Tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa IX diễn ra vừa qua, trả lời chất vấn của các đại biểu, đại tá Lê Hồng Phong, Phó Giám đốc Công an tỉnh thông tin, hiện nay "tín dụng đen", đòi nợ thuê, cho vay lãi nặng, huy động vốn với lãi suất cao vẫn đang diễn biến phức tạp cả về quy mô, tính chất, mức độ và hậu quả.
Tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa IX diễn ra vừa qua, trả lời chất vấn của các đại biểu, đại tá Lê Hồng Phong, Phó Giám đốc Công an tỉnh thông tin, hiện nay “tín dụng đen”, đòi nợ thuê, cho vay lãi nặng, huy động vốn với lãi suất cao vẫn đang diễn biến phức tạp cả về quy mô, tính chất, mức độ và hậu quả.
Theo ông Phong, nhiều đối tượng hình sự từ nơi khác tới (hầu hết là các tỉnh phía Bắc) đến tạm trú, cấu kết, móc nối với các đối tượng hình sự tại chỗ, thuê nhà nguyên căn ở tập trung để thực hiện các hoạt động “tín dụng đen”.
Lợi dụng khe hở của pháp luật, nhiều đối tượng đã thành lập các doanh nghiệp đòi nợ thuê, tư vấn, cho vay trả góp... nhằm “núp bóng”, thực hiện các hoạt động cho vay nặng lãi. Nạn nhân mà các đối tượng nhắm đến là người lao động phổ thông, bà con nông dân, người buôn bán nhỏ gặp khó khăn về vốn, trong đó có nhiều trường hợp là bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Qua kiểm tra 195 cơ sở, trong đó có 186 cơ sở cầm đồ, 3 cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ, 6 công ty cho thuê, hỗ trợ tài chính Công an tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện, lập biên bản xử lý 63 cơ sở vi phạm, trong đó có 60 cơ sở cầm đồ, 3 cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê.
Ông Phong nhấn mạnh, Công an tỉnh Lâm Đồng tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tập trung đấu tranh có hiệu quả tội phạm “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, trong đó đặc biệt quan tâm tới vùng sâu, vùng xa, nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vốn khó có điều kiện tiếp cận được các nguồn vốn vay tài chính chính thống, là “điểm yếu” để các đối tượng chuyên cho vay nặng lãi, tội phạm “tín dụng đen” hoạt động.
C.PHONG