Hướng dẫn xử lý hình sự tội gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN

09:10, 04/10/2019

Tòa án Nhân dân tối cao vừa ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Điều 215 về tội gian lận Bảo hiểm y tế (BHYT) và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ 1/9/2019.

Tòa án Nhân dân tối cao vừa ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Điều 215 về tội gian lận Bảo hiểm y tế (BHYT) và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ 1/9/2019.
 
Chi trả trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội tại xã Ninh Gia, Đức Trọng. (Ảnh minh họa)
Chi trả trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội tại xã Ninh Gia, Đức Trọng. (Ảnh minh họa)
 
Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP làm rõ 15 khái niệm của một số thuật ngữ được sử dụng trong hướng dẫn áp dụng các Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự, gồm: Lập hồ sơ giả; lập hồ sơ bệnh án khống; kê đơn thuốc khống; kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh; chi phí khác quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 215 của Bộ luật Hình sự; giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT; thẻ BHYT được cấp khống; thẻ BHYT giả...
 
Nghị quyết 05 cũng quy định: Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi quy định tại các Điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự chiếm đoạt tiền BHXH, BHYT, BHTN và trong các hành vi đó chưa có lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu tổng số tiền bảo hiểm các lần bị chiếm đoạt bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng số tiền của các lần bị chiếm đoạt, nếu các hành vi được thực hiện liên tục, kế tiếp nhau về thời gian.
 
Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi quy định tại Điều 214, 215 của Bộ luật Hình sự gây thiệt hại cho quỹ BHXH, BHYT, BHTN và trong các hành vi đó chưa có lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu tổng số tiền của các lần bị thiệt hại bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng số tiền của các lần gây thiệt hại, nếu các hành vi được thực hiện liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.
 
Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội vừa chiếm đoạt tiền BHXH, BHYT, BHTN vừa gây thiệt hại mà số tiền bị chiếm đoạt, số tiền bị thiệt hại đều trên mức tối thiểu, để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các Điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự thì xử lý như sau:
 
- Nếu số tiền bảo hiểm bị chiếm đoạt, số tiền bị thiệt hại đều thuộc khung hình phạt cơ bản thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cơ bản.
 
- Nếu số tiền bảo hiểm bị chiếm đoạt, số tiền bị thiệt hại thuộc các khung hình phạt khác nhau thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cao hơn.
 
- Nếu số tiền bảo hiểm bị chiếm đoạt, số tiền bị thiệt hại cùng một khung hình phạt tăng nặng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo cả 2 tình tiết quy định tăng nặng trách nhiệm hình sự.
 
Người thực hiện hành vi làm giả hồ sơ BHXH, BHYT, BHTN, thẻ BHYT để chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN, BHYT hoặc gây thiệt hại, ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng quy định tại các Điều 214 hoặc 215 của Bộ luật Hình sự, người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 của Bộ luật Hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
 
Ngoài ra, Điều 5 của Nghị quyết cũng quy định, không coi việc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động trước 0 giờ 00 phút ngày 1/1/2018 là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự.
 
Nghị quyết cũng đã xác định cơ quan BHXH tham gia tố tụng với tư cách người bị hại trong các vụ án gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT. Theo đó, Điều 6 của Nghị quyết xác định: Trong các vụ án hình sự mà bị can, bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận BHXH, BHTN theo Điều 214 của Bộ luật Hình sự; tội gian lận BHYT theo Điều 215 của Bộ luật Hình sự; tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự cơ quan BHXH tham gia tố tụng với tư cách là bị hại. Với quy định này, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan BHXH gửi văn bản kiến nghị khởi tố kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
 
Bên cạnh đó, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao cũng xác định: Các tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nếu phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự thì thông báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định. Khi nhận được tin báo về tội phạm hoặc văn bản kiến nghị khởi tố và chứng cứ, tài liệu có liên quan, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật...
 
N.MINH (tổng hợp)