Từ ngày 1/1/2021, mười một luật có hiệu lực thi hành, gồm: Bộ luật Lao động; Luật Chứng khoán; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Doanh nghiệp;...
Từ ngày 1/1/2021, mười một luật có hiệu lực thi hành, gồm: Bộ luật Lao động; Luật Chứng khoán; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Thanh niên; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Đầu tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
|
Bộ luật nới trần làm thêm giờ theo tháng từ 30 giờ/tháng lên 40 giờ/tháng cũng sẽ có hiệu lực. Ảnh minh họa |
Tăng tuổi nghỉ hưu
Với 17 chương, 220 điều, Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung theo lộ trình chậm. Cụ thể, tuổi nghỉ hưu chung trong điều kiện lao động bình thường, nam nghỉ hưu ở tuổi 62 (vào năm 2028) và nữ ở tuổi 60 (vào năm 2035) theo lộ trình mỗi năm tăng 4 tháng đối với nữ và mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam, bắt đầu từ năm 2021. Quyền nghỉ hưu sớm hơn và nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi.
Bên cạnh đó, Bộ luật nới trần làm thêm giờ theo tháng từ 30 giờ/tháng lên 40 giờ/tháng; bổ sung thêm 1 ngày nghỉ lễ liền kề trước hoặc sau ngày Quốc khánh 2/9; đảm bảo sự tự do giao kết hợp đồng lao động; Nhà nước chỉ ban hành mức lương tối thiểu, người sử dụng lao động tự quyết định chính sách tiền lương; bảo đảm bình đẳng giới; mở rộng sự bảo vệ đối với lao động chưa thành niên và sửa đổi các Luật liên quan.
Ngoài ra, hợp đồng lao động được giao kết theo 1 trong 2 hình thức: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn (hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực hợp đồng); hợp đồng lao động xác định thời hạn (hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng).
Đảm bảo an ninh, an toàn thị trường chứng khoán
Luật Chứng khoán gồm 10 chương, 135 điều; thay đổi phạm vi điều chỉnh; quy định các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn thị trường chứng khoán; quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán; chào bán chứng khoán ra công chúng; công ty đại chúng; thị trường giao dịch chứng khoán, đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán; công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; thanh tra, xử lý vi phạm.
Về việc thành lập của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, Luật quy định: Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Rút gọn lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư gồm 11 chương, 101 điều. Luật quy định việc rút gọn lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư, tập trung đầu tư 5 lĩnh vực thiết yếu: Giao thông vận tải; lưới điện, nhà máy điện; thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải; y tế, giáo dục-đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin.
Luật quy định rõ các hình thức lựa chọn nhà đầu tư được áp dụng trong đầu tư theo phương thức đối tác công tư, bao gồm: Đấu thầu rộng rãi; đàm phán cạnh tranh; chỉ định nhà đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.
Đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội tập trung làm rõ các nội dung liên quan đến đại biểu Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; bộ máy giúp việc của Đoàn đại biểu Quốc hội.
Theo đó, ngoài những tiêu chuẩn chung liên quan đến nội dung đại biểu Quốc hội, khoản 1a Điều 22 quy định: “Đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”. Đồng thời, Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2, điều 23: “Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là bốn mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội”.
Luật quy định hợp nhất Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh; là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương.
Bổ sung đối tượng không được phép thành lập doanh nghiệp
Luật Doanh nghiệp gồm 10 chương, 218 điều. Những cải cách quan trọng nhất của Luật bao gồm: Cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường; nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp, nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phát triển. Ngoài ra, luật góp phần nâng cao hiệu quả quản trị, hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu nhà nước; thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hoá nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh; tạo thuận lợi cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp.
