Cánh rừng bạch tùng trăm tuổi bị "xẻ thịt"

07:12, 04/12/2020

Hàng loạt cây bạch tùng trên trăm năm tuổi tại cánh rừng tự nhiên nằm ở Tiểu khu 249, xã Đạ Đờn bị các đối tượng cưa hạ trái pháp luật trong thời gian dài, khi chủ rừng phát hiện thì cả cánh rừng đã tan nát. 

Hàng loạt cây bạch tùng trên trăm năm tuổi tại cánh rừng tự nhiên nằm ở Tiểu khu 249, xã Đạ Đờn bị các đối tượng cưa hạ trái pháp luật trong thời gian dài, khi chủ rừng phát hiện thì cả cánh rừng đã tan nát. 
 
Hiện trường phá rừng tại Tiểu khu 249, xã Đạ Đờn
Hiện trường phá rừng tại Tiểu khu 249, xã Đạ Đờn
 
Từ nguồn tin của quần chúng, một ngày thượng tuần tháng 11/2020, chúng tôi đã có mặt tại Khoảnh 2, Tiểu khu 249, lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ (Ban QLRPH) Lâm Hà quản lý (địa giới hành chính nằm trên địa bàn xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng). Tại đây, đúng như nguồn tin báo, hàng loạt cây bạch tùng cổ thụ, một số cây đường kính gốc tới 2 vòng ôm của người lớn đã bị “lâm tặc” cưa hạ, xẻ thành phách đưa ra khỏi rừng, hiện trường vẫn còn ngổn ngang ván gỗ bìa. 
 
Theo quan sát, cây rừng ở đây bị cưa hạ, “xẻ thịt” để lấy gỗ trong thời gian dài, hiện trường để lại nhiều gốc cây đã khô mục, xen lẫn trong số này là nhiều gốc bạch tùng vừa mới cưa hạ vết cắt vẫn còn ứa nhựa, lá, cành vẫn còn xanh. Những cây bạch tùng bị cưa hạ trái pháp luật trên nằm rải rác trong một diện tích khá rộng, mỗi cây nằm cách nhau từ 10 đến 50 m. Hầu hết số cây rừng bị cưa hạ tại đây có đường kính gốc từ 60-100 cm, cao vút ngọn từ 30-50 m. Có thể nói, đây là khu vực tập trung, là quần thể bạch tùng tự nhiên cổ thụ còn sót lại tại tiểu khu này. 
 
Để lên được khu vực rừng bị tàn phá, theo hướng dẫn của người dân thôn R’Hang Trụ (xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà), chúng tôi phải di chuyển bằng xe gắn máy từ đường dân sinh ngược lên ngọn đồi cao khoảng 3 km. Sau đó, băng qua một cánh rừng thông trồng, rồi tiếp tục cuốc bộ khoảng hơn 1 km men theo con đường mòn nhỏ, hẹp với những con dốc cao được các đối tượng phá rừng “khai mở” để vận chuyển gỗ trái phép. Con đường này hướng về Thôn 5, xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà, xuyên qua cánh rừng nguyên sinh để tiếp cận hiện trường vụ phá rừng.
 
Một cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà cho biết: Ngày 17/11, kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Đạ Đờn kiểm tra lô b2, Khoảnh 2, Tiểu khu 249, xã Đạ Đờn thuộc lâm phần do Ban QLRPH Lâm Hà quản lý thì phát hiện vụ việc phá rừng. Kiểm tra hiện trường, đơn vị này xác định 11 cây gỗ thuộc nhóm IV, với tổng khối lượng lâm sản bị thiệt hại là trên 20 m 3. Trong đó, gồm có 4 cây gỗ de (khối lượng hơn 6,3 m3), 7 cây gỗ bạch tùng (khối lượng hơn 14 m 3). Điều đáng nói, có gần 17,6 m 3 gỗ đã được các đối tượng phá rừng đưa ra khỏi rừng, hiện trường chỉ còn lại hơn 2,8 m 3 gỗ, chủ yếu là phần váng bìa (vỏ) đã được xẻ.
 
