Việc thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể; qua đó, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Việc thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể; qua đó, đạt được nhiều kết quả tích cực.
|
Tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 |
Theo báo cáo của các ngành chức năng, đến cuối năm 2019 có 158 trẻ em trên địa bàn tỉnh bị xâm hại; trong đó, trẻ chủ yếu bị xâm hại tình dục với 114 trường hợp, ở độ tuổi từ 13-16 tuổi, đa phần là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trước tiên là do đặc điểm về tâm sinh lý của trẻ em, sự bồng bột thiếu suy nghĩ; trình độ nhận thức của các em còn nhiều hạn chế, thiếu kiến thức về phát luật, kiến thức về giới tính. Mặt khác, về phía gia đình là do cha mẹ ít quan tâm, buông lỏng quản lý, chưa giáo dục thường xuyên về đạo đức, lối sống cho trẻ; thiếu kiến thức và phương pháp giáo dục về giới tính và hướng dẫn trẻ cách phòng ngừa, dẫn đến tình trạng các em dễ bị rủ rê, hoặc bị ép buộc vào các hành vi phạm tội ngoài ý muốn. Về phía xã hội, đó là do công tác quản lý các loại hình dịch vụ, băng đĩa hình, văn hóa phẩm đồi trụy thiếu chặt chẽ; tác động của mặt trái internet, đặc biệt là mạng xã hội với các trò chơi điện tử mang tính chất cổ vũ cho bạo lực và các hành vi đồi trụy đã tác động không nhỏ đến trẻ em, trong đó có học sinh, sinh viên...
Xác định công tác phòng, chống xâm hại trẻ em là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo đồng bộ nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như các kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, vận dụng đồng bộ và phát huy hiệu quả cao nhất các kênh truyền thông, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm truyền thông phù hợp với các nhóm đối tượng, nhất là các nhóm đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đối với việc phòng, chống xâm hại, ngược đãi và bạo hành trẻ em, tôn trọng và bảo đảm quyền trẻ em. Từ năm 2015 đến nay đã đạt được những kết quả tích cực. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều tổ chức phát động tháng hành động vì trẻ em theo từng chủ đề như: Năm 2015 có chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói”, 2016 với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em”, chủ đề của năm 2017 “Triển khai Luật Trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em”, chủ đề 2018 được chọn là “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”, năm 2019 với chủ đề là “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số”. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên Lâm Đồng không tổ chức lễ phát động tháng hành động vì trẻ em. Tuy nhiên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng có văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “Chung tay hành động vì trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em” với nhiều hoạt động thiết thực và cụ thể.
Cũng từ năm 2015 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức được nhiều lớp tập huấn trực tiếp cho cán bộ cấp huyện, cấp xã làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, với hơn 1.500 người tham gia; các ngành chức năng đã tích cực in ấn tài liệu tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới... Tại 12 huyện, thành phố và 147 xã, phường, thị trấn đã chủ động tập huấn nâng cao năng lực với 146 lớp cho gần 8.000 cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và đội ngũ tình nguyện viên tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Cùng với đó, hàng năm, Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tư pháp tổ chức các đợt tập huấn, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; phòng, chống ma túy; phòng chống xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống mua bán người và phòng, chống ma túy cho hàng ngàn học sinh trung học phổ thông các trường trên địa bàn các huyện, thành phố, với mục đích tuyên truyền nâng cao nhận thức và kiến thức pháp luật (Luật Trẻ em, Luật Bình đẳng giới...), kỹ năng sống cho học sinh và đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường phổ thông. Đồng thời, tuyên truyền trong nhà trường về phòng, chống tội phạm; phòng, chống vi phạm pháp luật; phòng, chống xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường và bồi dưỡng kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho học sinh.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, thời gian tới, các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giới, tình dục, quyền của phụ nữ và trẻ em một cách sâu rộng; đấu tranh phòng, chống các hành vi bạo lực trong gia đình, hành vi xâm hại trẻ em. Mặt khác, cần giáo dục trẻ em ý thức cảnh giác, tự phòng ngừa các hành vi xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em và hỗ trợ tư vấn pháp lý khi cần thiết. Khi bị xâm hại, nạn nhân và gia đình phải báo ngay cho cơ quan công an để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời, tránh để lọt tội phạm. Ngoài ra, tổ chức, thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ, tư vấn giúp đỡ trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục, hỗ trợ bảo đảm an toàn. Xây dựng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại trẻ em; xử lý nghiêm các trường hợp xâm hại trẻ em, cá nhân che giấu, không thông báo, tố cáo vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em...
NHẬT MINH