Cần xử phạt nghiêm

05:02, 13/02/2020

Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng gần đây nổi lên một số cá nhân, kể cả học sinh chia sẻ, phát tán thông tin thiếu căn cứ, sai sự thật về chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra...

Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng gần đây nổi lên một số cá nhân, kể cả học sinh chia sẻ, phát tán thông tin thiếu căn cứ, sai sự thật về chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra. Sau khi làm việc với cơ quan chức năng, tất cả các trường hợp nói trên đều thừa nhận là nghe lời đồn, chủ động bịa đặt thông tin với mục đích trêu đùa, câu like nhưng hậu quả đã khiến không ít người dân, người dùng mạng xã hội bất an, lo lắng.
 
Công an đang làm việc với chị M.T., chủ tài khoản facebook đăng tin sai sự thật về virus nCoV. Ảnh: Chính Phong
Công an đang làm việc với chị M.T., chủ tài khoản facebook đăng tin sai sự thật về virus nCoV. Ảnh: Chính Phong
 
Một Facebooker có nhiều người theo dõi tên M.T (29 tuổi, làm nghề bán hàng Online, ngụ tại TP Hồ Chí Minh và tạm trú tại TP Đà Lạt) cuối tháng 1/2020 đã đăng dòng trạng thái với nội dung: “Sáng nay ở Đà Lạt cũng có một người bị cách ly vì nghi ngờ nhiễm Corona rồi nha mấy chế…Sợ quá”. Bài viết này sau đó đã được nhiều cư dân mạng chia sẻ, bình luận. Đến trưa cùng ngày, chủ tài khoản facebook này đã xóa bỏ bài viết trên. Tuy nhiên, thông tin thất thiệt này đã làm cho người dân, cộng đồng mạng lo lắng, gây bức xúc, ồn ào dư luận.
 
Ngay sau khi nhận được thông tin, Công an tỉnh Lâm Đồng đã nhanh chóng tiến hành xác minh làm rõ chủ facebook cá nhân trên. Tại trụ sở cơ quan Công an, M.T thừa nhận “Nghe thông tin bên ngoài vỉa hè, không biết của ai”, đồng thời nói thiếu hiểu biết, nghĩ rằng đăng bài viết nhằm mục đích cảnh báo bạn bè, người thân nên đã vi phạm các quy định của pháp luật về cung cấp thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận. 
 
Hay mới nhất là vụ ngày 3/2, Phòng An ninh Chính trị Nội bộ (PA03) Công an Lâm Đồng đã phát hiện trên mạng xã hội facebook xuất hiện nhiều hình ảnh một phiếu trả lời xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng ghi bệnh nhân tên Nguyễn Hoàng Anh, 15 tuổi, dương tính với virus Corona. Việc giả mạo kết quả này nhanh chóng gây tâm lý hoang mang trong dư luận xã hội. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Công an nhanh chóng xác định hình ảnh về phiếu trả lời kết quả xét nghiệm giả trên được đăng tải trên bảng tin của tài khoản facebook cá nhân “T.V.H”. 
 
Sau khi bị cơ quan Công an triệu tập, T.V.H khai nhận, nguồn gốc hình ảnh trên được chia sẻ từ một thành viên trong nhóm facebook mà T.V.H tham gia. Sau đó, để xác định người chủ mưu làm giả hình ảnh trên, cơ quan chức năng đã điều tra làm rõ và triệu tập 6 trường hợp khác hiện đang học tập tại các trường THPT trên địa bàn TP Đà Lạt có hành vi chia sẻ hình ảnh phiếu xét nghiệm giả nói trên cho các nhóm trò chuyện và bạn bè trên facebook. 
 
 Kết quả, cơ quan chức năng đã truy tìm, xác định nguồn gốc hình ảnh về phiếu xét nghiệm giả trên là do H.A (học sinh lớp 10 tại TP Đà Lạt) làm ra và phát tán. Bản thân H.A thừa nhận không nhận thức được hành vi mà bản thân tiến hành gây hậu quả như thế nào. Ngay sau đó, nhiều tài khoản trong nhóm kín, kể cả giáo viên trong nhà trường đã chia sẻ, phát tán hình ảnh phiếu trả lời kết quả xét nghiệm giả do H.A chỉnh sửa trên mạng xã hội facebook. Hiện tới thời điểm này, ngoài 2 vụ việc nêu trên, Công an tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục mời lên làm việc một số trường hợp khác tung tin sai lệch về dịch bệnh Corona trên địa bàn tỉnh để xử lý, chấn chỉnh.
 
Như vậy, rõ ràng với các trường hợp nêu trên mạng xã hội không hề ảo bởi đứng đằng sau đều là những con người thật. Phát ngôn thất thiệt, thông tin không chính xác, tiêu cực lan truyền có thể gây tác động xấu đến người khác, đến xã hội.
 
Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng, các hành vi như trên hiện sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt nghiêm. Cụ thể, ngày 3/2/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
 
Một nội dung đáng chú ý trong Nghị định mới này đó là quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội. Cụ thể, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.
 
Các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn cũng bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
 
Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm; cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm; cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu.
 
Giữa dòng thông tin chính thống của chính quyền và các báo, đài về dịch Corona, người dân hiện nay không khỏi lo lắng về những thông tin giả, tin bịa đặt… trên các trang mạng xã hội. Không ai có thể phủ nhận mạng xã hội đã mang đến nhiều thông tin nhanh, đa chiều, nhưng mặt trái của nó là thao túng người dân bằng những tin giả, tin độc hại. Chính vì vậy, việc cơ quan chức năng tiến hành xử phạt 10 tới 20 triệu đồng các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật sẽ là cách kiểm soát tin giả, lập lại trật tự thông tin trên mạng thời gian tới.
 
C.PHONG