Những kiến nghị chính đáng của Nhân dân tiếp tục được quan tâm, giải quyết kịp thời

06:05, 05/05/2020

Rất nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân về những vấn đề còn tồn tại, bất cập trong sản xuất, đời sống tiếp tục được Đoàn Đại biểu Quốc hội Lâm Đồng tiếp thu và gửi đến các cơ quan chức năng của tỉnh..

Rất nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân về những vấn đề còn tồn tại, bất cập trong sản xuất, đời sống tiếp tục được Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lâm Đồng tiếp thu và gửi đến các cơ quan chức năng của tỉnh. Theo đó, các sở, ngành liên quan và UBND tỉnh đã ghi nhận, tiếp thu và từng bước giải quyết kịp thời, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. 
 
Đoàn ĐBQH Lâm Đồng thường xuyên tiếp xúc cử tri, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của Nhân dân để phản ánh lên Quốc hội và đề nghị các cơ quan liên quan quan tâm, giải quyết.Đoàn ĐBQH Lâm Đồng thường xuyên tiếp xúc cử tri, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của Nhân dân để phản ánh lên Quốc hội và đề nghị các cơ quan liên quan quan tâm, giải quyết.
Đoàn ĐBQH Lâm Đồng thường xuyên tiếp xúc cử tri, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của Nhân dân để phản ánh lên Quốc hội và đề nghị các cơ quan liên quan quan tâm, giải quyết.
 
Cử tri huyện Đạ Tẻh kiến nghị: Hồ thủy lợi Đạ Tẻh được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 1986, đến nay đang bị bồi lắng, không đủ lượng nước tưới tiêu theo thiết kế; đề nghị ngành chức năng kiểm tra, sớm có chủ trương nạo vét lòng hồ, bảo đảm hoạt động tích nước phục vụ sản xuất của Nhân dân. Vấn đề này thuộc trách nhiệm quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lâm Đồng, nên Sở này đã có ý kiến trả lời với bà con cử tri và Nhân dân như sau: Công trình thủy lợi hồ chứa nước Đạ Tẻh (xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh) được xây dựng vào năm 1986 có nhiệm vụ tưới cho 2.300 ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc địa bàn 7/11 xã, thị trấn của huyện Đạ Tẻh. Qua thời gian sử dụng, công trình đã bị xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng, lưu vực của công trình, rừng đầu nguồn ngày càng bị suy giảm. Để đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả khai thác của công trình, từ năm 2017 UBND tỉnh đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và giao Sở NN&PTNT triển khai sửa chữa, nâng cấp công trình với tổng mức đầu tư 78,5 tỷ đồng. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 4/2020 và cấp nước tưới cho 2.300 ha đất canh tác, tạo nguồn nước sinh hoạt cho Nhân dân thị trấn Đạ Tẻh và các xã lân cận, lưu lượng 10.000 m 3/ngày đêm.
 
Ngoài ra, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương và phê duyệt đánh giá tác động môi trường để Công ty TNHH Phượng Hùng tiếp tục nạo vét bồi lắng kết hợp tận thu cát lòng hồ Đạ Tẻh. Hiện công ty đang tiến hành các thủ tục để cấp phép hoạt động trong phạm vi công trình thủy lợi và khai thác khoáng sản, dự kiến sẽ triển khai thực hiện từ tháng 3/2020. 
 
