Nhiều người dính bẫy lừa của 2 người ngoại quốc

11:01, 24/01/2021

(LĐ online) - Từ tháng 4 đến tháng 9/2019, 2 đối tượng có quốc tịch Nigeria với sự giúp sức của 2 phụ nữ Việt Nam đã giăng bẫy lừa được 5 nạn nhân bằng thủ đoạn kết bạn qua mạng xã hội facebook rồi hứa hẹn gửi tiền, hàng về Việt Nam để chiếm đoạt của các nạn nhân hơn 1,2 tỷ đồng.

(LĐ online) - Từ tháng 4 đến tháng 9/2019, 2 đối tượng có quốc tịch Nigeria với sự giúp sức của 2 phụ nữ Việt Nam đã giăng bẫy lừa được 5 nạn nhân bằng thủ đoạn kết bạn qua mạng xã hội facebook rồi hứa hẹn gửi tiền, hàng về Việt Nam để chiếm đoạt của các nạn nhân hơn 1,2 tỷ đồng.
 
Bị cáo Chimaobi trả lời HĐXX trong sự hỗ trợ của người phiên dịch
Bị cáo Chimaobi trả lời HĐXX trong sự hỗ trợ của người phiên dịch


Tháng 5/2019, ông Trần Văn T. (46 tuổi, trú tại xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng) được một tài khoản facebook có tên “Doris Pearl” gửi lời kết bạn với tài khoản facebook của ông. Người này nói rằng có cha là tướng Mỹ, đang làm việc tại I-rắc có số tiền hơn 750.000 USD nhưng ông đã chết, muốn nhờ ông T. nhận giúp số tiền, hứa sẽ chia cho ông 40% và ông T. đồng ý. 

 
3 ngày sau, một phụ nữ gọi đến cho ông T. nói là nhân viên giao nhận hàng, lấy lý do gói hàng gửi về có chứa số tiền lớn nên yêu cầu ông T. phải đóng thuế 24 triệu đồng, gửi tiền vào tài khoản mang tên Nguyễn Thị Thùy Linh. 
 
Ngày 5/6/2019, ông T. gửi tiền thuế theo yêu cầu thì ngày sau đó ông tiếp tục nhận được điện thoại của người phụ nữ hôm trước yêu cầu ông phải đóng thêm 80 triệu đồng tiền thuế. Nghi ngờ là trò lừa, ông T. quyết định dừng.
 
Cũng trong tháng 5/2019, tài khoản facebook của bà Trần Thị Kim Tr. (52 tuổi, trú tại xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng) nhận được lời mời kết bạn từ một tài khoản facebook có tên "Maroti Dubukwad”. Tài khoản “Maroti Dubukwad” nói rằng là công dân Mỹ đang làm việc tại Syria, có khoản tiền khoảng hơn 20 tỷ đồng, muốn gửi số tiền trên về cho bà Tr. giữ dùm và bà Tr. đồng ý. 
 
Ngày 14/6/2019, một phụ nữ gọi đến giới thiệu là nhân viên ngân hàng quốc tế, yêu cầu bà Tr. phải đóng 39 triệu đồng tiền thuế để được nhận hơn 20 tỷ. Cùng ngày, bà Tr. đã chuyển 39 triệu đồng vào tài khoản có tên Trang Thị Bích Thảo và cũng trong ngày, người này tiếp tục gọi điện thoại yêu cầu bà Tr. phải đóng thêm 117 triệu đồng tiền thuế và bà Tr. lại tiếp tục gửi tiền. 
 
Những ngày sau đó, người này tiếp tục gọi đến uy hiếp rằng, số tiền gửi về Việt Nam quá lớn, do không được khai báo nên đã bị niêm phong và bị phạt với số tiền là 700 triệu đồng. Lại cũng tưởng thật, bà Tr. tiếp tục gửi đủ 700 triệu đồng cho đối tượng. 
 
Đó là 2 trong số 5 nạn nhân của Emenogu lfeannyi Chimaobi (26 tuổi, tạm trú tại phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) và James UdechuWu Moses (35 tuổi, tạm trú tại Phường 22, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), cùng có quốc tịch Nigeria nhập cảnh và sinh sống tại Việt Nam. 
 
