Theo chân các chiến sỹ cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn

05:05, 27/05/2020

Từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội đã được tạm dừng để ưu tiên hàng đầu cho các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19...

Từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội đã được tạm dừng để ưu tiên hàng đầu cho các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày, vì vậy nhu cầu và mật độ giao thông trong thời gian trên giảm rõ rệt. Tuy nhiên, ngay sau khi các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 được nới lỏng, người tham gia giao thông lại cho thấy khá chủ quan, nhất là việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100. Một bộ phận người dân sau khi sử dụng rượu bia vẫn điều khiển phương tiện. 
 
Các chiến sỹ cảnh sát giao thông Công an tỉnh đo nồng độ cồn
Các chiến sỹ cảnh sát giao thông Công an tỉnh đo nồng độ cồn
 
Vào đúng 8 giờ tối ngày cuối tuần thuộc trung tuần tháng 5, các chiến sỹ Công an Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh được giao nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện trên tuyến Quốc lộ 20, đoạn qua địa bàn Phường 10, thành phố Đà Lạt. Tổ công tác được phân công đứng cố định ở tuyến đường với mật độ giao thông khá đông đúc. Cùng thời điểm, tại các địa phương như Đà Lạt, các huyện, thành phố cũng đồng loạt tổ chức ra quân kiểm tra nồng độ cồn và các phương tiện giao thông. 
 
Chúng tôi theo chân các chiến sỹ cảnh sát giao thông của tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ, tổ công tác đã kiểm tra, xử phạt nhiều trường hợp tài xế đã sử dụng rượu, bia nhưng vẫn lái xe tham gia giao thông.
 
Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, từ ngày 16 đến ngày 21/5, trên địa bàn toàn tỉnh, lực lượng cảnh sát giao thông đã dừng và kiểm soát 3.623 phương tiện các loại, phát hiện có 1.575 phương tiện vi phạm, trong đó có 79 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 2 trường hợp lái xe sử dụng ma túy. Lực lượng chức năng đã tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 29 trường hợp, tạm giữ 88 phương tiện.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong quá trình thực hiện kế hoạch kiểm tra, tổ công tác của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh không chỉ gặp những trường hợp lái xe ô tô, xe gắn máy say xỉn, có trường hợp khi đo nồng độ cồn lên rất cao với mức xử phạt hơn 30 triệu đồng, bị giam giấy phép lái xe đến 24 tháng. Đáng chú ý, vẫn còn một số trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức công tác ở một số đơn vị cũng chưa gương mẫu và vi phạm Luật, Nghị định 100. Một số trường hợp người dân trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.

Tại tuyến đường Trần Phú (Đà Lạt), chúng tôi theo chân các chiến sỹ cảnh sát giao thông Công an thành phố Đà Lạt. 8 giờ tối ngày thứ Tư trung tuần tháng 5, không phải cuối tuần nên đường phố khá vắng vẻ, thỉnh thoảng mới thấy có xe biển số ngoại tỉnh của khách du lịch lưu thông trên đường. Suốt gần 1 giờ tổ chức đo nồng độ cồn, hầu hết các tài xế được kiểm tra đều không phát hiện vi phạm nồng độ cồn. Một chiến sỹ trong tổ công tác tỏ ra khá vui mừng nhận định: “Người Đà Lạt sau những ngày cách ly vì dịch COVID-19 có vẻ chấp hành và ý thức khá tốt”. Tuy nhiên, khi đồng hồ bắt đầu chuyển sang gần khuya, khoảng sau 9 giờ tối, thì sự vui mừng dần tan biến khi tổ công tác liên tục phát hiện những trường hợp sử dụng cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. Có trường hợp khi xuống xe chân nọ đá chân kia, dáng đi liêu xiêu, có trường hợp thì vừa nhìn thấy cảnh sát giao thông tổ chức đo nồng độ cồn liền tấp xe vào hẻm trốn. 
 
Cá biệt có trường hợp say xỉn, mặc dù được nhắc nhở không cần xuống xe thổi vào ống thở, nhưng do đã uống rượu bia nên vẫn nằng nặc tự ý xuống xe, sau đó “lầy lội” ngồi ì bên vệ đường thật lâu mới chịu thổi vào ống thở đo nồng độ cồn. Những trường hợp như vậy, thông thường các chiến sỹ cảnh sát giao thông cũng không quá câu nệ, cứng nhắc trong việc xử lý mà tỏ ra khá mềm mỏng cho họ thời gian bình tĩnh sau đó mới tiến hành đo nồng độ cồn để xử lý theo quy định. Điều đáng nói nữa đó là, rất nhiều trường hợp khi đo có nồng độ cồn trong người còn chở khá đông người trên xe rất nguy hiểm. 
 
Theo Trung tá Đoàn Mạnh Toàn - Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, việc lực lượng cảnh sát giao thông tiếp tục duy trì tổ công tác để xử lý vi phạm, sử dụng các biện pháp đồng bộ để kiểm tra các phương tiện, tài xế là nhằm tuyên truyền nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nói riêng và Luật Giao thông đường bộ nói chung. Thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục tổ chức kiểm tra thường xuyên và sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn cũng như tổng kiểm tra các phương tiện giao thông, nhằm nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Luật Giao thông đường bộ để giảm tải đến mức thấp nhất nhưng vụ tai nạn giao thông trong thời gian tới.
 
NGUYỄN NGHĨA