Nghị định 137/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo hoa có hiệu lực từ ngày 11/1/2021 có nội dung quy định các trường hợp người dân, cơ quan không được sử dụng pháo hoa.
Nghị định 137/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo hoa có hiệu lực từ ngày 11/1/2021 có nội dung quy định các trường hợp người dân, cơ quan không được sử dụng pháo hoa.
|
Người dân không được sử dụng các loại pháo hoa gây ra tiếng nổ và bắn lên bầu trời trong các dịp lễ Tết, sinh nhật... |
Theo luật sư Lê Văn Chính, Văn phòng luật sư Lê Chính, việc đốt pháo hoa trong những ngày Tết, lễ hội… là phong tục, tập quán có từ lâu đời của người dân Việt Nam. Hiện nay, để quy định chặt chẽ các trường hợp được sử dụng pháo hoa trong các dịp lễ, Tết Chính phủ đã ban hành Nghị định 137 để thay thế Nghị định 36/2009/NĐ-CP, trong đó đã bổ sung thêm nhiều trường hợp cấm sử dụng pháo từ ngày 11/1/2021.
Theo đó, các hành vi bị cấm trong quản lý, sử dụng pháo bao gồm:
- Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất…
- Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt pháo hoa, thuốc pháo.
- Mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.
- Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép…
- Chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo.
- Giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định.
- Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.
- Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo, không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo, thuốc pháo.
Luật sư Lê Văn Chính cho rằng, Nghị định mới đã mở rộng đối tượng được sử dụng pháo hoa nhưng người dân và các nhà quản lý cũng cần cân nhắc, xem xét kỹ loại pháo hoa nào được sử dụng và loại nào không được sử dụng. Bởi pháo hoa có chứa chất gây nổ, người sử dụng không đúng cách sẽ gây mất an toàn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
"Theo Điều 3 của Nghị định 137 có giải thích như: pháo hoa nổ là loại pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn 90mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90mm hoặc tầm bắn trên 120m. Các loại pháo này thường được sử dụng bắn lên bầu trời trong các dịp lễ Tết và ngày lễ kỉ niệm lớn như: Tết Nguyên đán, Tết độc lập, kỉ niệm ngày thành lập các tỉnh, thành phố... Trong khi đó, các loại pháo hoa người dân được phép sử dụng là loại pháo không gây ra tiếng nổ và được chế tạo, sản xuất thủ công, chế tạo công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ...", Luật sư Lê Văn Chính nói thêm.
(Theo baotintuc.vn)