Luật Giám định Tư pháp tuy đã đi vào hoạt động nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn chưa phù hợp thực tiễn...
Luật Giám định Tư pháp tuy đã đi vào hoạt động nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn chưa phù hợp thực tiễn. Trong đó, vướng mắc chủ yếu là hoạt động giám định tư pháp theo vụ việc trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, tập trung chủ yếu ở loại hình giám định các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng. Ngoài ra, còn vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ giám định pháp y tử thi giữa ngành y tế và công an...
|
Các đại biểu đại diện các cơ quan liên quan tham gia góp ý Luật Giám định Tư pháp để hoàn chỉnh, phù hợp thực tiễn hơn |
Luật Giám định Tư pháp có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013, trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định của Pháp lệnh giám định tư pháp và các quy định có liên quan khác; qua đó, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc củng cố, kiện toàn tổ chức, đội ngũ người giám định tư pháp, hoàn thiện cơ chế hoạt động, quản lý giám định tư pháp trong cả nước.
Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Tạo cho rằng: Sau nhiều năm thi hành, một số quy định của Luật Giám định Tư pháp đã bộc lộ sự chưa phù hợp với tình hình hiện nay trong khi pháp luật tố tụng đã được sửa đổi, bổ sung. Thời gian qua, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng Hành chính đã được sửa đổi, bổ sung, trong đó có một số quy định về giám định tư pháp đã thay đổi. Do vậy, có những quy định của Luật Giám định Tư pháp cần phải sửa đổi, bổ sung cho thống nhất. Đặc biệt, trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng thì một số vấn đề liên quan đến tổ chức, cơ chế hoạt động, quản lý giám định tư pháp cũng cần được xem xét, tính toán đến trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Giám định Tư pháp có liên quan đến pháp luật tố tụng, như vấn đề mở rộng phạm vi hoạt động giám định tư pháp cho phù hợp với tinh thần mở rộng dân chủ, tăng cường tranh tụng tại phiên tòa.
Mở rộng phạm vi cho phép thành lập văn phòng giám định tư pháp ở một số lĩnh vực thực sự có nhu cầu lớn mà hiện nay đang do Nhà nước bảo đảm, sẽ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước; bảo đảm phù hợp với quy luật cung cầu của cơ chế thị trường liên quan đến phạm vi xã hội hóa theo Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đồng thời, đẩy mạnh chính sách ưu đãi, thu hút các tổ chức, nhà chuyên môn có năng lực tham gia hoạt động giám định tư pháp phù hợp với tính chất đặc thù của lĩnh vực giám định tư pháp có liên quan đến chính sách ưu đãi xã hội hóa và các đạo luật về thuế...
Tại hội thảo góp ý luật của Đoàn ĐBQH tổ chức trưng cầu ý kiến, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cơ bản thống nhất với các nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp góp ý và giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định Tư pháp. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét thấy cần góp ý thêm một số ý kiến còn có quan điểm khác nhau để luật hoàn thiện hơn và phù hợp với các luật hiện hành. Cụ thể, đối với Điều 12 của Luật sửa đổi, thống nhất với phương án 2, như phân tích của ban soạn thảo. Bổ sung điểm d khoản 4 Điều 12 như sau: Tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự bao gồm: Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an; Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh; Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng; Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Việc bổ sung quy định này là cần thiết, góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử thu thập được trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử.
Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển nhanh như hiện nay, đặc biệt từ ngày 1/1/2020, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên toàn quốc, vì vậy, yêu cầu giám định loại việc trên ngày càng tăng. Từ trước tới nay mới chỉ có một đơn vị giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an đảm nhiệm việc giám định loại việc nói trên, dẫn đến quá tải. Trung bình thời gian mỗi vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử từ 2 - 3 tháng, có vụ 5 tháng mới có kết luận, trong khi thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra vụ án và tạm giam được quy định ngắn và chặt chẽ, nên đã ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án. Do đó, việc bổ sung quy định trên là nhằm hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động của cơ quan điều tra thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Điều này cũng phù hợp với mô hình hệ thống các cơ quan điều tra hiện nay đều có tổ chức giám định tư pháp kỹ thuật hình sự hỗ trợ.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có Luật gia Bùi Thanh Long - thành viên Tổ tư vấn chính sách, pháp luật của Đoàn ĐBQH Lâm Đồng cho rằng: Đề nghị giữ nguyên Điều 12. Tổ chức giám định tư pháp công lập như Luật hiện hành và không bổ sung Điểm d Khoản 4 Điều 12 về “Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao” vì hiện nay đang thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy các cơ quan Nhà nước, nếu có thêm phòng này thì sẽ phát sinh thêm tổ chức và biên chế thì không phù hợp với chủ trương chung...
Theo ý kiến của Ủy ban Tư pháp và các cơ quan hữu quan, đây là vấn đề mới, đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ chuyên sâu, phải đầu tư khoản kinh phí lớn và đồng bộ về trang - thiết bị, trong đó, giám định âm thanh chỉ là một trong 10 chuyên ngành kỹ thuật hình sự. Do vậy, cần được Chính phủ bổ sung đánh giá tác động, cung cấp số liệu, báo cáo cụ thể về sự cần thiết bổ sung tổ chức này tại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Đồng thời, cần làm rõ phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Do đó, nội dung này cần tiếp tục nghiên cứu và chưa đưa vào sửa đổi lần này.
Tiếp thu đa số ý kiến của các ĐBQH, Thường trực Ủy ban Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị cho chỉnh lý khoản 4 Điều 25 của Dự thảo Luật theo hướng: kế thừa và luật hóa những quy định của Thông tư 01 đang được thực hiện ổn định, hiệu quả.
NGUYỆT THU