Thứ 6, 18/04/2025, 18:55

Những vụ phá rừng nghiêm trọng nổi cộm

07:08, 07/08/2019

Mặc dù số vụ vi phạm những tháng đầu năm 2019 có giảm, tuy nhiên mức độ thiệt hại về rừng lại tăng mạnh...

Mặc dù số vụ vi phạm những tháng đầu năm 2019 có giảm, tuy nhiên mức độ thiệt hại về rừng lại tăng mạnh. So sánh với cùng kỳ năm 2018, diện tích thiệt hại do phá rừng tăng 28%, lâm sản thiệt hại tăng 65%. Ngoài ra, xuất hiện nhiều vụ nổi cộm, vi phạm nghiêm trọng do phá rừng, ken cây đổ hóa chất gây bức xúc trong dư luận trong thời gian qua mà điển hình là vụ phá gần 10 ha rừng xảy ra tại Tiểu khu 292, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà đang được cơ quan chức năng tích cực xử lý.
 
Lực lượng chức năng tổ chức khám nghiệm hiện trường các vụ phá rừng nổi cộm.
Lực lượng chức năng tổ chức khám nghiệm hiện trường các vụ phá rừng nổi cộm.
 
Chưa dừng lại ở vụ phá rừng Tân Thanh, trong tháng 7 cũng đã xảy ra phá rừng bằng hình thức khoan cây đổ hóa chất tại Khoảnh 4, Tiểu khu 269, xã Đông Thanh thuộc lâm phần do Ban Quản lý rừng Nguyên liệu giấy Lâm Hà quản lý với diện tích thiệt hại 8.067 m2. Trữ lượng lâm sản thiệt hại là 130,920 m3, chủng loại thông ba lá, nhóm IV, đối tượng rừng sản xuất. Điều đáng nói tại thời điểm kiểm tra chưa phát hiện được đối tượng vi phạm. Hiện nay, Hạt Kiểm lâm Lâm Hà và các đơn vị liên quan đang tổ chức điều tra, xác minh, truy tìm đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định.
 
Những tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh xảy ra 23 vụ nổi cộm vi phạm về Luật Lâm nghiệp. Cụ thể, thành phố Đà Lạt 1 vụ, huyện Lạc Dương 1 vụ, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà 1 vụ, Đức Trọng 6 vụ, Lâm Hà 2 vụ, Đam Rông 7 vụ, Di Linh 2 vụ, thành phố Bảo Lộc 1 vụ, Bảo Lâm 2 vụ. Tất cả các vụ việc đang  được cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, tại Khoảnh 2, Tiểu khu 251, xã Đạ K’Nàng, Đam Rông, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 8.000 m2 rừng lá rộng thường xanh thuộc lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng quản lý bị phá và đối tượng vi phạm là Nguyễn Văn Hoan (sinh năm 1995) và Phạm Thừa Duy (sinh năm 1993) cùng ở xã Phúc Thọ, Lâm Hà. Đáng lưu ý, đây là khu vực trọng điểm về phá rừng đã được tỉnh chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn tình trạng này, thế nhưng việc phá rừng trái phép vẫn cứ tiếp diễn. Qua đó, Hạt Kiểm lâm Đam Rông đã phối hợp với Công an huyện, Viện Kiểm sát nhân dân huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức khám nghiệm hiện trường vi phạm, tiếp tục xác minh làm rõ. Hiện tại Hạt Kiểm lâm Đam Rông đang phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục tiến hành điều tra làm rõ các tình tiết có liên quan để củng cố hồ sơ xử lý vụ vi phạm theo quy định.

Ông Lê Đình Việt, Chi Cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, các đối tượng vi phạm hoạt động ngày càng tinh vi, chủ yếu vi phạm vào ban đêm và các ngày nghỉ. Hình thức vi phạm ngày càng khó phát hiện và hậu quả xảy ra từ từ như các vụ khoan, ken cây đổ hóa chất. Ngoài ra, các đối tượng vi phạm còn hoạt động theo băng nhóm, tổ chức theo dõi và canh gác, khi phát hiện lực lượng chức năng sẽ thông báo cho nhau để lẩn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Vì vậy, rất khó khăn cho công tác bắt giữ và truy tìm đối tượng vi phạm. Ngoài ra. nhiều tuyến đường mới mở xuyên qua rừng, có nhiều điểm dân cư, vùng sản xuất nông nghiệp và du lịch xen kẽ trong rừng cũng đã tạo sức ép lên tài nguyên rừng ngày càng lớn.
 
Tỷ lệ số vụ vi phạm chưa phát hiện được đối tượng vẫn còn cao. Điển hình như huyện Lâm Hà: 81%, Đạ Huoai 70%, Đạ Tẻh 57%… 
 
Mặc dù chỉ tiêu này đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm chỉ đạo và có văn bản hướng dẫn đôn đốc, nhưng sự chuyển biến quá chậm, ít hiệu quả. Qua nhiều vụ xâm hại rừng và đất lâm nghiệp với diện tích rất lớn ở nhiều tiểu khu càng cho thấy tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng vẫn diễn ra hết sức phức tạp, táo bạo, bất chấp pháp luật. Vì vậy, vai trò chủ động kiểm tra, tích cực tuần tra, phối hợp đồng bộ các cơ quan ở cơ sở càng trở nên vô cùng quan trọng. Theo ông Việt, muốn giữ được rừng thì cần phải dựa vào người dân, hiện tại Lâm Đồng có 11.087,31 ha đất, rừng được giao cho 1.824 hộ gia đình và 9 cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư góp phần xã hội hóa công tác quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống và tạo động lực phát triển kinh tế, gắn quyền lợi với trách nhiệm, tạo điều kiện để người dân bảo vệ rừng, yên tâm quản lý, đầu tư phát triển rừng trên diện tích được giao. Cơ chế hưởng lợi từ rừng của cộng đồng đã khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng và phát triển rừng, nâng cao đời sống của người dân sống bằng nghề rừng, góp phần giảm nghèo, nâng cao độ che phủ rừng, hạn chế tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép. Để từ đó góp phần bảo tồn, phát triển hệ sinh thái động thực vật rừng, nâng cao độ che phủ…
 
PHONG VÂN - THIÊN BÌNH