(LĐ online) - Sau khi Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12607: 2019 về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm công bố, giữa tháng 3/2019, xuất hiện trên mạng xã hội (MXH) Facebook 2 tài khoản có tên: "Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam" và "Ban Tuyên Giáo Đảng Cộng sản Việt Nam"...
(LĐ online) - Sau khi Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12607 : 2019 về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm công bố, giữa tháng 3/2019, xuất hiện trên mạng xã hội (MXH) Facebook 2 tài khoản có tên: “Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam” và “Ban Tuyên giáo Đảng Cộng sản Việt Nam”. Trên Facebook “Ban Tuyên Giáo Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam” đăng bài “Cảnh giác với chiêu bài bảo vệ nước mắm truyền thống” đã tạo dư luận xấu trong xã hội và đã có hàng ngàn lượt like, bình luận (comment) ác ý, xuyên tạc, kích động, chống phá.
Thực trạng mạo danh trên MXH
Trước việc bị mạo danh và đưa thông tin bịa đặt rất nguy hại nói trên, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương đã khẳng định, Ban Tuyên giáo Trung ương không có bất kỳ trang Facebook nào để chia sẻ thông tin; tài khoản trên là hoàn toàn giả mạo, vừa xúc phạm uy tín của cơ quan vừa gây “nhiễu loạn” thông tin, gây rối tình hình an ninh trật tự và phá hoại nền kinh tế của nước ta (ngành sản xuất nước nắm truyền thống). Ban Tuyên giáo Trung ương đã yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ sự việc, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với đơn vị, cá nhân đã mạo danh Ban Tuyên giáo Trung ương.
Theo cơ quan chức năng, tình trạng mạo danh, giả danh các cơ quan, đơn vị, cá nhân trên MXH Facebook, fanpage, Youtube và đưa thông tin (bài viết, hình ảnh…) sai sự thật, với mục đích bôi xấu, hạ uy tín, xúc phạm, gây hiểu nhầm đối với tổ chức, cá nhân thời gian gần đây trở nên phổ biến. Kẻ xấu thường lấy tên những cơ quan có uy tín, những người nổi tiếng (cán bộ lãnh đạo, nghệ sĩ, doanh nhân) lập ra các trang MXH để phát tán thông tin bịa đặt, sai trái tạo sự hoài nghi, dư luận xấu. Đã có nhiều người (trong đó có người chưa bao giờ dùng facebook) phải “đau đầu”, phiền não vì bị mạo danh, bị “tung” thông tin về đời tư lên MXH và bị những kẻ có sẵn định kiến bêu riếu, nhục mạ…
Ngoài mục đích “trả thù cá nhân”, tạo scandal, tạo cú “sốc” và để câu like, nguy hại nhất là đưa thông tin xuyên tạc phá hoại nền tảng đạo đức xã hội, cổ súy kiểu sống lai căng; phá hoại nền kinh tế; xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, nói xấu chế độ, bôi nhọ cán bộ….
Theo một báo cáo của BKAV (Tập đoàn công nghệ hoạt động trong các lĩnh vực an ninh mạng, phần mềm, chính phủ điện tử, nhà sản xuất smartphone… một trong 10 thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam), trung bình mỗi tháng xuất hiện hơn 1.000 trang thông tin giả mạo nhằm đánh cắp mật khẩu để lừa lấy tiền và phát tán tin nhắn rác tại Việt Nam. Những cơ quan, đơn vị, cá nhân bị mạo danh và bị đưa thông tin sai sự thật rất bức xúc! Theo quy định của pháp luật, đây là những hành vi vi phạm pháp luật cần phải được xử lý thật nghiêm khắc.
Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quản trị và An ninh mạng Athena (trụ sở tại TP HCM) cho biết, mỗi tháng Trung tâm tiếp nhận hơn 10 vụ việc nhờ hỗ trợ xử lý do bị mạo danh trên facebook. Đa số họ mạo danh những tổ chức uy tín đưa thông tin sai lệch nhằm mục đích trục lợi. Có vụ đối tượng tạo rất nhiều trang giả mạo, gây khủng hoảng truyền thông, làm thiệt hại lớn về kinh tế. Nghiêm trọng hơn, một số đối tượng lập những tài khoản mang tên, hình ảnh các vị lãnh đạo, quan chức... Nhiều người lầm tưởng những bài viết trên mạng là phát ngôn, chính kiến của các vị lãnh đạo, quan chức, dẫn đến có những bình luận, bàn tán sai lệch.
Cảnh giác, đấu tranh với nạn mạo danh
Theo các luật sư, ở nước ta danh dự, nhân phẩm, uy tín của tổ chức, cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ quy định tại các Điều 34, 38 Bộ luật Dân sự năm 2015. Tại Điểm d Điều 12 Luật Công nghệ thông tin năm 2006 cũng đã nghiêm cấm hành vi “xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân; tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính từ 20 - 30 triệu đồng”. Hành vi mạo danh trên Facebook để xúc phạm người khác cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 Bộ Luật hình sự, có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Theo Điều 226 Bộ Luật hình sự nếu người nào dùng facebook mạo danh người khác, rồi kêu gọi ủng hộ để chiếm đoạt tiền của người khác trái phép sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng.
Tại Khoản 5 (Điều 16); Điểm a và d Khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019) quy định các hành vi bị cấm và bị xử lý đối với hành vi lợi dụng MXH đưa “thông tin có nội dung sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội…”; về tội “Giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân…”.
Để phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tình trạng này, theo một số chuyên gia, đối với người dùng MXH cần cẩn trọng trong việc đưa thông tin cá nhân, hình ảnh cá nhân lên trang facebook để tránh kẻ xấu lợi dụng đánh cắp lập ra trang mạng giả mạo, đưa thông tin bất lợi; không kích vào link những trang lạ, không “kết bạn” với những tài khoản không quen biết... Đối với tài khoản của các tổ chức, đơn vị cần phải có đội ngũ quản trị mạng giỏi; quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc đưa thông tin; kịp thời có biện pháp ngăn chặn thông tin xấu, mã độc…Mọi tổ chức, cá nhân cần nâng cao cảnh giác trước những thông tin chia sẻ từ các trang Facebook giả mạo. Đối với những Facebook lừa đảo, hoặc giả danh, người quản trị cần sử dụng tính năng báo cáo (report) cho Facebook biết để có biện pháp xử lý; đồng thời thông báo cho nhiều người biết để phân biệt tài khoản giả mạo; không chia sẻ thông tin tạo sự hoài nghi trong dư luận…
Những trang MXH mạo danh tất yếu phải bị gỡ bỏ. (Các trang mạng giả mạo Ban Tuyên giáo Trung ương đã được Facebook gỡ bỏ). Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong năm 2018, Facebook đã gỡ bỏ hơn 670 tài khoản facebook giả mạo đã đưa những thông tin tuyên truyền xuyên tạc, phản động, chống phá Đảng, Nhà nước... Đại diện Bộ TT-TT cũng đã làm việc với Facebook và Google về việc xây dựng kênh riêng để giải quyết vấn đề ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ các tài khoản giả mạo, những thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên MXH một cách hiệu quả trong thời gian tới…
Trước thực trạng mạo danh, đưa thông tin sai sự thật với mục đích xấu, gây nhiễu loạn thông tin trên MXH như hiện nay, mọi tổ chức, cá nhân sử dụng MXH phải hết sức thận trọng để không bị kẻ xấu mạo danh; nhất là bình tĩnh trước những thông tin phát tán trên các trạng MXH mạo danh; không nôn nóng bình luận, chia sẻ làm thông tin bị phát tán lan rộng bất lợi…
CHÍNH TÂM