Hòa giải, đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Dự thảo Luật ra đời và được điều chỉnh, bổ sung để bắt kịp xu hướng hiện tại và nhằm nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.
Hòa giải, đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Dự thảo Luật ra đời và được điều chỉnh, bổ sung để bắt kịp xu hướng hiện tại và nhằm nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.
|
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án |
Luật gia Bùi Thanh Long - thành viên Tổ tư vấn pháp luật - Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lâm Đồng cho rằng: Thực tiễn cho thấy trong quá trình giải quyết và xét xử tại Tòa án thì đã phải hòa giải theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và phải đối thoại theo quy định của Luật Tố tụng hành chính… Chính hiệu quả của các hoạt động này đã góp phần tăng cường tình đoàn kết thống nhất trong Nhân dân và giải tỏa được một số vướng mắc giữa người dân và các cơ quan Nhà nước… Tuy nhiên, trước tình hình khối lượng công việc ngày càng tăng, càng nhiều và càng phức tạp của Tòa án mà nhất là còn có những khó khăn, hạn chế trong hoạt động hòa giải và đối thoại của Tòa án, cần có Luật này để có thể phát huy các nguồn lực ngoài Tòa án trong quá trình hòa giải và đối thoại với cơ chế linh hoạt hơn…
Về tên gọi của Luật: Luật gia Bùi Thanh Long cũng góp ý đề nghị nêu rõ là Luật Hòa giải và Đối thoại tại Tòa án vì thực chất là có 2 hoạt động khác nhau là Hòa giải tại Tòa án như Khoản 2, Điều 2 mà giải thích từ ngữ của Dự thảo Luật đã nêu là “hoạt động hòa giải do hòa giải viên thực hiện trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, nhằm hỗ trợ các bên thỏa thuận, thống nhất giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Luật này” và Đối thoại tại Tòa án như Khoản 3, Điều 2 được giải thích từ ngữ của Dự thảo Luật đã nêu là “hoạt động đối thoại do hòa giải viên thực hiện trước khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính, nhằm hỗ trợ các bên thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật này”.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng Nguyễn Tạo nhấn mạnh thêm: Pháp luật hiện hành chưa có quy định về cơ chế hòa giải, đối thoại đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đã có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết, trước khi Tòa án thụ lý theo quy định của pháp luật tố tụng. Với phạm vi này, Dự thảo Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án đang được xây dựng nhằm tạo cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại, không trùng lặp, không mâu thuẫn, không thay thế các cơ chế pháp lý về hòa giải, đối thoại hiện có. Về bản chất pháp lý, hòa giải, đối thoại theo Luật này là hòa giải, đối thoại tại Tòa án, ngoài tố tụng, trước khi Tòa án thụ lý vụ việc.
Ông Nguyễn Tạo cho biết thêm: Kết quả triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Hải Phòng (năm 2018) mang lại thành công, Tòa án Nhân dân tối cao mở rộng triển khai thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thời gian thí điểm từ tháng 11/2018 đến tháng 9/2019). Kết quả, đã hòa giải thành, đối thoại thành được 36.985 vụ việc, trên tổng số 47.493 vụ việc được hòa giải, đối thoại, đạt tỷ lệ 78,08%. Kết quả thí điểm nêu trên được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương đánh giá là mô hình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong đời sống, xã hội, phù hợp với xu hướng giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp thay thế xét xử của nhiều quốc gia trên thế giới. Kết quả thí điểm đã khẳng định những giá trị mà phương thức giải quyết tranh chấp này mang lại.
Góp ý về tiêu chuẩn bổ nhiệm hòa giải viên (Điều 10), Ông Võ Minh Phương - thành viên Tổ tư vấn pháp luật Đoàn ĐBQH Lâm Đồng cho rằng: Không tán thành với cơ quan soạn thảo vì “việc quy định điều kiện có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác đối với người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu. Trái lại, từ phạm vi điều chỉnh của Luật đòi hỏi cần huy động nhiều người có điều kiện tham gia rộng rãi hoạt động hòa giải, đối thoại, yêu cầu kỹ năng hơn là nghiệp vụ chuyên sâu. Do vậy, đề nghị mở rộng giảm số năm kinh nghiệm công tác của nhóm này xuống “có đủ 5 năm kinh nghiệm” vì họ đã bảo đảm tiêu chuẩn tại Khoản 1, Điều 9 của Dự thảo Luật như ý kiến góp ý của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Về số lượng hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại, nhất trí theo quan điểm “cần thiết quy định giao một hòa giải viên chủ trì hòa giải, đối thoại một vụ việc”.
Hòa giải viên có quyền mời những người có uy tín, khả năng tác động để tham gia cùng hỗ trợ hòa giải, đối thoại giữa các bên (người này bao gồm cả những hòa giải viên trong danh sách của Tòa án). Bên cạnh đó, phiên hòa giải có thẩm phán tòa án tham gia, bởi quy định như vậy sẽ bảo đảm tính linh hoạt và xác định rõ trách nhiệm của hòa giải viên, bảo đảm chất lượng hòa giải.
Với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc xây dựng Dự án Luật Hòa giải, Đối thoại mới nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách hành chính; theo đó, phải bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý, tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên, khuyến khích việc giải quyết các tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại; không làm tăng bộ máy, tổ chức, biên chế của Tòa án; thu hút, huy động nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội tham gia giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.
Các nội dung của Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở đánh giá thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về hòa giải, đối thoại hiện hành, khắc phục được những hạn chế, vướng mắc, bất cập; kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, pháp lý tốt đẹp của dân tộc; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về hòa giải. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về hòa giải, đối thoại, tính khả thi của Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án, không mâu thuẫn, không thay thế các cơ chế pháp lý hiện có.
NGUYỆT THU