Thứ 3, 22/04/2025, 17:14

Không để "cát tặc" vùng giáp ranh lộng hành

07:05, 21/05/2019

Trước tình hình các đối tượng khai thác cát, sỏi lậu hoạt động tinh vi, diễn biến khó lường, lãnh đạo 3 tỉnh: Lâm Ðồng, Ðồng Nai và Bình Phước đã cùng ngồi lại để tìm giải pháp, nhằm giải quyết dứt điểm nạn "cát tặc" khu vực giáp ranh giữa các tỉnh.

Trước tình hình các đối tượng khai thác cát, sỏi lậu hoạt động tinh vi, diễn biến khó lường, lãnh đạo 3 tỉnh: Lâm Ðồng, Ðồng Nai và Bình Phước đã cùng ngồi lại để tìm giải pháp, nhằm giải quyết dứt điểm nạn “cát tặc” khu vực giáp ranh giữa các tỉnh.
 
Đây sẽ là lần đầu tiên UBND các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước cùng ký chung một văn bản về quy chế phối hợp quản lý khai thác cát, sỏi trên sông Đồng Nai. Còn trước nay, các tỉnh giáp ranh mới ký văn bản phối hợp riêng lẻ với nhau, chưa có quy chế chung giữa 3 tỉnh để cùng nhau dẹp nạn “cát tặc”.
 
Tàu hút cát hoạt động rầm rộ trên sông Đồng Nai, đoạn chảy qua vùng giáp ranh các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước trước khi có lệnh tạm ngưng vào tháng 1/2019. Ảnh: C.Phong
Tàu hút cát hoạt động rầm rộ trên sông Đồng Nai, đoạn chảy qua vùng giáp ranh các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước trước khi có lệnh tạm ngưng vào tháng 1/2019. Ảnh: C.Phong
 
Thực trạng khai thác 
 
Theo thống kê về giấy phép hoạt động khai thác cát tại địa bàn huyện Cát Tiên trên sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh với tỉnh Đồng Nai và Bình Phước: Từ tháng 6/2017, UBND tỉnh cấp 9 giấy phép khai thác nhưng tới nay tỉnh đã thu hồi 8 giấy phép. Hiện nay chỉ còn 1 giấy phép hoạt động của Doanh nghiệp Xuân Hà với chiều dài khai thác lòng sông 5,5 km và hết hạn khai thác tháng 3/2021. 
 
Tại huyện Đạ Tẻh, thời điểm tháng 6/2017, UBND tỉnh đã cấp 7 giấy phép khai thác cát trên sông Đồng Nai khu vực giáp ranh. Từ năm 2017 tới nay, tỉnh thu hồi 5 giấy phép, hiện chỉ có 2 giấy phép còn hiệu lực. Ở sông Đạ Quay, huyện Đạ Tẻh, đoạn giáp huyện Tân Phú (Đồng Nai) hiện HTX Công nghiệp Phú Xuân còn giấy phép hoạt động khai thác cát tới tháng 10/2026.
 
Về phía tỉnh Đồng Nai và Bình Phước, số giấy phép khai thác, thăm dò đúng quy định trên sông Đồng Nai khu vực giáp ranh với Lâm Đồng là 5 doanh nghiệp.
 
Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng cho biết, trong khi chờ UBND 3 tỉnh làm việc thống nhất việc tiếp tục hoặc chấm dứt hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai và sông Đạ Quay do ảnh hưởng tới việc sạt lở bờ sông..., tới thời điểm này, tỉnh Lâm Đồng đã tạm dừng hoạt động khai thác đối với các giấy phép còn hiệu lực tại sông Đồng Nai (kể từ ngày 1/1/2019) và sông sông Đạ Quay (kể từ ngày 24/4/2019). 
 
Đánh giá mặt làm được trong công tác quản lý khai thác cát thời gian qua, lãnh đạo 3 tỉnh nhận định, các địa phương có liên quan đã tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm, triển khai được nhiều biện pháp, thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin, kiểm tra, góp phần hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, do là địa bàn giáp ranh nên việc khai thác cát trái phép vẫn còn xảy ra và ngày càng phức tạp. Các đối tượng còn sử dụng các máy móc cơ giới, phương tiện để khai thác, tập kết trái phép, vận chuyển khoáng sản gây hư hỏng đường giao thông, sạt lở đất, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về khoáng sản ở địa phương. 
 
Đối với các tổ chức, cá nhân khai thác cát được cấp phép vẫn còn vi phạm về thời gian khai thác, khai thác sai vị trí, thời hạn đăng kiểm của phương tiện hết hạn, phương tiện không ghi rõ doanh nghiệp, khai thác gây sạt lở, tập trung nhiều phương tiện tham gia hoạt động khai thác cát. Nổi cộm nhất là khu vực đoạn sông giáp ranh giữa xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên và xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Bước.
 
