Là tỉnh Tây Nguyên nên hệ thống giao thông đường thủy ở tỉnh Lâm Đồng không nhiều như một số tỉnh, thành khác...
Là tỉnh Tây Nguyên nên hệ thống giao thông đường thủy ở tỉnh Lâm Đồng không nhiều như một số tỉnh, thành khác. Tuy nhiên, do có hệ thống sông, suối, hồ chằng chịt với nhiều thác ghềnh và đồi núi, nên hệ thống giao thông đường thủy nội địa cũng khá phức tạp với những bến đò ngang, tàu thuyền qua lại trên các lòng hồ, sông, suối và tại các sông, hồ khai thác cát, các lòng hồ kinh doanh dịch vụ du lịch. Chính vì lẽ đó, công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa cũng đặc biệt được các cơ quan chức năng quan tâm.
|
Lực lượng CSGT đường thủy thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh phối hợp Đội CSGT Công an huyện Đơn Dương kiểm tra phương tiện đường thủy trên hồ Đa Nhim |
Tiềm ẩn nhiều phức tạp
Năm qua, mặc dù trên địa bàn tỉnh không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng, nhưng với những diễn biến phức tạp của hệ thống sông, hồ, lòng hồ thủy điện và những hoạt động tự phát của một bộ phận người dân sống gần sông, hồ cũng như việc chấp hành pháp luật của một số người tham gia hoạt động du lịch chở khách, khai thác cát trên sông, suối, hồ chưa tốt và còn nhiều chủ quan, nên vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất trật tự, an toàn giao thông đường thủy. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ vừa gỡ bỏ lệnh cách ly xã hội về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chúng tôi có dịp được theo chân các cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh trong chuyến công tác về các huyện, các xã trên địa bàn toàn tỉnh tiến hành khảo sát tình hình trật tự an toàn giao thông đường thủy, để có kế hoạch tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường thủy nội địa.
Lòng hồ KaLa thuộc huyện Di Linh đã từng là nơi có hệ thống giao thông đường thủy tự phát khá phức tạp và cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông do bà con địa phương thường xuyên sử dụng tàu bè để đi rẫy và chở nông sản hay đánh bắt cá. Tuy nhiên, từ ngày có hệ thống giao thông đường bộ đi vào tận khu đất canh tác cà phê của bà con thì tình trạng sử dụng tàu bè trên lòng hồ đã giảm hẳn. Người dân ở khu vực này cho chúng tôi biết, dân vùng này giờ ít đi thuyền, chỉ còn lại một số ít thuyền bè của những người nuôi cá trên lòng hồ thỉnh thoảng qua lại, hay lâu lâu mới có một vài chuyến tàu chở khách du lịch đi hóng mát hoặc câu cá.
Có mặt tại hồ Đa Nhim thuộc huyện Đơn Dương vào buổi sáng sớm, nhưng hoạt động khai thác cát tại khu vực này đang diễn ra khá nhộn nhịp. Khi quan sát bến thuyền trên hồ, chúng tôi nhận thấy có sự hiện diện của các chiến sỹ cảnh sát đường thủy tại vùng hồ này. Trao đổi với chúng tôi về tình hình an toàn giao thông ở hồ Đa Nhim, Đại úy Nguyễn Nghĩa Bình - Đội CSGT Đường thủy thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: Qua kiểm tra, hiện đang có 3 chủ tàu được cấp phép nạo vét và khai thác cát lòng hồ. Các tàu vận chuyển trên hồ đều có phép và tuân thủ các yêu cầu về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy khá tốt. Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng cho thấy các công nhân đang lao động trên tàu chưa mặc áo phao, và chủ tàu trang bị chưa đủ số lượng bình cứu hỏa theo quy định. Lực lượng CSGT đường thủy đã nhắc nhở, phổ biến quán triệt đến chủ tàu và công nhân không được chủ quan, phải nghiêm túc tuân thủ để đảm bảo an toàn.
Còn tại khu vực sông Đồng Nai, thuộc địa bàn xã Phước Cát, huyện Cát Tiên, qua kiểm tra thực tế dọc con sông này và tại một số bến đò ngang, chúng tôi nhận thấy, bến đò chở khách trên địa bàn xã Phước Cát có giấy phép, đường lên xuống bến được bê tông hóa. Phương tiện có trang bị phao, áo phao,... Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục đó là việc xếp đặt hợp lý các dụng cụ, trang bị an toàn cho phương tiện và hành khách như áo phao, dụng cụ cứu sinh cần phải được chủ thuyền nhắc nhở, yêu cầu hành khách mang mặc trước khi phương tiện xuất bến.