Bị cáo Moses trong phiên thẩm vấn của tòa
Bị cáo Moses trong phiên thẩm vấn của tòa
 
Điều tra từ các vụ lừa đảo qua mạng xã hội, ngày 19/9/2019, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện lệnh bắt tạm giam Chimaobi, Moses và 2 người phụ nữ Việt Nam là Hoàng Lan Hương (37 tuổi, trú cùng địa chỉ với Chimaobi) và Lê Thị Hiền (29 tuổi, sống như vợ chồng với Moses từ tháng 5/2019). 
 
Theo điều tra, tháng 10/2018, Hương làm giả 3 CMND mang 3 tên khác nhau để làm 32 thẻ ATM có đăng ký dịch vụ intetnet bankinh của nhiều ngân hàng. Tương tự, Hiền cũng làm nhiều CMND giả để mở nhiều tài khoản ATM với các tên khác nhau. Toàn bộ thẻ ATM mà Hương và Hiền làm được đều do Chimaobi và Moses quản lý, khi lừa được tiền của các nạn nhân, 2 cô này sẽ trực tiếp đi rút tại ngân hàng hoặc các cây ATM và sẽ được hưởng một phần tùy vào khoản tiền rút được nhiều hay ít. 
 
Khi khám xét nơi ở của các đối tượng, cơ quan công an đã thu giữ 40 thẻ ATM, 6 CMND, 22 ĐTDĐ, 3 máy tính xách tay... Cơ quan Công an cũng làm rõ, số tiền 856 triệu đồng chiếm đoạt của bà T.T.K.Tr. và 24 triệu đồng của ông T. đã được Chimaobi và Hoàng Lan Hương rút tại ngân hàng hoặc các cây ATM. 
 
Mở rộng điều tra, cơ quan công an còn xác định bằng thủ đoạn tương tự, các đối tượng đã lừa bà Ng. T. N. (56 tuổi, trú tại xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng) số tiền 59 triệu đồng và bà Đ.T.V.Tr. (53 tuổi, trú tại phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) số tiền 265 triệu đồng.
 
Đặc biệt, tháng 4/2019, chị L.T.H. (38 tuổi, trú tại xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) được tài khoản zalo “Owen michael” kết bạn giới thiệu là bác sỹ làm việc trong 1 cơ quan của Liên hợp quốc. Người này nhờ chị H. viết đơn nhận làm vợ để bảo lãnh cho anh ta ra khỏi đất nước có chiến tranh. Chị H. đã viết đơn gửi qua mail do “Owen Michael” cung cấp và đã nhận được mail hồi âm, yêu cầu chị phải đóng phí giấy phép xuất trại, tiền mua vé máy bay cho “Owen Michael” về Việt Nam. Chị H. đã chuyển 102 triệu đồng theo yêu cầu. Chỉ đến khi chị H. nhân thêm một mail yêu cầu gửi tiếp 10.000 USD thì chị biết mình đã bị lừa. Số tiền lừa được của chị H. Moses đã giao thẻ ATM cho Lê Thị Hiền thực hiện 7 lần rút tiền tại cây ATM ngay trong ngày 18/9/2019.
 
Trong 2 ngày 21 và 22/1/2021, TAND tỉnh Lâm Đồng đã đưa 4 bị cáo ra xét xử sơ thẩm. Tại tòa, 2 bị cáo Hương và Hiền đề nghị HĐXX làm rõ tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà 2 bị cáo bị cáo buộc. Chimaobi và Moses thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết. Để đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung với các lý do: Làm rõ vai trò đồng phạm của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với 2 cặp bị cáo Chimaobi – Hoàng Lan Hương, Moses - Lê Thị Hiền; làm rõ dấu hiệu của tội “Không tố giác tội phạm” đối với bị cáo Hiền…
 
Dù các bị cáo chưa bị tuyên án nhưng hành vi và thủ đoạn mà nhóm này gây ra đã rõ ràng. Đây là bài học cụ thể nhất cho thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương để mọi người cùng cảnh giác
 
ĐỨC HUY