Liên quan vụ việc, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản hỏa tốc, chỉ đạo Công an tỉnh, UBND huyện Lâm Hà cùng các sở, ngành liên quan vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm vụ khai thác rừng trái pháp luật tại Tiểu khu 249, xã Đạ Đờn. Theo đó, yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà chỉ đạo cơ quan Công an, Hạt Kiểm lâm khẩn trương xác minh, điều tra, làm rõ vụ việc, hoàn tất hồ sơ để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định… Tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan do thiếu trách nhiệm, không kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn để xảy ra vụ việc phá rừng.

 

Trong khi đó, ông Đồng Văn Tuyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà, cho biết: Sau khi được kiểm lâm địa bàn báo cáo vụ việc, tôi đã chỉ đạo anh em bình tĩnh, chưa “bứt dây động rừng”. Ngay ngày hôm sau, chúng tôi đã khoanh vùng đối tượng tình nghi và tiến hành kiểm tra, rà soát khu vực quanh khu dân cư và các vườn cà phê gần hiện trường vụ phá rừng để truy tìm dấu vết. Đến chiều 20/11, Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà kiểm tra khu vực vườn cà phê của ông Nguyễn Văn Tuyến (54 tuổi, trú thôn R’Hang Trụ) thì phát hiện 23 phách gỗ (khối lượng hơn 1,5 m 3 gỗ bạch tùng, gỗ nhóm IV) cùng chủng loại, chiều dài lóng gỗ bị cắt khúc tại hiện trường vụ phá rừng nói trên. Ông Đồng Văn Tuyên cũng xác nhận, ông Tuyến là Tổ trưởng Tổ nhận khoán bảo vệ rừng tại Tiểu khu 249, xã Đạ Đờn đã lâu.
 
Ngay sau khi phát hiện số gỗ bạch tùng tại vườn nhà ông Tuyến, Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà phối hợp với Công an huyện tiến hành lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số gỗ trên và lấy lời khai đối với ông Nguyễn Văn Tuyến. Tại cơ quan công an, bước đầu ông Tuyến khai nhận đã mua số gỗ trên của Bùi Minh Chí (38 tuổi, trú tại thôn R’Hang Trụ). Cùng với đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Lâm Hà nhanh chóng khoanh vùng, xác định 6 đối tượng tình nghi đã thực hiện hành vi khai thác rừng trái luật tại Tiểu khu 249, xã Đạ Đờn.
 
Tang vật gỗ bạch tùng phát hiện tại vườn cà phê nhà ông Nguyễn Văn Tuyến, Tổ trưởng Tổ nhận khoán bảo vệ rừng đang tạm giữ tại cơ quan chức năng
Tang vật gỗ bạch tùng phát hiện tại vườn cà phê nhà ông Nguyễn Văn Tuyến, Tổ trưởng Tổ nhận khoán bảo vệ rừng đang tạm giữ tại cơ quan chức năng
 
Trao đổi với các phóng viên, Đại tá Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng Công an huyện Lâm Hà, cho biết: Xác định vụ việc phá rừng này có tính chất phức tạp nên đơn vị đã khẩn trương phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện để điều tra truy tìm thủ phạm, xem số gỗ còn lại đã được đưa đi tiêu thụ ở đâu, ngay cả xem xét trách nhiệm của chủ rừng.
 
Đến thời điểm này, vụ việc đã được cơ quan chức năng huyện Lâm Hà khởi tố vụ án khai thác rừng trái pháp luật và đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với 3 nghi can, bao gồm: T.V.T; T.V.L và T.V.Th (cả 3 đều ngụ tại xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà) để điều tra, làm rõ hành vi cưa hạ rừng bạch tùng trăm tuổi. Đồng thời, tiếp tục truy bắt những nghi can còn lại để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Dù vậy, dư luận địa phương vẫn chưa hết bất bình bởi tình trạng phá rừng tại khu vực này xảy ra trong thời gian dài, người dân ai cũng biết chỉ có chủ rừng đến nay mới phát hiện?!. 
 
THỤY TRANG