Cần xử lý nghiêm việc đưa thông tin sai lệch về chính sách BHXH, BHYT trên mạng xã hội

04:08, 21/08/2020

Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện một số thông tin sai lệch về các chính sách BHXH, BHYT do một số cá nhân, tổ chức cố tình tung tin, nhằm gây hoang mang dư luận, gây tâm lý lo lắng, bất an đối với công nhân lao động nên cần phải xử lý nghiêm. 

Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện một số thông tin sai lệch về các chính sách BHXH, BHYT do một số cá nhân, tổ chức cố tình tung tin, nhằm gây hoang mang dư luận, gây tâm lý lo lắng, bất an đối với công nhân lao động (CNLĐ) nên cần phải xử lý nghiêm. 
 
Một bảng thông tin sai lệch được chia sẻ trên mạng xã hội
Một bảng thông tin sai lệch được chia sẻ trên mạng xã hội
 
Trên nhiều trang mạng xã hội thời gian gần đây xuất hiện một số thông tin sai lệch, trong đó, có một số nội dung nhắm vào việc xúi giục CNLĐ đi lĩnh trợ cấp bảo hiểm một lần hay so sánh giữa BHXH và bảo hiểm thương mại... gây tâm lý lo lắng, bất an cho nhiều CNLĐ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công việc sản xuất và an ninh kinh tế. Không chỉ đưa ra thông tin sai sự thật, cách lập luận của các tổ chức, cá nhân khi đưa ra những thông tin sai lệch này còn cố tình dẫn dắt, kích động dư luận thiếu thông tin hiểu sai về khái niệm “an sinh xã hội”.
 
Trên thực tế, bất cứ NLĐ nào khi tham gia BHXH, ngoài chế độ hưu trí và thẻ BHYT trọn đời thì còn được hưởng nhiều quyền lợi khác. Chẳng hạn như nếu chẳng may qua đời, thì ngoài 10 tháng lương cơ sở tiền mai táng phí thì thân nhân NLĐ còn được hưởng tuất một lần hoặc thêm lựa chọn tuất tháng trong trường hợp NLĐ tham gia từ 15 năm trở lên. Vì vậy nên việc xúi giục NLĐ đi lĩnh trợ cấp một lần chính là khiến họ vội vàng tước đi quyền lợi được đảm bảo an sinh tương lai của chính bản thân; thấy cái lợi trước mắt nhưng thiệt hại lâu dài.
 
Bên cạnh đó, BHXH là loại hình phi lợi nhuận, là chính sách an sinh xã hội của Nhà nước và được Nhà nước bảo hộ, nhằm đảm bảo lợi ích chung cho tất cả mọi người tham gia; còn bảo hiểm thương mại là hình thức kinh doanh sinh lời. Chính vì vậy, việc một số trang mạng đem so sánh giữa chính sách BHXH, BHYT của Nhà nước với bảo hiểm thương mại (bao gồm cả bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ) có rất nhiều các gói dịch vụ đa dạng khác nhau là nhằm đánh tráo khái niệm, hạ thấp giá trị của BHXH, BHYT. Từ so sánh này sẽ cho thấy chế độ lương hưu của BHXH đã bị bóp méo, thông tin sai lệch hoàn toàn.
 
Cụ thể, chính sách BHXH, BHYT do BHXH Việt Nam thực hiện với chế độ hưu trí, NLĐ ngoài lương hưu được nhận hàng tháng với mức tăng hàng năm theo lương cơ sở thì còn được cấp thẻ BHYT miễn phí với mức chi trả lên tới 95%; các chi phí khi ốm đau bệnh tật cũng đều được thanh toán khi đi khám chữa bệnh dùng thẻ BHYT.
 
Trên thực tế, nhiều bệnh nhân bị tai nạn nghiêm trọng hay mắc các bệnh hiểm nghèo đã được Quỹ BHYT chi trả lên đến nhiều tỷ đồng chứ không phải 40 lần lương cơ sở như bảng so sánh trên các trang mạng xã hội đưa ra. 
 
Ví dụ như trường hợp bệnh nhân có mã thẻ HT279793186XXXX (BHXH Thành phố Hồ Chí Minh phát hành), quyền lợi hưởng BHYT 100%, KCB ban đầu tại Bệnh viện 30/4 đã điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ ngày 12/7/2019 đến ngày 26/8/2019 với chẩn đoán Sốc (choáng) nhiễm khuẩn. Tổng chi phí KCB BHYT của bệnh nhân này là 2,02 tỷ đồng, trong đó: Chi phí thuốc 897,5 triệu đồng có một số thuốc chi phí cao như kháng sinh Colistimetato 102,5 triệu đồng, Meronem 79,9 triệu đồng, Cancidas 65,3 triệu đồng; chi phí vật tư y tế 678,4 triệu đồng gồm bộ kít thu nhận tiểu cầu túi đôi 57,4 triệu đồng, bộ quả lọc máu liên tục Prismaflex 51 triệu đồng, chi phí máu 175,9 triệu đồng…
 
Ngoài ra, nếu người tham gia BHXH chẳng may qua đời sẽ được nhận tiền mai táng phí và tiền tuất, trong đó, riêng tiền mai táng phí là 10 lần lương cơ sở tại thời điểm qua đời chứ không phải 3-5 triệu đồng như trong bảng so sánh được chia sẻ trên một số trang mạng thời gian gần đây. Và quan trọng hơn, đằng sau mỗi quy định, chính sách BHXH, BHYT còn có giá trị nhân văn được tính toán cân nhắc nhằm mang lại lợi ích lâu dài, bền vững cho đông đảo người tham gia, chứ không chỉ là những con số nhiều ít.
 
Liên quan trực tiếp tới vấn đề này, tại điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP cũng quy định rõ mức xử phạt đối với hành vi “Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội”. Theo đó, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
 
Tại các địa phương, hệ thống tư vấn của cơ quan BHXH luôn sẵn sàng giải đáp các thắc mắc của người dân được gửi đến trên Cổng thông tin điện tử, số điện thoại tổng đài hay cả trên Fanpage Facebook, Zalo… Vì vậy, đối với người dùng mạng xã hội nói riêng và mỗi người dân nói chung, khi tiếp cận thông tin cần tham khảo từ nhiều nguồn, đặc biệt là từ các nguồn tin chính thống. Đồng thời, tránh chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, cũng như kịp thời thông tin cho cơ quan chức năng những phát ngôn, thông tin kích động, sai sự thật. 
 
N.MINH