(LĐ online) - Ngày 24/3, thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa ban hành Quy định tạm thời cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên địa bàn tỉnh.
(LĐ online) - Ngày 24/3, thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa ban hành Quy định tạm thời cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên địa bàn tỉnh.
Cánh rừng thông ven hồ Kala, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh. Ảnh minh hoạ |
Theo đó, Quyết định số 603/QĐ-UBND ngày 22/3/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng Ban hành Quy định tạm thời cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng gồm 3 chương, 12 điều quy định chi tiết về nội dung, nguyên tắc cho thuê, hình thức thuê, trách nhiệm triển khai thực hiện… liên quan tới nội dung cho tổ chức, cá nhân tạm thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên địa bàn tỉnh.
Đối tượng được thuê là mọi tổ chức, cá nhân trong nước có nguồn lực và nhu cầu thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.
Điểm đáng lưu ý của Quy định số 603 là hạn mức cho thuê môi trường rừng tối thiểu là 10ha, tối đa là 100ha với thời gian cho thuê tối đa không quá 30 năm với các nguyên tắc như: vừa đảm bảo thực hiện tốt quản lý, bảo vệ rừng, vừa phát huy hiệu quả môi trường rừng, tăng thu nhập cho tổ chức, cá nhân, nhà nước.
Việc cho thuê rừng phải phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững và đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của đơn vị chủ rừng đã được phê duyệt. Tỷ lệ tác động xây dựng công trình có mái che phục vụ hoạt động kinh doanh tùy thuộc diện tích đất trống và diện tích thuê.
Cụ thể, với diện tích từ 10-30ha, tỷ lệ công trình mái che không quá 3% tổng diện tích thuê, diện tích thuê từ 30-60ha thì tỷ lệ công trình không quá 2,5%... Với trường hợp có từ 2 tổ chức, cá nhân trở lên cùng đề nghị thuê một địa điểm thì sẽ tổ chức đấu giá cho thuê môi trường rừng…
Cũng theo quy định này, mức giá cho thuê môi trường rừng do các bên tự thỏa thuận, nhưng không thấp hơn 1,5% tổng doanh thu thực hiện trong năm của bên thuê. Tiền thu được từ hoạt động cho thuê là nguồn thu của nhà nước, đồng thời được cân đối và trích tỷ lệ phù hợp, cấp lại cho chủ rừng để hoạt động quản lý việc cho thuê môi trường rừng. Thẩm quyền các dự án này do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trên cơ sở kết quả thẩm định và đề xuất của Hội đồng thẩm định…
Tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải đảm bảo năng lực về tài chính, quản trị, nhân lực đế thực hiện dự án và phải chịu sự kiểm tra, giám sát về hoạt động kinh doanh, trật tự xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; về QLBVR của đơn vị chủ rừng và các cơ quan, cấp có thẩm quyền;…
Về tổ chức thực hiện, UBND tỉnh có trách nhiệm thành lập Hội đồng thẩm định dự án, lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành với chức năng nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng lập dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; tiếp nhận hồ sơ; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng ở những khu vực cho thuê môi trường rừng tổ chức, cá nhân thuê theo quy định.
C.THÀNH