Những năm gần đây, việc chinh phục cung đường Sài Gòn - Dầu Giây - đèo Bảo Lộc - Ðà Lạt bằng xe máy hấp dẫn nhiều bạn trẻ đam mê đi "phượt" để khám phá...
Những năm gần đây, việc chinh phục cung đường Sài Gòn - Dầu Giây - đèo Bảo Lộc - Ðà Lạt bằng xe máy hấp dẫn nhiều bạn trẻ đam mê đi “phượt” để khám phá. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không tuân thủ các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông và những vụ tai nạn thương tâm khi đi “phượt” trên tuyến đường này đang là nỗi ám ảnh với người dân sống dọc Quốc lộ 20.
Trong thời đại của mạng xã hội gắn kết nhau bằng công nghệ hiện đại như hiện nay, chỉ cần vào facebook gõ từ khóa “phượt Đà Lạt” ở ô tìm kiếm, ngay lập tức tìm thấy rất nhiều nhóm, hội chia sẻ đầy đủ và chi tiết về kinh nghiệm đi phượt Đà Lạt. Cứ thế, mọi người dù không quen biết nhau, chỉ cần ở nhà cũng có thể online hẹn hò cùng tham gia một chuyến đi “phượt” chung.
|
Lực lượng CSGT Lâm Đồng căng mình thực hiện đón lõng truy bắt các “phượt thủ” vi phạm an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 20. |
Những chuyến đi điên rồ
Với sự chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, bất kỳ một điểm đến mới nào được “check in” đều sẽ được chia sẻ nhanh chóng. Song, bên cạnh những chia sẻ hữu ích cho một chuyến đi “phượt” đối với cộng đồng, thay vào đó, một số “phượt thủ” lại đem mạng sống của mình ra đánh cược với việc hoàn thành chinh phục cung đường Sài Gòn - Đà Lạt trong khoảng thời gian ngắn nhất mà mục đích ở đây chỉ để thể hiện cái tôi chơi ngông đáng chê trách.
Cánh đây chừng một năm, một cô gái đã đăng lên mạng xã hội khoe bức ảnh mình đứng cạnh chiếc xe máy tại địa điểm Quảng trường Lâm Viên kèm theo lời chia sẻ “Trảng Bom - Đà Lạt 3 tiếng. Anh chị Đà Lạt mất bao lâu?”. Sau ít giờ đăng tải, bài viết đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng, đa phần mọi người đều tỏ ra không tin rằng cô gái có thể đi từ Trảng Bom đến Đà Lạt trong vòng 3 tiếng đồng hồ.
Bởi từ huyện Trảng Bom, Đồng Nai đi đến thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng có khoảng cách 242 km, nếu đi với tốc độ bình thường thì phải mất hơn 5 tiếng đồng hồ. Vì vậy, nhiều người không tin cô gái này có thể đi quãng đường xa như vậy mà chỉ hết có 3 tiếng đồng hồ. Sự việc càng “nóng” hơn khi người yêu của cô gái lên tiếng xác nhận rằng chuyến đi từ Trảng Bom, Đồng Nai đến Đà Lạt, Lâm Đồng hết 3 tiếng là có thật và anh ta là người cầm lái. Thậm chí, anh chàng này sẵn sàng thực hiện lại nếu có một lời đề nghị.
Ngay lập tức, một cuộc cá cược nhanh chóng được đưa ra. Thể lệ là cặp đôi kia dùng đúng chiếc xe máy đã đăng trong bài viết trước đó đi từ Trảng Bom, Đồng Nai đến Đà Lạt trong vòng 3 tiếng với giá trị “30 chai coca” (30 triệu đồng). Nếu cặp đôi này không thể hoàn thành chặng đường đã nói trong vòng 3 tiếng thì sẽ mất “30 chai coca’’. Và theo thông tin từ một số diễn đàn “phượt” chia sẻ, cặp đôi kia đã hoàn thành cuộc cá cược và thắng 30 triệu đồng.
Tiếp đó, đến đầu tháng 11/2018, cư dân mạng lại một phen sục sôi vì một lời thách đố vượt cung đường Sài Gòn - Đà Lạt trong thời gian siêu ngắn chỉ 4 tiếng rưỡi, đặc biệt người nhận cá cược là một “phượt thủ” nữ. Theo đó, “phượt thủ” nữ này phải hoàn thành chặng đường từ Đà Lạt về TP Hồ Chí Minh trong thời gian 4 tiếng rưỡi thì sẽ nhận được 10 triệu đồng tiền thắng cược. Kết quả, với thời gian 4 tiếng 15 phút, nữ “phượt thủ” trên đã thắng cược, lập tức “chiến tích” đó được khoe lên mạng xã hội.
Vài ngày sau đó, trên một diễn đàn “phượt” chia sẻ, một nhóm người sử dụng xe phân khối lớn cũng thực hiện thử thách tương tự nhưng với thời gian kinh ngạc: 2 tiếng 16 phút. Quãng đường hơn 310 km, trung bình mỗi giờ chạy khoảng 150 km, chưa kể điều kiện giao thông, thời gian đổ xăng và nghỉ ngơi...