Cũng liên quan đến huyện Đạ Tẻh, dòng sông Đạ Mí thuộc địa bàn xã An Nhơn là hạ lưu của một số dòng sông thuộc huyện Bảo Lâm và cũng là nơi thoát nước của cánh đồng lúa thuộc thị trấn Đạ Tẻh và xã An Nhơn, hiện nay đang bị bồi lấp. Hàng năm về mùa mưa thường gây ngập lụt xung quanh, ảnh hưởng tới 1/2 diện tích sản xuất của xã An Nhơn và trên 50 hộ dân sinh sống gần khu vực này. Cử tri đề nghị ngành chức năng kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh sớm có chủ trương cho nạo vét, khơi thông dòng suối để hạn chế ngập lụt trong mùa mưa, nhằm ổn định tình hình sản xuất, phát triển kinh tế của Nhân dân. Qua tìm hiểu được biết, suối Đạ Mí, đoạn chảy qua xã An Nhơn có chiều dài khoảng 9 km, lưu vực khoảng 85 km2, hiện nay lòng suối đã bị bồi lắng, hành lang suối nhiều vị trí bị lấn chiếm, đặc biệt rừng đầu nguồn lưu vực của suối bị suy giảm nên hàng năm về mùa mưa thường xảy ra lũ quét và ngập lụt, gây úng ngập cho khoảng 350 ha lúa của xã An Nhơn và thị trấn Đạ Tẻh; khoảng 70 nhà dân ven suối Đạ Mí thuộc địa bàn xã An Nhơn và thị trấn Đạ Tẻh thường xuyên bị ngập sâu và phải di dời; khoảng 6 km đường giao thông nông thôn thường xuyên bị ngập. Để giải quyết tình trạng trên, Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND tỉnh giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện Đạ Tẻh và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh. 
 
Về tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho Nhân dân theo quy định, triển khai quá chậm dẫn đến nhiều bất cập trong quản lý đất đai tại các địa phương. Cử tri đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp đẩy nhanh tiến độ, giải quyết dứt điểm công tác này trong quý I/2020. Sở NN&PTNT có ý kiến: “Thực hiện Quyết định số 2016 ngày 9/10/2018 của UBND tỉnh Lâm Đồng, đến nay, Sở đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh ranh giới, diện tích đất lâm nghiệp của các đơn vị chủ rừng Nhà nước trên địa bàn 12/12 huyện, thành phố và đã phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan thực hiện bàn giao diện tích, ranh giới đất lâm nghiệp cho các đơn vị chủ rừng Nhà nước và diện tích đất ngoài lâm nghiệp cho địa phương quản lý để lập kế hoạch cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Thời gian tới, tiếp tục rà soát lại điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng huyện Lâm Hà theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 8500 ngày 30/12/2019. Về việc thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp thuộc trách nhiệm, chức năng của Sở Tài nguyên và Môi trường; đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ thực hiện”. 
 
Bên cạnh đó, một số cử tri phản ánh giá cả nông sản không ổn định, mùa màng bấp bênh dẫn đến đời sống của nhiều hộ dân gặp khó khăn. Đề nghị các ngành chức năng có biện pháp căn cơ giải quyết vấn đề này. Để giải quyết căn cơ vấn đề tổ chức sản xuất, tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho nông sản, qua đó ổn định và phát triển kinh tế cho người dân, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện nhiều giải pháp như thực hiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, đặc biệt là việc hỗ trợ phát triển các liên kết sản xuất thông qua việc thực hiện Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 104/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Việc tổ chức theo chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sẽ khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quản lý chất lượng và tiêu thụ nông sản; từ đó ổn định sản xuất và tăng thu nhập cho người dân. 
 
Đoàn ĐBQH cũng đã tiếp thu và đề nghị các ngành chức năng liên quan giải quyết ý kiến của cử tri huyện Lạc Dương về việc quản lý vành đai an toàn hồ Đan Kia - Suối Vàng còn nhiều bất cập (tình trạng chặt hạ cây rừng, san gạt lấn chiếm đất, rác thải canh tác nông nghiệp…) ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho huyện Lạc Dương và thành phố Đà Lạt. Đồng thời đề nghị cơ quan chức năng và địa phương tăng cường kiểm tra để phát hiện kịp thời những sai phạm, đồng thời sớm có phương án căn cơ giải quyết, chấn chỉnh tình trạng trên.
 
NGUYỆT THU