Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống, cai nghiện ma túy

05:11, 25/11/2020

Công tác phòng chống ma túy nói chung, cai nghiện ma túy nói riêng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị...

[links()]

Các đối tượng tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy bị công an tỉnh bắt giữ
Các đối tượng tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy bị công an tỉnh bắt giữ
 
Công tác phòng chống ma túy nói chung, cai nghiện ma túy nói riêng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Thời gian qua, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, đề án, chương trình, kế hoạch, các văn bản chỉ đạo trong công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy, đặc biệt là cai nghiện ma túy tại cộng đồng và gia đình. Qua đó, người nghiện ma túy được cai nghiện dưới sự giúp đỡ của chính quyền cơ sở và sự hỗ trợ của các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ công tác cai nghiện ma túy và Đội công tác xã hội tình nguyện tại các xã, phường, thị trấn… Tuy nhiên phải khẳng định rằng hiệu quả cai nghiện đạt được chưa cao.
 
Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 6/2020, toàn tỉnh có 131 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy thành lập Tổ công tác cai nghiện và tổ chức hoạt động, với 655 người tham gia. Tỉnh đã quản lý và giúp đỡ, hỗ trợ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 533 người. Các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, đội công tác xã hội tình nguyện tại cơ sở đã phối hợp, vận động, giúp đỡ cho 203 người nghiện tiếp cận với các nghề đơn giản, 79 người được hỗ trợ giúp đỡ về việc làm, 71 người được cấp giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cai nghiện ma túy. Tuy nhiên, điều đáng buồn là không có người nghiện nào khai báo đăng ký cai nghiện tự nguyện với chính quyền xã, phường mà chủ yếu tự cai nghiện tại gia đình và được sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức tại cộng đồng.
 
Ai cũng hiểu rằng, một trong những mục đích của việc cai nghiện tại cộng đồng là để người nghiện được ở gần gia đình, người thân và nhận được sự quan tâm, động viên thường xuyên. Tuy nhiên, việc cai nghiện tại cộng đồng, gia đình lại đang bộc lộc rất nhiều hạn chế, kém hiệu quả so với cai nghiện tại các trung tâm. 
 
Phường 3 là một địa phương được đánh giá làm khá tốt công tác tổ chức và hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng và gia đình. Công tác tổ chức tuyên truyền phòng chống và cai nghiện ma túy được thực hiện bằng nhiều hình thức khá đa dạng, phong phú và thiết thực. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng thiếu và yếu là vấn đề lớn gây ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác này. Thêm nữa, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực hiện các biện pháp hỗ trợ can thiệp về y tế như cắt cơn, giải độc; chỉ chủ yếu thực hiện việc hỗ trợ khám, chữa bệnh, xét nghiệm tại cộng đồng nên thực tế hiệu quả chưa đạt như mong đợi. Chính vì vậy mà công tác quản lý, hỗ trợ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chủ yếu mới tập trung vào các can thiệp hỗ trợ về tâm lý, xã hội, dựa vào cộng đồng để làm thay đổi nhận thức và hành vi của người nghiện, còn việc thành lập các cơ sở cắt cơn cai nghiện ban đầu ở địa phương do thiếu về cơ sở vật chất, nhân sự, y tế và cả kinh phí nên không thể thực hiện được. 
 
Ma túy tổng hợp hiện được các đối tượng thanh, thiếu niên sử dụng ngày càng nhiều
Ma túy tổng hợp hiện được các đối tượng thanh, thiếu niên sử dụng ngày càng nhiều
 
Ngoài những lý do trên, thực tế cho thấy ở một số địa phương, chính quyền cơ sở vẫn chưa thật sự quan tâm chỉ đạo đúng mức đối với công tác đấu tranh phòng, chống ma túy. Chính vì vậy nên sự phối hợp giữa các ngành, các cấp thiếu chặt chẽ, chưa hết trách nhiệm được phân công, còn ỷ lại cho ngành công an. Sự phối kết hợp trao đổi thông tin đấu tranh phòng chống ma túy giữa các đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh cũng còn hạn chế, từ đó số đối tượng lưu động, số đối tượng ở địa phương khác đến Lâm Đồng còn bị bỏ sót, chưa nắm bắt kịp thời nên việc quản lý còn lúng túng. Công tác quản lý, đối sách với số người nghiện ma túy cũng còn nhiều hạn chế, chưa có giải pháp cụ thể với số người nghiện ma túy có biểu hiện "ngáo đá". Việc rà soát, phát hiện số người nghiện vẫn còn chưa triệt để, nhất là số thanh, thiếu niên sử dụng trái phép ma túy tổng hợp. 
 
