Cảnh báo lợi dụng dịch bệnh để lừa đảo qua mạng xã hội

02:04, 10/04/2020

(LĐ online) - Không ít đối tượng đã lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp để kêu gọi mọi người hỗ trợ những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn bằng hình thức chuyển khoản nhằm chiếm đoạt tài sản qua mạng internet. 

(LĐ online) - Không ít đối tượng đã lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp để kêu gọi mọi người hỗ trợ những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn bằng hình thức chuyển khoản nhằm chiếm đoạt tài sản qua mạng internet. 
 
Kho lương thực tại Cơ sở Bảo trợ xã hội Trọng Đức
Kho lương thực tại Cơ sở Bảo trợ xã hội Trọng Đức
 
Vài tuần qua, trên nhiều trang mạng xã hội đồng loạt chia sẻ thông tin Cơ sở Bảo trợ xã hội Trọng Đức (thôn Thanh Bình 1, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng) nơi đang cưu mang khoảng 250 bệnh nhân tâm thần bị bỏ đói do cơ sở này cạn kiệt nguồn thực phẩm. Nguyên nhân được các trang mạng này nêu ra là do dịch bệnh Covid-19 khiến các nhà hảo tâm không đến giúp đỡ, ủng hộ vật chất nữa. Nhiều tài khoản Facebook có lượng người theo dõi lên tới hàng chục nghìn người kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ; đồng thời, không quên để lại số tài khoản ngân hàng để mọi người chuyển tiền ủng hộ. Trước thông tin này, rất nhiều người đã tỏ lòng thương xót, thông cảm và chuyển tiền vào số tài khoản của những người kêu gọi để giúp đỡ bệnh nhân tâm thần ở Cơ sở bảo trợ xã hội Trọng Đức. 
 
Theo UBND xã Bình Thạnh (huyện Đức Trọng), hiện nay cơ sở này có hai khu vực, một bên tiếp nhận bệnh nhân nam và bên còn lại tiếp nhận bệnh nhân nữ. Khu vực nam do gia đình ông Bùi Văn Thu quản lý, khu vực nữ do bà Trần Thị Hằng quản lý. Trước đây, UBND huyện Đức Trọng đã hướng dẫn hai gia đình trên làm thủ tục để thành lập Cơ sở Bảo trợ xã hội nhưng đến nay do hai gia đình chưa thực hiện các thủ tục theo quy định nên trên thực tế đây chỉ là cơ sở tiếp nhận bệnh nhân tâm thần dưới hình thức tự phát. Tuy nhiên, Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng và xã Bình Thạnh vẫn thường xuyên tới khám sàng lọc cho các bệnh nhân. Theo số liệu từ Công an xã Bình Thạnh, số bệnh nhân nam là 191 người, nữ 152 người nhưng thời gian gần đây, một số người đã xin về. 
 
Ngày 27/3 vừa qua, chúng tôi đã cùng Công an xã Bình Thạnh tới làm việc với Cơ sở bảo trợ xã hội Trọng Đức. Tại khu vực nam, chủ cở sở là ông Bùi Văn Thu đi vắng. Ngoài sân có một xe tải bên trong thùng chứa các loại thực phẩm vừa được chuyển tới. Người nhà ông Thu không cung cấp thông tin gì với lý do toàn bộ quản lý, điều hành là do ông Thu. Tại khu vực nữ, do bà Trần Thị Hằng quản lý, thời điểm này có một đoàn từ thiện vừa tới, đang chuẩn bị đồ ăn, uống cho các bệnh nhân tâm thần. Ngoài ra, đoàn này cũng đã hỗ trợ 2,2 tấn gạo. Bà Hằng cho biết, do dịch bệnh nên thời gian gần đây lượng người tới cơ sở thăm hỏi, hỗ trợ người bệnh giảm hẳn. Tuy nhiên, lượng gạo trong kho chỉ tính riêng của khu vực nữ hiện có khoảng 15-16 tấn, ngoài ra còn có rất nhiều mì gói và các loại thực phẩm khác, đủ để các bệnh nhân đang lưu trú tại đây ăn ít nhất từ 3-4 tháng. 
 