Riêng đối với hoạt động khai thác cát, vào thời điểm trước đây khu vực này có những diễn biến phức tạp, Phòng CSGT Công an tỉnh cũng đã tăng cường một tổ CSGT đường thủy về túc trực 24/24 tại khu vực này, để tăng cường phối hợp với lực lượng công an huyện tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông. Đến nay, hoạt động của các tàu thuyền khai thác cát vùng này có chiều hướng ngày càng ổn định, không còn những diễn biến phức tạp như thời gian trước đây. Tuy nhiên, theo nhận định của Phòng CSGT thì cũng không thể chủ quan mà sẽ tiếp tục có kế hoạch theo dõi, tăng cường tuần tra, kiểm soát để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy ở khu vực này.
Tăng cường đảm bảo trật tự an toàn đường thủy
Lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, thời gian qua, lực lượng CSGT Công an tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, chính quyền các cấp tiến hành đồng bộ các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông - trật tự xã hội trên các tuyến đường thủy nội địa đang có một số diễn biến phức tạp như ở Cát Tiên, Đạ Tẻh và Lạc Dương. Để quản lý tốt, Phòng CSGT tỉnh đã phối hợp với Cảnh sát môi trường khảo sát, lập danh sách tàu, thuyền khai thác khoáng sản không có đăng ký, đăng kiểm để kiểm tra, kiểm soát.
Theo đó, tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 84 tàu, thuyền có dấu hiệu khai thác cát, sỏi. Trong đó, trên sông Đồng Nai (thuộc huyện Cát Tiên) có 44 tàu neo đậu dọc 2 bên bờ sông; thuộc địa bàn huyện Đạ Tẻh có 12 tàu. Trong số 56 tàu của 2 huyện hoạt động trên hệ thống sông Đồng Nai có 3 tàu chưa đăng ký và 12 tàu chưa đăng kiểm. Huyện Đơn Dương cũng là huyện có số lượng tàu thuyền nhiều với 9 tàu, nhưng cũng chỉ 2 tàu có đăng ký, đăng kiểm. Riêng tại địa bàn thành phố Đà Lạt, hiện có 8 ca nô hoạt động ở hồ Xuân Hương và Thung lũng Tình Yêu; 57 tàu chở khách du lịch ở hồ Tuyền Lâm. Tất cả số này đều phục vụ chở khách du lịch và đều có đăng ký và đăng kiểm.
Từ đầu năm đến nay, đã phát hiện, xử phạt 11 trường hợp vi phạm, thu phạt 26,25 triệu đồng, phần lớn là các phương tiện hoạt động ở Cát Tiên và Lạc Dương, trong đó tạm giữ 1 tàu khai thác cát (Cát Tiên), 1 thuyền (Lạc Dương). Song song với việc xử phạt, tạm giữ tàu, lực lượng CSGT cũng đã cho các doanh nghiệp, lái thuyền ký cam kết chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Để tăng cường đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, Phòng CSGT thời gian qua cũng đã tổ chức nhiều đợt trao tặng áo phao, phao cứu sinh cho các chủ tàu tham gia chở khách tại các bến đò trên địa bàn các huyện. Lãnh đạo Phòng CSGT cho biết, thời gian tới, sẽ tăng cường hơn nữa công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, cương quyết đình chỉ và xử lý nghiêm các phương tiện hoạt động không đảm bảo an toàn kỹ thuật, phương tiện chở khách không trang bị đủ áo phao, bến tàu ngang sông không đủ điều kiện an toàn, hoạt động trái phép. Riêng tại những điểm nóng về an toàn giao thông đường thủy như ở khu vực sông Đồng Nai, hiện Phòng cũng đang được đầu tư kinh phí xây dựng bến thuyền để bố trí lực lượng túc trực, nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường thủy khu vực điểm nóng này một cách tốt nhất.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn toàn tỉnh, ngoài nỗ lực của lực lượng CSGT cần có sự vào cuộc tích cực của công an, chính quyền địa phương từ huyện, thành đến xã, phường nơi có các phương tiện đường thủy hoạt động, đặc biệt trong mùa mưa, lũ đang đến.
NGUYỄN NGHĨA