Để chủ động phòng ngừa, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, đấu tranh và xử lý các hành vi mua bán, trao đổi, sử dụng trái phép chất ma túy, Công an huyện Lâm Hà đã tăng cường kiểm tra, rà soát trên địa bàn các xã, thị trấn đối với việc trồng cây có chứa chất gây nghiện, nhất là cây cần sa.
Để chủ động phòng ngừa, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, đấu tranh và xử lý các hành vi mua bán, trao đổi, sử dụng trái phép chất ma túy, Công an huyện Lâm Hà đã tăng cường kiểm tra, rà soát trên địa bàn các xã, thị trấn đối với việc trồng cây có chứa chất gây nghiện, nhất là cây cần sa.
|
Cần sa là một trong các loại cây chiết xuất ra chất ma túy, gây nghiện và là chất nghiêm cấm sử dụng khi chưa được phép. (Ảnh do CA huyện Lâm Hà cung cấp). |
Thực hiện đề án cai nghiện ma túy, tuyên truyền chống tái trồng cây có chứa chất ma túy, Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng chống AIDS và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của huyện Lâm Hà đã huy động cả hệ thống chính trị tại các thôn, tổ dân phố để tổ chức nắm bắt tình hình, vận động Nhân dân tố giác các hành vi trồng, mua bán các chất ma túy nói chung và cây cần sa nói riêng. Từ đó góp phần giáo dục, tuyên truyền người dân và răn đe đối tượng.
Huyện Lâm Hà cũng xác định, việc phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh xử lý các đối tượng trồng cây cần sa không thể chỉ giao cho lực lượng công an xã, thị trấn mà phải huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.
Theo thống kê trong 9 tháng đầu năm, qua kiểm tra, rà soát, Công an huyện Lâm Hà đã tiến hành xử lý 19 vụ vi phạm, nhổ, tiêu hủy 754 cây cần sa, xử lý hành chính 20 đối tượng. Có 9/16 xã đã phát hiện người dân trồng cần sa trong vườn, nhiều nhất là tại xã Tân Thanh 2 vụ với 311 cây, xã Tân Hà xảy ra 3 vụ, thu giữ và tiêu hủy 262 cây.
Ở xã Tân Hà, lực lượng Công an đã phát hiện và xử lý 3 trường hợp. Cụ thể: Ngày 28/6/2019, tại nhà bà Hà Thị Quý (thôn Phúc Thọ 1), Đội Cảnh sát kinh tế - ma túy phối hợp với Công an xã Tân Hà kiểm tra, phát hiện tại vườn cà phê phía sau nhà có trồng 125 cây cần sa cao từ 20 cm - 2 m, tổng khối lượng là 39 kg; Ngày 7/8, lực lượng tiến hành thu giữ 5 cây cần sa cao từ 2-3 m với khối lượng 10 kg tại nhà đối tượng Nguyễn Thị Hồng Nhung (thôn Phúc Thọ 1); Ngày 13/8, phát hiện trường hợp bà Nguyễn Thị Hoàn (thôn Đan Phượng 1) trồng 132 cây với chiều cao 0,5 - 1 m, trọng lượng 10 kg. Tại xã Tân Thanh, lực lượng chức năng cũng đã nhổ, tiêu hủy 282 cây cần sa có chiều cao từ 0,3 - 1,8 m với khối lượng 60 kg…
Điều 247 BLHS năm 2015: Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy:
1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Đã được giáo dục 2 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Với số lượng 3.000 cây trở lên; Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
4. Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
|
Theo Đại úy Đinh Đăng Quý, Trưởng Công an xã Tân Hà, thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục về tác hại của việc trồng, sử dụng các loại cây có chứa chất gây nghiện đã được tăng cường. Lực lượng công an xã đã tiến hành tuyên truyền cá biệt cho hơn 1.300 người, lồng nghép nội dung vào các buổi tiếp dân; tuyên truyền tập trung 12 buổi gồm gần 3.000 người tham dự ở 11 thôn và 2 trường học, phát trên loa tuyên truyền 25 buổi… Đồng thời, lực lượng công an xã trực tiếp phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, ban nhân dân thôn, các tổ an ninh trật tự… để nắm bắt tình hình, xử lý các hộ dân trồng cần sa theo quy định của pháp luật. Qua những lần vận động như vậy người dân đã kịp thời cung cấp thông tin, tố cáo để lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý vi phạm.
“Bước đầu qua điều tra, các đối tượng khai nhận trồng cần sa với mục đích sử dụng để nuôi heo, nuôi gà, nuôi tằm theo tập quán canh tác từ lâu đời của người dân, nhằm tăng hiệu quả trong chăn nuôi. Trên địa bàn chưa phát hiện vụ việc nào liên quan đến việc trồng cần sa để trao đổi, mua bán trái phép liên quan đến các đối tượng là người nghiện ma túy”, Đại úy Đinh Đăng Quý cho biết thêm.
Theo đánh giá của Công an huyện Lâm Hà, trong thời gian qua, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy và trồng các loại cây có chứa chất gây nghiện diễn biến hết sức phức tạp và cũng không loại trừ trường hợp các đối tượng là con nghiện trồng trong vườn để trực tiếp sử dụng. Thực tế, cần sa trồng lẫn trong vườn cà phê chỉ với một diện tích nhỏ, rất khó để phát hiện nên không có sự phối hợp của người dân tại địa phương. Vì thế, công tác xử lý các đối tượng trồng cần sa cũng như thực hiện truyền thông cho người dân biết, hiểu, nâng cao cảnh giác, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn việc trồng cây cần sa sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, xóa bỏ cây có chứa chất gây nghiện trên địa bàn.
H.THẮM