Sau khi có thông tin bệnh nhân tâm thần tại cơ sở này bị bỏ đói do thiếu lương thực, thực phẩm, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Đức Trọng đã phối hợp với UBND xã Bình Thạnh và cơ quan Công an kiểm tra tình trạng hoạt động của Cơ sở bảo trợ xã hội Trọng Đức. Kết quả kiểm tra xác định thông tin trên mạng xã hội cho rằng hàng trăm bệnh nhân bị bỏ đói do thiếu thực phẩm và kêu gọi giúp đỡ là không đúng sự thật. Số lượng lương thực, thực phẩm tại cơ sở này hiện vẫn rất dồi dào, đủ cho các bệnh nhân ăn ít nhất 3 tháng. Thậm chí, theo UBND xã Bình Thạnh, vào cuối năm 2019, xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy các loại bánh kẹo, mì gói và thực phẩm khác mà các tổ chức, cá nhân đem tới hỗ trợ cơ sở dùng không hết dẫn đến quá hạn sử dụng. 
 
Như vậy, không có chuyện Cơ sở bảo trợ xã hội Trọng Đức thiếu nguồn lương thực, thực phẩm, hàng trăm bệnh nhân tâm thần bị bỏ đói như lời kêu gọi giúp đỡ, chuyển tiền vào tài khoản như trên mạng xã hội. Ông Nguyễn Văn Chính - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết, với lời kêu gọi trên, nếu không tỉnh táo, nhiều người nhẹ dạ tưởng đó là sự thật sẽ chuyển tiền ủng hộ, giúp đỡ các bệnh nhân tâm thần vào tài khoản cá nhân của những kẻ lợi dụng dịch bệnh Covid-19, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội.
 
Lương thực được các tổ chức từ thiện hỗ trợ Cơ sở Bảo trợ xã hội Trọng Đức ngày 27/3 vừa qua
Lương thực được các tổ chức từ thiện hỗ trợ Cơ sở Bảo trợ xã hội Trọng Đức ngày 27/3 vừa qua
 
Một trường hợp khác khiến dư luận bức xúc trong thời gian gần đây chính là trang mạng có tên “Lại Văn Sâm” với hơn 120.000 người theo dõi đã dùng hình ảnh bị bỏng cồn toàn thân rất nặng của em Cil Pam Mỹ Dung (SN 2015), con anh Konsa Sen Ty và chị Cil Pam Ních Ka (trú tại xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) đưa trên trang với thông tin “Đây là trường hợp của bé Nguyễn Thanh Mai, ba mẹ để cồn rửa tay trong thùng, con được nghỉ học ở nhà lấy chơi, không hiểu vì sao bốc cháy... Mọi sự giúp đỡ xin gửi về cho ba bé theo số Tk: 020085740572 - chủ Tk: Nguyễn Văn Huy - Ngân hàng Sacombank...”. Rất nhiều người tưởng thật đã chuyển tiền giúp đỡ nạn nhân vào tài khoản lừa đảo này. Theo xác minh, gia đình em Cil Pam Mỹ Dung có hoàn cảnh rất khó khăn. Ngay khi được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cấp cứu, các y, bác sĩ của bệnh viện và những người chứng kiến đã kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ. Sau một ngày cấp cứu tại bệnh viện, người nhà đã chuyển em xuống TP Hồ Chí Minh tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, chính hình ảnh đau đớn của em Cil Pam Mỹ Dung đã bị kẻ xấu lợi dụng. Trước tình trạng trên, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã phải ra cảnh báo, trang “Lại Văn Sâm” trên là trang giả mạo nhà báo Lại Văn Sâm. Trang này đã dùng hình ảnh đau đớn của bé Cil Pam Mỹ Dung do bị bỏng năm toàn thân đưa lên mạng nhằm lay động lòng người rồi kêu gọi giúp đỡ bằng hình thức chuyển khoản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người. 
 
Việc ủng hộ, giúp đỡ những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã hội là một nghĩa cử cao đẹp, cần được tôn vinh và nhân rộng. Tuy nhiên, người làm từ thiện, các mạnh thường quân cũng hết sức cảnh giác trước những lời kêu gọi giúp đỡ qua mạng xã hội để tránh việc bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản mạng internet.
 
VĂN BÁU - KHẮC LỊCH