Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trong khi các cấp, ngành, địa phương nỗ lực "chống dịch như chống giặc" thì cuộc chiến "dập dịch tin đồn, tin giả"...
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trong khi các cấp, ngành, địa phương nỗ lực “chống dịch như chống giặc” thì cuộc chiến “dập dịch tin đồn, tin giả” trên không gian mạng cũng quyết liệt không kém. Tỉnh Lâm Đồng cũng kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi dùng mạng xã hội để đưa thông tin giả, góp phần đẩy lùi dịch bệnh COVID -19.
|
Các trường hợp vi phạm làm việc với ngành chức năng về việc đưa thông tin sai trên mạng xã hội. |
Kiên quyết chống tin giả về dịch bệnh
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các văn bản về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước những thông tin đăng tải trên mạng xã hội liên quan đến nội dung tình hình dịch bệnh COVID-19, tránh để kẻ xấu lợi dụng dẫn đến vi phạm pháp luật.
Ông Nguyễn Viết Vân - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Với sức hút của mạng xã hội, người dân có nhu cầu tìm kiếm thông tin qua ứng dụng này rất cao, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Thời gian gần đây, ở một số địa phương đã xuất hiện thông tin sai, thông tin chưa được kiểm chứng về dịch bệnh COVID-19 gây hoang mang dư luận. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với việc nhận diện thông tin xấu, độc và ngăn chặn hành vi đăng tải thông tin sai sự thật.
Trước thực trạng đó, Sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin các địa phương thường xuyên rà quét thông tin trên mạng xã hội, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tin giả, xử lý các đối tượng đưa tin đồn sai sự thật. Đến nay, Sở đã tiến hành xử lý 8 trường hợp đưa tin sai sự thật gây hoang mang, trong đó có trường hợp bị phạt tiền lên đến 12,5 triệu đồng vì hành vi vi phạm này.
Việc xử lý các đối tượng tung tin sai lệch trên mạng xã hội liên quan đến dịch COVID-19 thời gian qua đã được Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt, nghiêm túc. Qua đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tạo sự răn đe, từ đó nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng mạng xã hội. Nhờ đó, thời gian gần đây người dân trên địa bàn tỉnh đã thận trọng hơn trong việc sàng lọc, lựa chọn và nhất là chỉ đưa các thông tin từ các kênh chính thống liên quan đến dịch COVID-19 trên cả không gian mạng.
Phát huy sức lan tỏa mạng xã hội
Bên cạnh công tác tuyên truyền qua báo chí, hệ thống phát thanh, truyền hình... thì cùng với sự bùng nổ công nghệ, nền tảng mạng xã hội cũng được đánh giá là một kênh tuyên truyền “chống dịch” có sự tương tác cao của người dân; các mạng xã hội có nhiều người dùng tại Việt Nam như Facebook, Zalo, YouTube, Lotus... Và để sử dụng mạng xã hội một cách có ích, tăng ý thức, chung tay cùng các bộ, ngành chống dịch là một vấn đề cần được phát huy hơn nữa, nhất là đối với với giới trẻ. Việc ngăn chặn hiệu quả các thông tin sai sự thật, đồng thời lan tỏa những thông tin chính thống, tích cực về tình hình dịch bệnh, đã giúp tâm lý của người dân trong tỉnh ổn định, không bị ảnh hưởng. Qua đó, góp phần ổn định xã hội để các cấp chính quyền tập trung mọi nguồn lực vào công tác phòng, chống dịch.
Ngành chức năng khuyến cáo người dân cần cảnh giác với thông tin giả, thông tin bịa đặt, không đúng sự thật về dịch bệnh trên mạng xã hội. Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan, lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh xử lý các đối tượng vi phạm, rất cần có sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân, lên án những hành vi tuyên truyền thông tin sai sự thật; kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật, góp phần loại bỏ thông tin tiêu cực, xây dựng một không gian mạng lành mạnh, hữu ích cho xã hội.
Tung tin giả về dịch bệnh và các mức xử phạt
Từ ngày 15/4/2020, các quy định tại Nghị định 174/2013/NĐ-CP sẽ được thay thế bởi Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Theo đó, tại Điều 101 nghị định này quy định rõ hơn về mức phạt đối với hành vi tung tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội, cụ thể:
Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
- Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
- Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân.
Ngoài việc phạt tiền, người có hành vi vi phạm buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
|
DIỄM THƯƠNG