Dịch bệnh COVID-19 kéo dài khiến người dân có xu hướng mua sắm online tăng mạnh. Mặc dù việc mua bán hàng online là một phương thức hiệu quả, nhanh chóng và tiện lợi nhưng bên cạnh đó cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề bất cập, nếu không cẩn thận người tiêu dùng sẽ rất dễ "tiền mất tật mang".
Dịch bệnh COVID-19 kéo dài khiến người dân có xu hướng mua sắm online tăng mạnh. Mặc dù việc mua bán hàng online là một phương thức hiệu quả, nhanh chóng và tiện lợi nhưng bên cạnh đó cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề bất cập, nếu không cẩn thận người tiêu dùng sẽ rất dễ "tiền mất tật mang".
|
Gia đình chị Thạch Thị Mỹ Linh nhận món hàng đặt mua 12 triệu đồng nhưng mở ra chỉ có áo cũ và tệp giấy trắng. |
Từ đầu năm 2021 tới nay, cơ quan chức năng TP Đà Lạt đã ghi nhận nhiều trường hợp người dân phản ánh bị mất tiền khi mua hàng online trên mạng với số tiền từ 1 tới 12 triệu đồng/trường hợp. Tuy nhiên, không nhiều người dân có thể đòi lại được số tiền mình đã bỏ ra mua hoặc đòi được nhưng phải mất nhiều thời gian, công sức.
Mới đây, chúng tôi nhận được phản ánh của chị Thạch Thị Mỹ Linh (35 tuổi) và chồng là anh Jeremy Lorenzo (người Pháp, 46 tuổi), tạm trú tại chung cư Đào Duy Từ (Phường 4, TP Đà Lạt) đã phải một phen tá hỏa khi mua gói hàng điện tử trị giá 12 triệu đồng từ một cửa hàng không rõ nguồn gốc tại huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An), nhưng khi nhận hàng, trong hộp chỉ thấy chiếc áo cũ và tệp giấy trắng.
Theo chị Mỹ Linh, trước đó chồng chị - anh Jeremy Lorenzo đã tự mày mò trên mạng mua 1 thiết bị điện tử trị giá 12 triệu đồng nhưng không yêu cầu coi mặt hàng mua và giao tiền. Tới trưa ngày 21/4, anh Lorenzo được nhân viên công ty giao hàng tới giao, khi đưa tiền xong anh mang gói hàng lên phòng mở thì mới phát hiện mình bị lừa. Hai vợ chồng đã nhanh chóng liên hệ với bên bán hàng nhưng các phản hồi không thiện chí, thậm chí từ chối trách nhiệm, không liên lạc được,... Tuy nhiên, sau 1 tuần liên tục nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, gọi điện, liên hệ với đơn vị chuyển gói hàng, may mắn là hai vợ chồng đã nhận được số tiền tưởng đã bị mất trắng.
Không may mắn như trường hợp trên, chị Bùi Thị Nguyên (23 tuổi, ngụ khu Lữ Gia, Phường 9, TP Đà Lạt) nói đã 2 lần mua phải hàng kém chất lượng trên mạng nhưng việc trả lại hoặc đòi hoàn tiền rất khó khăn. “Món hàng chỉ là đồ dùng cá nhân, giá khoảng 600.000 - 700.000 đồng, nhưng mình rất khó chịu khi họ quảng cáo một đằng, chốt đơn hàng kích cỡ cụ thể, khi tới tay mình thì nhận một kiểu khác. Khi liên hệ lại hỏi cho rõ thì được trả lời không thiện chí, hoặc không liên lạc được” - chị Nguyên cho biết sau 2 lần mua hàng online bị lừa mới đây.
Theo ghi nhận, những vụ lừa đảo, bán hàng giả, hàng kém chất lượng có giá trị kinh tế nhỏ diễn ra khá nhiều, người dân mua hàng thường xuyên gặp phải. Đơn cử, bà Hoàng Thị Hải (ngụ Phường 4, TP Đà Lạt) chia sẻ: "Ngày nào mở mạng xã hội zalo, facebook cũng thấy nhiều nhãn hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng quảng cáo tự xuất hiện trên trang cá nhân của mình. Lúc có nhu cầu, thấy mẫu mã họ bán đẹp, giá rẻ nên tôi mày mò mua một vài thứ nhưng khi mình nhận thì hoàn toàn không đúng màu sắc và chất lượng như hình ảnh cũng như lời giới thiệu trên mạng...".
Theo những người dân mua hàng online có kinh nghiệm, việc nhiều “thượng đế” đã bất đắc dĩ phải nhận về những món hàng với hình thức khác xa đơn hàng mà họ đặt mua trên mạng, đặc biệt là quần áo, giày dép... đã không còn là chuyện lạ. Những “tai nạn” khi sử dụng dịch vụ mua hàng online phổ biến nhất là chất liệu, màu sắc, phom dáng khác xa trên ảnh trên mạng hoặc khác với yêu cầu thường khiến người trong cuộc “ngậm quả đắng”.
Nhiều người bán hàng online còn có những chiêu lấy tiền của khách hàng khá tinh vi, yêu cầu người mua chuyển tiền trước rồi mới chuyển hàng sau. Chiêu lừa của người bán là thường giảm giá sản phẩm ở mức rất sốc, rồi giục người mua chuyển khoản trước để giữ hàng. Trong khi vì chủ quan, muốn nhận món hàng mình đang muốn mua, người mua rất dễ “sập bẫy”. Bên cạnh đó, những khách hàng mua sắm online phần lớn không chú ý việc lấy hóa đơn, sử dụng các phương thức thanh toán trực tuyến đa dạng... Do đó, khi vụ việc được phản ánh, cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn, không có cơ sở để giải quyết.
Theo khuyến cáo từ Sở Công thương Lâm Đồng, để tránh mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả trên mạng, người tiêu dùng cần mua hàng ở những trang web uy tín, có đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng và đã được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng như: Địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế...
Cần cảnh giác với những trang web, tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo các dịch vụ, sản phẩm với giá thấp hoặc khuyến mãi lớn. Đặc biệt, người tiêu dùng cũng cẩn trọng với những yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân (họ tên, số điện thoại, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng...) từ những trang web lạ để tránh bị đánh cắp thông tin tài chính. Trước khi mua, có thể tìm kiếm thông tin về sản phẩm/dịch vụ trên internet như: nguồn gốc xuất xứ, tính năng, đánh giá (review) về sản phẩm/dịch vụ nhằm tránh trường hợp mua phải sản phẩm/dịch vụ kém chất lượng.
C.PHONG