Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc tỉnh và lực lượng công an luôn chú trọng công tác hiệp thương, phối hợp với các tổ chức thành viên và lực lượng công an thực hiện các Nghị quyết liên tịch nhằm đẩy mạnh phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh và lực lượng công an luôn chú trọng công tác hiệp thương, phối hợp với các tổ chức thành viên và lực lượng công an thực hiện các Nghị quyết liên tịch nhằm đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên địa bàn tỉnh.
|
Mô hình Camera an ninh của thành phố Đà Lạt là một trong những mô hình phát huy hiệu quả và được nhân rộng ở nhiều địa phương. Ảnh: Nguyên Thi |
Thống nhất trong chỉ đạo và thực hiện
Có thể thấy rằng, công tác triển khai thực hiện chương trình phối hợp về “Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) trong tình hình mới” và Chương trình phối hợp giữa công an và Mặt trận tỉnh đã nhận được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Lực lượng công an, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể đã làm rất tốt chức năng tham mưu, đề xuất, có nhiều biện pháp, hình thức phù hợp để triển khai thực hiện. Việc thường xuyên kiện toàn, thống nhất hành động với Ban Chỉ đạo là điều kiện quan trọng để các địa phương, cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn.
Cũng chính từ đó, công tác vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân cũng đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi trong sự nghiệp bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Nhân dân đã nhận thức khá đầy đủ và tích cực, chủ động tố giác và tham gia đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm của cán bộ, chiến sỹ công an, của công dân trong đấu tranh trấn áp tội phạm. Kết quả thực hiện chương trình phối hợp đã góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ phát triển, làm chuyển biến tình hình an ninh trật tự (ANTT) tại địa bàn, nhất là địa bàn trọng điểm về ANTT.
Phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ đã gắn với các phong trào phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa và thực hiện các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước và phong trào thi đua của các ngành, đoàn thể.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo môi trường lành mạnh phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của Nhân dân. Quá trình thực hiện chương trình phối hợp đã góp phần xây dựng MTTQ và các tổ chức thành viên vững mạnh; đồng thời xây dựng, củng cố lực lượng công an nhân dân ngày càng trong sạch.
Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhận thức, tư tưởng được tiến hành thường xuyên, phong phú, đa dạng, đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức và hành động của cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân; thúc đẩy phong trào thi đua và huy động được các tầng lớp nhân dân tự giác tham gia.
Công tác cảm hóa, giáo dục, cải tạo người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng tiếp tục được thực hiện có hiệu quả. Qua đó, đã góp phần cơ bản trong việc hạn chế phát sinh tội phạm và giảm tỷ lệ tái phạm tội; các nội dung thực hiện được các khu dân cư cụ thể hóa, đưa vào quy ước và trở thành một trong những tiêu chí để đánh giá và xếp loại khu dân cư, gia đình văn hóa hàng năm. Ngày càng có nhiều khu dân cư trở thành mô hình điển hình trong phong trào phòng chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội… được nhân rộng tại các địa phương.
Xuất hiện nhiều mô hình tự quản tại cộng đồng dân cư
Những năm qua, việc chỉ đạo hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản tại cộng đồng dân cư về giữ gìn ANTT đã được MTTQ các địa phương, cơ sở hiệp thương phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức thực hiện, nhằm tăng cường công tác phối hợp chỉ đạo, xây dựng khu dân cư đảm bảo ANTT và trở thành mô hình tốt để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong toàn tỉnh.
Từ năm 2017 đến nay, MTTQ tỉnh cho biết, đã chỉ đạo nhân rộng mô hình thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tại các địa phương trong toàn tỉnh. Qua đó, đã xây dựng được 1.012 mô hình tự quản trên lĩnh vực “phát triển kinh tế”; “giúp nhau vươn lên thoát nghèo”; “bảo đảm ANTT, an toàn giao thông”; “bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm”;… 21 mô hình của các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo ANTT tại khu dân cư và trong năm 2019, tổ chức thẩm định và công nhận 50 khu dân cư kiểu mẫu trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với 9 tiêu chuẩn và 40 tiêu chí. Tiêu biểu như mô hình Camera an ninh trên địa bàn thành phố Đà Lạt, sau đó đã được nhân rộng ra các địa phương khác; mô hình “Tổ tuần tra dân cử dân nuôi”; mô hình “Tổ an toàn”; mô hình “Khu dân cư bảo đảm ANTT, cảm hóa giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư”…
Có thể thấy rằng, với sự tích cực tham gia và phát huy trách nhiệm của người dân và hiệu quả mang lại từ việc quần chúng nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tuân thủ nghiêm các chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết đấu tranh với hành vi gây mất an ninh chính trị, an ninh nông thôn, an ninh trong các tôn giáo; nâng cao ý thức cảnh giác, tinh thần đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy;… đã góp phần giữ gìn rất tốt tình hình ANTT tại địa phương.
NGUYÊN THI