Đáng chú ý, Luật Doanh nghiệp bổ sung thêm nhiều đối tượng không được phép thành lập, quản lý doanh nghiệp, như: Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam (trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp Nhà nước); tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
9 loại công trình được miễn giấy phép xây dựng
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng nhằm tiếp tục thể chế hoá Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân, doanh nghiệp; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Theo đó, Luật quy định có 9 trường hợp được miễn giấy phép xây dựng, như: Công trình bí mật nhà nước, công trình xây dựng khẩn cấp; công trình thuộc dự án sử dụng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị-xã hội, Chủ tịch UBND các cấp quyết định đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, các công trình xây dựng tạm theo quy định tại điều 131 của Luật; công trình sửa chữa, cải tạo bên trong công trình hoặc công trình sửa chữa, cải tạo mặt ngoài không tiếp giáp với đường đô thị... cũng được miễn giấy phép xây dựng.
Lần đầu tiên quy định Tháng Thanh niên
Luật Thanh niên gồm 7 chương, 41 điều; áp dụng với thanh niên; cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân.
Luật Thanh niên không quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của thanh niên mà quy định vai trò, trách nhiệm của thanh niên; nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; nguồn lực thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên.
Lần đầu tiên, Luật quy định về Tháng Thanh niên (vào tháng 3 hàng năm); đồng thời quy định cụ thể về các chính sách của nhà nước đối với thanh niên trong 6 nhóm lĩnh vực: Học tập và nghiên cứu khoa học; lao động, việc làm; khởi nghiệp; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; văn hóa, thể dục, thể thao; bảo vệ Tổ quốc.
Bảo mật thông tin hòa giải, đối thoại
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm 4 chương, 42 điều. Theo đó, điều 19 Luật quy định 7 trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước; vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội; đương sự đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần 2 mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia hòa giải, đối thoại được vì lý do chính đáng.
Đồng thời, trường hợp một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự; một trong các bên đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại; một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính; trường hợp khác theo quy định của pháp luật cũng không được tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Liên quan đến việc bảo mật thông tin hòa giải, đối thoại tại Tòa án, điều 4 nêu rõ, hòa giải viên, các bên, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại. Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định tại điều 31. Hòa giải viên, các bên chỉ được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép.
Thời hạn giám định tư pháp tối đa không quá 4 tháng
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung những nội dung cơ bản: Mở rộng phạm vi giám định tư pháp; bổ sung việc cấp, thu thẻ giám định viên tư pháp gắn với bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định tư pháp viên; thành lập thêm tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự; bổ sung cơ quan thuộc Chính phủ trong việc công nhận, đăng tải danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, kiểm toán nhà nước giới thiệu tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tư pháp.
Bên cạnh đó, luật bổ sung quyền được bảo vệ khi hoạt động giám sát, bố trí vị trí phù hợp khi tham dự phiên tòa của người giám định; quy định cụ thể hơn cơ chế thông tin, phối hợp giữa cơ quan trưng cầu và tổ chức được trưng cầu giám định tư pháp. Ngoài ra, luật quy định thời hạn giám định; sửa đổi quy định kết luận giám định theo hướng cụ thể; nâng cao trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, cơ quan tiến hành tố tụng đối với công tác giám định tư pháp.
Ngoài ra, thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp không thuộc giám định bắt buộc về tố tụng hình sự tối đa là 3 tháng. Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn tối đa là 4 tháng.
Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Luật Đầu tư gồm 7 chương, 77 điều và 4 phụ lục kèm theo. Đáng chú ý, điều 6 quy định rõ các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, bao gồm: Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I; kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vậy quy định tại Phụ lục II; kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên…; kinh doanh mại dâm; mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người; hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người, kinh doanh pháo nổ; kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Các hình thức ưu đãi đầu tư, bao gồm: Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất; khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.
Bổ sung một số hình thức văn bản quy phạm pháp luật
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung 54 điều về nội dung, 14 điều về kỹ thuật. Nội dung cơ bản gồm: Tiếp tục khẳng định, quy định cụ thể cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung một số hình thức văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, Luật sửa đổi thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã; lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phối hợp của cơ quan trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; tiếp tục hoàn thiện các quy định về việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; quy định thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao trách nhiệm của cơ quan đề nghị, soạn thảo, cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Luật bổ sung thêm 2 loại văn bản quy phạm pháp luật: Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; không ban hành Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
(Theo TTXVN)