Do những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị định 168 quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ...
Do những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị định 168 quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Vì vậy, huyện Ðơn Dương đã tiến hành rà soát lại để thực hiện theo quy định tại nghị định này.
|
Rà soát lại việc giao rừng theo các Nghị định 01, 135 để thực hiện giao theo Nghị định 168. Ảnh: H.My |
Theo đó, ông Dương Đức Đại - Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương đã có công văn yêu cầu các đơn vị chủ rừng trên địa bàn khẩn trương hoàn thành dứt điểm việc rà soát các hợp đồng, phương án giao khoán trước đây. Cương quyết thanh lý các hợp đồng giao khoán không theo đúng quy định, không đủ năng lực thực hiện các hạng mục theo phương án được phê duyệt, thực hiện sai mục tiêu. Đối với các phương án đã giao khoán trước đây, các đơn vị chủ rừng khẩn trương chuyển sang giao theo Nghị định 168. Tránh việc phù phép đất lâm nghiệp được giao khoán theo các nghị định được ban hành trước Nghị định 168.
Cũng theo thông tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Đơn Dương, thực hiện giao khoán theo Nghị định 01 ngày 4/1/1995 và giao theo Nghị định 135 ngày 8/11/2005 của Chính phủ trước đây thì trên địa bàn huyện chỉ có Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đơn Dương.
Cụ thể, theo Nghị định 01 tổng diện tích giao khoán là 33,3 ha thuộc đối tượng rừng sản xuất. Trong đó, đất có rừng 6,6 ha (rừng tự nhiên trạng thái IIA là 5 ha và rừng trồng thông ba lá 1,6 ha). Đất chưa có rừng 26,7 ha.
Còn giao khoán theo Nghị định 135, diện tích được phê duyệt ngày 9/1/2008 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh với diện tích 249,3 ha. Trong đó, đất có rừng 164,4 ha, rừng trồng 80,3 ha, đất không có rừng 84,9 ha. Sau khi được phê duyệt diện tích trên, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đơn Dương đã hợp đồng giao khoán cho các hộ gia đình với tổng diện tích 150,2 ha/249,3 ha. Trong đất có rừng 77,6 ha, đất không có rừng 72,6 ha.
Tương tự, theo Nghị định 135 diện tích được giao khoán là 35,38 ha, trong đó có 8,3 ha đất có rừng. Tiếp đó, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đơn Dương đã thực hiện hợp đồng giao khoán với diện tích 19,38 ha. Trong đó, có 8,3 ha đất có rừng và 11,08 ha đất không có rừng.
Thực hiện các nghị định nêu trên, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đơn Dương đã giao khoán cho 20 hộ với diện tích 202,88 ha, bao gồm hợp đồng đang thực hiện với 16 hộ tổng diện tích 156,08 ha và hợp đồng đã thanh lý với 4 hộ, tổng diện tích 46,8 ha. Bên cạnh đó, Nhà nước thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất đối với 1 hộ, diện tích 4,8 ha. Thanh lý hợp đồng do thực hiện không đúng theo phương án trồng rừng đối với 2 hộ với tổng diện tích thanh lý 4 ha.
Riêng đối với hộ nhận chăn nuôi dưới tán rừng diện tích 38 ha nhưng đến nay vẫn không thực hiện nên Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ðơn Dương hiện đang tiến hành các thủ tục thanh lý hợp đồng.
Tính đến tháng 11/2019, diện tích các hộ gia đình, cá nhân nhận khoán đã triển khai theo nội dung trong hợp đồng là 44,87 ha, diện tích các hộ nhận khoán sản xuất nông, lâm kết hợp 43,17 ha. Trong đó, có 35,87 ha đã thực hiện đúng theo hợp đồng, 7,30 ha chưa được thực hiện đúng theo hợp đồng mà nguyên nhân được xác định là do các hộ chưa trồng bổ sung các loài cây lâm nghiệp.
Đối với diện tích quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), 44,51 ha các hộ nhận khoán QLBVR thực hiện tốt công tác bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng. Có 2 ha diện tích các hộ chưa trồng rừng, nguyên nhân do sình lầy, khe suối; 23,21 ha diện tích rừng bị tác động với nhiều lý do như Nhà nước thu hồi làm khu xử lý rác thải xã Ka Đô, sai lệch quá trình khoanh vẽ…
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc giao khoán đất rừng đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng, tạo công ăn việc làm, giúp các hộ gia đình dựa vào rừng để phát triển kinh tế. Các hộ gia đình và cá nhân nhận khoán đã thực hiện tương đối tốt theo phương án và hợp đồng khoán đã được ký kết với công ty (đầu tư trồng rừng, QLBVR hay sản xuất nông, lâm kết hợp dưới tán rừng).
Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ nhận khoán không thực hiện theo đúng phương án nên Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đơn Dương đã tiến hành thanh lý hợp đồng. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, rà soát chuyển sang giao khoán theo Nghị định 168 của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đơn Dương thực hiện còn chậm.
Chính vì vậy, cơ quan chức năng đã đề nghị Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đơn Dương tăng cường kiểm tra, đôn đốc các hộ nhận khoán thực hiện đúng theo phương án và hợp đồng khoán theo quy định. Đồng thời đơn vị này cần khẩn trương kiểm tra, rà soát chuyển sang giao khoán theo Nghị định số 168 của Chính phủ. Những diện tích giao chồng lấn trên diện tích khác cần phải điều chỉnh hợp đồng theo qui định. Đối với các hộ trồng rừng chưa thực hiện hoặc không thực hiện theo hợp đồng yêu cầu các nội dung quy định cần tiến hành thanh lý hợp đồng.
HOÀNG MY