Ðiểm mới từ quy chế phối hợp
 
Tại hội nghị nêu trên, Thượng tá Lương Đại Thủy, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh Đồng Nai cho rằng, nếu cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác cát trở lại thì đơn vị cấp phép phải xem xét thật kỹ uy tín của những đơn vị này. Đó là việc các đơn vị khai thác không thể vi phạm nhiều lần liên quan đến lĩnh vực khai thác khoáng sản. Ngoài ra, ông Thủy nhấn mạnh, sắp tới phải có giải pháp gắn định vị để theo dõi hoạt động của tàu khai thác cát. Đặc biệt là việc nghiêm cấm khai thác cát vào ban đêm.
 
Trong khi đó, lãnh đạo UBND huyện Bù Đăng - tỉnh Bình Phước, góp ý phải làm nghiêm việc mỗi tàu không được hút quá 100 m3/ngày. Thời hạn của giấy phép chỉ được cấp 1 năm và không cấp giấy phép dài hạn. Sau mỗi năm, nếu doanh nghiệp khai thác cát nào không mắc những sai phạm đã cam kết thì được phép gia hạn giấy phép, nếu không đảm bảo thì thu hồi.
 
Như vậy, các đơn vị 3 tỉnh đều thống nhất sắp tới sẽ tiếp tục cho phép các doanh nghiệp hoạt động khai thác trở lại. Tuy nhiên, theo đề xuất của Sở TN&MT Đồng Nai, cần tính toán khống chế mỗi doanh nghiệp chỉ được sử dụng 2 phương tiện khai thác; đồng thời công suất và phương tiện khai thác phải tương đương, không thể công suất nhỏ nhưng phương tiện lớn, khai thác vượt công suất đăng ký nhiều lần.
 
Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đề nghị trong văn bản cần phải quy định rõ trách nhiệm cá nhân của cán bộ đối với “cát tặc” cũng như trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã trước Chủ tịch UBND huyện. Chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm, kỷ luật với Chủ tịch UBND tỉnh khi nếu để xảy ra điểm nóng khai thác cát, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận... 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - Nguyễn Văn Yên nhận định, tới thời điểm này, các bộ, ngành chưa có chỉ đạo cụ thể theo Kết luận 142/TB-VPCP nhưng cái gì làm được trước mắt, không trái pháp luật các tỉnh hoàn toàn có thể mạnh dạn áp dụng thực hiện để đem lại hiệu quả trong công tác quản lý chung. 
 
“Tôi đề nghị đưa nội dung chỗ nào từng hoặc có nguy cơ sạt lở thì không được cấp phép. Nếu khai thác đúng giấy phép mà để sạt lở phải xử lý cơ quan cấp phép vào dự thảo quy tắc phối hợp chung. Phải tính toán gắn camera quan sát ở các bãi tập kết, gắn camera hành trình cho tàu hút cát. Những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng chắc chắn sẽ không ngại chuyện này. Chúng ta phải có quy chế phối hợp giữa cả ngành tài nguyên và công an. Ví dụ khi tàu khai thác cát trái phép của tỉnh Đồng Nai chạy sang địa bàn tỉnh Lâm Đồng và ngược lại, luật chưa cho phép cũng không cấm thì chúng ta phải linh động để lực lượng chức năng truy bắt giữa 2 tỉnh. Khi nào bắt được rồi mới phối hợp hai bên xử lý, lập biên bản và ngược lại, không thể để “cát tặc” lợi dụng kẽ hở như trước nay” - ông Yên nói.
 
Đối với huyện Tân Phú, Cát Tiên, Đạ Tẻh, Bù Đăng, lãnh đạo 3 tỉnh cũng thống nhất phải đẩy mạnh công tác phối hợp, tổ chức kiểm tra tất cả các phương tiện đường thủy có trang thiết bị bơm hút cát không phép neo đậu dọc tuyến sông xử lý theo quy định. Kiên quyết trục xuất các phương tiện này ra khỏi khu vực.
 
Với nhiều điểm mới, thuận lợi trong công tác quản lý, xử phạt... hy vọng bản quy tắc chung khi được thông qua vào khoảng tháng 5/2019 sẽ rộng cửa để các tỉnh chung tay xử lý nạn “cát tặc”, không còn cảnh sạt lở, môi trường và sinh kế của nông dân ven sông Đồng Nai bị ảnh hưởng.
 
C.THÀNH