu, vùng xa, nơi mà người dân cả tin, chưa am hiểu pháp luật dễ dàng bị “sập bẫy” lừa đảo.
 
Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu không những lực lượng Công an tỉnh ra quân triệt phá loại tội phạm, xử lý nghiêm các đối tượng trên mà phải có sự chung tay vào cuộc tuyên truyền của nhiều đơn vị chức năng, đoàn thể chính trị. “Đây là vấn đề bức xúc của xã hội, chúng ta tiếp tục cần có biện pháp quyết liệt, với quyết tâm không thể để hoạt động cho vay nặng lãi có cơ hội phát triển tại địa phương trong thời gian tới” - Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.
 
C.PHONG