Theo chia sẻ của một thành viên trong đoàn, tốc độ di chuyển của đoàn có lúc lên đến hơn 200 km/h. Mặc dù, mục đích bên trong của cuộc thách đố này là gì thì hành vi tham gia giao thông của nhóm “phượt thủ” trên không chỉ nguy hiểm với bản thân mà còn là mối hiểm họa khôn lường cho những người tham gia giao thông khác.
|
“Phượt thủ” khoe chiến tích, cá cược thời gian chinh phục cung đường Đà Lạt trên các diễn đàn “phượt” |
Căng mình xử lý “phượt thủ”
Trung tá Cù Tuấn Nghĩa, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) (PC67) Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết: Thời gian qua, tại Lâm Đồng, đặc biệt trên tuyến Quốc lộ 20 nối TP Hồ Chí Minh và Đà Lạt, có nhiều trường hợp “phượt thủ” sử dụng mô tô phân khối lớn chạy với tốc độ cao, sử dụng còi, đèn ưu tiên không đúng quy định đã bị người dân ghi hình.
Đặc biệt, cứ vào dịp cuối tuần, lượng xe phân khối lớn chạy trên tuyến đường này rất nhiều. Các xe thường tụ tập thành nhiều nhóm, chạy bạt mạng, nẹt pô, hú còi inh ỏi vào ban đêm cho đến rạng sáng, khiến nhiều người dân chứng kiến cảnh này đã không khỏi giật mình, bức xúc. Trên tuyến Quốc lộ 20 cũng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến các “phượt thủ” trong thời gian qua.
Theo Trung tá Cù Tuấn Nghĩa, không phải đến lúc gây tai nạn, mà xuyên suốt cả hành trình tham gia giao thông trên tuyến Quốc lộ 20, các “phượt thủ” tỏ ra khinh nhờn luật lệ giao thông, phóng nhanh, vượt ẩu, xem Quốc lộ 20 như là đường riêng của mình.
Điển hình, vào ngày 30/9, một đoàn gồm 13 xe mô tô phân khối lớn vô tư lao vun vút trên Quốc lộ 20, đoạn qua cao tốc Liên Khương - Đà Lạt. Đặc biệt, khi lực lượng CSGT ra tín hiệu dừng xe, đoàn xe trên không chấp hành hiệu lệnh, tiếp tục lao thẳng về phía CSGT đang làm nhiệm vụ.
Để dừng được đoàn xe trên, hàng chục cán bộ, chiến sĩ CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng và Công an huyện Đức Trọng phải chia thành hai tổ công tác, chốt chặn và đón lõng tại đường cao tốc Liên Khương - Đà Lạt và tại cầu Đại Ninh, đang được sửa chữa, hạn chế tốc độ khi qua cầu.
Qua kiểm tra, các tổ công tác đã phát hiện có nhiều xe mô tô vi phạm nên lập biên bản và tạm giữ các phương tiện trên. Các lỗi vi phạm chủ yếu là xe không có đăng ký, biển số không hợp lệ, không có bằng lái xe, điều khiển xe thành đoàn gây cản trở giao thông... Đối với các xe, nhiều giấy tờ có dấu hiệu bị làm giả, xe không rõ nguồn gốc, Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng đang trưng cầu giám định những giấy tờ này để có cơ sở xử lý đối với người điều khiển xe mô tô vi phạm.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, thời gian qua, Phòng PC67 đã triển khai phối hợp với các phòng cảnh sát giao thông các huyện trên địa bàn toàn tỉnh nhằm tăng cường kiểm tra, xử lý các “phượt thủ” vi phạm quy tắc giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử phạt các trường hợp vi phạm Luật Giao thông của lực lượng CSGT gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Bởi những người điều khiển loại xe này chạy với tốc độ rất cao, không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng, trong khi CSGT không thể đuổi theo người có dấu hiệu vi phạm vì rất nguy hiểm cho người đi đường.
“Có những trường hợp, mặc dù đang trong khu dân cư nhưng vẫn điều khiển xe mô tô phân khối lớn chạy với tốc độ dao động trên dưới 100 km/h, thậm chí tới 130 km/h, nẹt pô, bóp còi inh ỏi khiến người dân hai bên đường rất bức xúc. Khi đi vào đường cao tốc Liên Khương - Đà Lạt, có nhóm chạy tới 160 km/h. Phương án chúng tôi đưa ra thường không đuổi theo mà ghi nhận để có phương án xử lý. Đó là bắn tốc độ và phạt nguội. Đối với những xe có dấu hiệu gây nguy hiểm cho người đi đường chúng tôi lên kế hoạch đón lõng 3-4 lớp, kiên quyết tạm giữ người và xe” - Trung tá Nghĩa cho hay.
Cũng theo ông Nghĩa, chỉ riêng đợt ra quân từ ngày 15/7 - 14/8/2019, CSGT Lâm Đồng đã xử lý 3.075 trường hợp vi phạm các lỗi nói trên, hầu hết các lỗi này đều tiềm ẩn gây nguy hiểm cho người đi đường và chính người lái xe.
HOÀNG SA