(LĐ online) - Sáng 28/8, Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đã làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm cùng các ngành chức năng địa phương để làm rõ những vấn đề liên quan đến vụ việc 159 lóng gỗ thông chôn lấp dưới hố sâu tại Tiểu khu 443 (xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm); đồng thời, làm rõ những sai phạm xảy ra tại Dự án trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng và sản xuất nông lâm kết hợp của Công ty TNHH An Phú Nông.
(LĐ online) - Sáng 28/8, Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đã làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm cùng các ngành chức năng địa phương để làm rõ những vấn đề liên quan đến vụ việc 159 lóng gỗ thông chôn lấp dưới hố sâu tại Tiểu khu 443 (xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm); đồng thời, làm rõ những sai phạm xảy ra tại Dự án trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng và sản xuất nông lâm kết hợp của Công ty TNHH An Phú Nông.
|
Cơ quan chức năng kiểm đếm số gỗ thông chôn lấp dưới đất |
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm, sau khi nhận được thông phản ánh của người dân, ngày 17/8, Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm phối hợp cùng Công an huyện và các ngành chức năng địa phương đã tiến hành đào số gỗ thông 3 lá chôn lấp dưới hố sâu thuộc khoảnh 11, Tiểu khu 443 (xã Lộc Phú). Địa điểm chôn lấp số gỗ thông nói trên thuộc lâm phần quản lý, bảo vệ của Công ty An Phú Nông. Diện tích đất này được Công ty An Phú Nông hợp đồng đầu tư trồng rừng, bảo vệ rừng và sản xuất nông nghiệp với ông Lày Quang Dẩu (42 tuổi, ngụ tại xã Tân Lâm, huyện Di Linh), với tổng diện tích 20 ha; trong đó, có 5 ha sản xuất nông lâm kết hợp và 15 ha quản lý bảo vệ rừng.
Theo ghi nhận tại hiện trường, thời điểm cơ quan chức năng đào số gỗ thông chôn lấp dưới đất cho thấy khu vực này có diện tích khoảng 2 ha và toàn bộ đã trồng cà phê hơn 1 năm tuổi. Ngoài ra, cà phê còn được trồng xanh tốt với diện tích rộng lớn dưới tán rừng thông bên cạnh. Toàn bộ số gỗ thông được chôn lấp trong một hố sâu gần 2m và có đường kính rộng khoảng 40 m.
Qua đo đạc, kiểm đếm, có tổng cộng 132 lóng gỗ thông 3 lá được đào lên, với khối lượng 13,103 m
3. Toàn bộ số gỗ thông này đều trong tình trạng bị mục và cháy khô.
Đến ngày 22/8, cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm tiếp tục phát hiện và đào thêm 2 hố bên cạnh, thu thêm 27 lóng gỗ thông, với khối lượng 2,366 m
3. Tổng 2 đợt là 159 lóng gỗ thông, với khối lượng 15,4 m
3.
|
Số lóng thông được đào lên tại khoảnh 11, Tiểu khu 443 xã Lộc Phú |
Ông Nguyễn Tài Tú – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm, cho biết: “Qua xác minh ban đầu, tại vị trí chôn lấp số gỗ thông nói trên đã từng được đơn vị phát hiện xảy ra tình trạng phá rừng vào ngày 16/4/2019. Thời điểm đó, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp cùng chủ rừng là Công ty An Phú Nông kiểm tra số gỗ thông bị cưa hạ và diện tích đất rừng bị phá để phục vụ công tác điều tra truy tìm đối tượng phá rừng. Theo đó, tại vị trí này có tổng cộng 53 cây thông 3 lá bị cưa hạ, với tổng khối lượng 15,164 m
3 trên diện tích 4.260 m
2. Toàn bộ số gỗ thông này đều bị cưa hạ sau khi đã bị ken gốc đổ hóa chất. Trong quá trình Hạt Kiểm lâm huyện đang phối hợp cùng cơ quan chức năng và Công Ty An Phú Nông tiến hành xác minh, điều tra làm rõ đối tượng phá rừng thông nói trên thì nhận được tin báo về vụ việc số gỗ thông bị chôn lấp phi tang dưới đất”.
Được biết, năm 2011, Công ty TNHH An Phú Nông được UBND Lâm Đồng giao quản lý, bảo vệ hơn 140 ha rừng và đất lâm nghiệp thuộc địa bàn xã Lộc Phú (huyện Bảo Lâm). Trong đó, có khoảng hơn 80 ha đất sản xuất nông lâm kết hợp. Trong quá trình triển khai Dự án, Công ty An Phú Nông hợp đồng để nhiều người thuê đất hợp tác đầu tư trồng rừng, bảo vệ rừng và sản xuất nông lâm kết hợp trên diện tích của Dự án. Bà Bùi Thị An – Giám đốc Công ty An Phú Nông, cho biết: “Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án, Công ty đã hợp tác với nhiều người dân. Ngoài diện tích rừng quản lý, bảo vệ thì 80 ha đất sản xuất nông lâm kết hợp được Công ty hợp đồng với người dân để trồng rừng và trồng xen các loại cây nông nghiệp như cà phê, khoai lang, chanh dây và cây tiêu. Theo điều khoản của hợp đồng hợp tác giữa Công ty và người dân, thì người dân không được quyền chuyển nhượng, thế chấp, tặng cho, cầm cố, cho thuê trên diện tích hợp tác với Công ty. Tuy nhiện, trong thời gian qua, nhiều diện tích rừng, đất lâm nghiệp của Công ty đã bị lấn chiếm. Riêng tại Tiểu khu 443 mà Công ty hợp đồng với ông Lày Quang Dẫu là 20 ha (15 ha rừng và 5 ha đất nông lâm, kết hợp). Trong 15 ha rừng, đã bị lấn chiếm trồng cà phê mất 5ha. Trong thời gian qua, Công ty đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm và các ngành chức năng huyện Bảo Lâm tiến hành giải tỏa đất rừng bị lấn chiếm. Tuy nhiên, đến nay vẫn bị tái lấn chiếm trở lại”.
Trao đổi về vụ việc, Công an huyện Bảo Lâm cho biết: Hiện tại, Công an huyện đang tập trung phối hợp cùng Hạt Kiểm lâm, các ngành chức năng và các địa phương điều tra, xác minh làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến vụ việc này. Cơ quan công an và Hạt Kiểm lâm sẽ rà soát lại toàn bộ quá trình thực hiện Dự án của Công ty An Phú Nông từ năm 2011 đến nay để làm rõ những vấn đề bất cập. Điều ra, làm rõ các đối tượng liên quan đến vụ việc phá rừng, cưa hạ, chôn lấp số lượng gỗ thông xảy ra tại Tiểu khu 443 (xã Lộc Phú); đồng thời, mở rộng điều tra, xác minh (có hay không) việc chôn lấp gỗ tại các vị trí khác trong toàn phạm vi Dự án của Công ty An Phú Nông. Cùng với đó, Công an huyện cũng sẽ làm rõ các vấn đề liên quan để thu thập chứng cứ về việc mua bán, sang nhượng đất trên Dự án của Công ty An Phú Nông. Sau khi hoàn tất công tác điều tra, xác minh, Công an huyện sẽ có báo cáo gửi UBND huyện Bảo Lâm, UBND tỉnh Lâm Đồng và Công an tỉnh Lâm Đồng để có hướng xử lý theo quy định của pháp luật.
|
Một lóng thông có đường kính trên 0,5 m bị chôn lấp được cơ quan chức năng đào lên |
|
Tại vị trí chôn lấp thông, cà phê được trồng xanh tốt |
HẢI ĐƯỜNG