Theo số liệu của Công an tỉnh đến tháng 8/2020, toàn tỉnh có 2.679 người nghiện ma túy nhưng số người nghiện có hồ sơ quản lý đang cai nghiện tập trung tại các cơ sở điều trị nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh chỉ là 264 người; số người nghiện đang bị tạm giữ là 211 người; số người nghiện ngoài xã hội lên đến 2.204 người. Đây là một con số rất lớn nhưng công tác cai nghiện tại cộng đồng và gia đình lại bộc lộ quá nhiều hạn chế là áp lực lớn đối với công tác phòng chống ma túy nói chung, cai nghiện ma túy nói riêng.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hợp - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, mặc dù thời gian qua, tỉnh cũng như địa phương, các cấp ngành liên quan đã có rất nhiều nỗ lực, tuy nhiên công tác tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; nếu chỉ dựa vào sự nhiệt tình của gia đình và xã hội thì chưa đủ. Môi trường cộng đồng hiện cũng còn nhiều phức tạp, không đảm bảo tốt các điều kiện thuận lợi để người nghiện ngưng tiếp xúc, ngưng sử dụng ma túy và tiến đến cai nghiện thành công.
 
Cả tỉnh hiện chỉ mới có 2 cơ sở và điểm cấp phát thuốc Methadone nên bệnh nhân cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại uống thuốc hàng ngày, đặc biệt là bệnh nhân ở xa nên tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị còn cao.

Bàn về công tác cai nghiện ma túy thời gian qua tại một số hội nghị, cuộc họp, thì đa phần lãnh đạo địa phương cũng như lãnh đạo các sở, ngành liên quan đều có chung ý kiến rằng, trong khi cai nghiện ma túy tại công đồng, gia đình chưa đạt hiệu quả bởi rất nhiều lý do thì một số quy định của pháp luật về cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy hiện nay cũng bộc lộ nhiều hạn chế, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn. Các quy định của pháp luật hiện hành về biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện ma túy, tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng không khả thi. Trong khi đó hầu hết người nghiện ma túy chưa tự giác, không hợp tác với lực lượng chức năng và cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Một số thiếu quyết tâm cai nghiện, nhận thức còn hạn chế nên công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện hiện nay là cực kỳ khó khăn. Trong khi đó, đối tượng, trình tự, thủ tục, hồ sơ áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc còn chồng chéo, phức tạp, mất thời gian dài; các chính sách ưu đãi đặc thù đối với người làm công tác cai nghiện và các chính sách, dịch vụ hỗ trợ sau cai nghiện thiếu và không hiệu quả.

 
Thực tế cho thấy, cai nghiện ma túy là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các biện pháp can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý xã hội và pháp luật làm thay đổi nhận thức, hành vi. Vì vậy, những khó khăn, vướng mắc trong công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng cần phải sớm được được tháo gỡ. Bên cạnh đó, rất cần các cấp chính quyền có nhận thức đúng, quyết liệt hơn trong công tác lãnh chỉ đạo, bố trí nguồn lực, kinh phí phù hợp để công tác này thực hiện đạt hiệu quả. Và, tất nhiên rất cần sự quyết tâm, đồng lòng chung tay của gia đình, cộng đồng xã hội, ngoài việc tuyên truyền, động viên người cai nghiện còn cần sự thấu hiểu, cùng nâng cao nhận thức, xoá bỏ định kiến để giúp đỡ người cai nghiện, người sau cai nghiện có nghị lực và quyết tâm cai nghiện, hoà nhập cộng đồng tốt nhất. Có như vậy thì công tác phòng chống ma túy nói chung, cai nghiện ma túy nói riêng mới đạt được hiệu quả như mong muốn.
 
NGUYỄN NGHĨA