Từ đầu năm 2021 đến nay, tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ, mà một trong những nguyên nhân chính dẫn đến do phóng nhanh, vượt ẩu, vi phạm làn đường, phần đường, chuyển xe đột ngột không quan sát...
Từ đầu năm 2021 đến nay, tai nạn giao thông (TNGT) tăng so với cùng kỳ, mà một trong những nguyên nhân chính dẫn đến do phóng nhanh, vượt ẩu, vi phạm làn đường, phần đường, chuyển xe đột ngột không quan sát... Để kiềm chế, đẩy lùi TNGT, ngoài các giải pháp đồng bộ, quyết liệt của các ngành chức năng, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông, góp phần kéo giảm TNGT.
|
Đại úy Lê Mạnh Cường tuyên truyền giao thông cho bà con nhân dân xã Đoàn Kết, Đạ Huoai |
Đổi mới cách thức tuyên truyền để nâng cao hiệu quả
Cuối tháng 4, chúng tôi có dịp theo chân các chiến sỹ Đội Tuyên truyền xử lý TNGT Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng để ghi nhận về công tác tuyên truyền giao thông ở vùng sâu, vùng xa và ở các trường đại học trên địa bàn tỉnh. Buổi tuyên truyền ở Trường Đại học Yersin do Đại úy Lê Mạnh Cường làm tuyên truyền viên, tôi khá ngạc nhiên bởi nội dung tuyên truyền tuy chỉ gói gọn trong thời gian ngắn, lồng ghép cùng với hoạt động ngoại khóa của Đoàn Thanh niên nhà trường trong một buổi sáng Chủ nhật cuối tuần, nhưng được Ban giám hiệu nhà trường và đông đảo sinh viên theo dõi rất chăm chú, nghiêm túc và đánh giá cao bởi nội dung và bài soạn khá hay, hấp dẫn, có trọng tâm, trọng điểm. Ngoài những quy định của Luật Giao thông đường bộ, những thông tin mới nhất về tình hình an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh..., Đại úy Cường còn lồng ghép những hình ảnh, đoạn video clip về các vụ TNGT, các hành vi gây ra TNGT ở lứa tuổi thanh niên, sinh viên để giải thích và chỉ ra các hành vi đúng - sai, nên và không nên khi tham gia giao thông; đồng thời lồng ghép những hình ảnh người thật, việc thật về nỗi đau thương mất mát mà trong phút giây sơ sẩy để xảy ra TNGT mà không gì bù đắp được.
Các hình ảnh đa dạng, cách trình bày truyền cảm, lôi cuốn đã khiến buổi tuyên truyền trở thành một buổi sinh hoạt trao đổi 2 chiều khá sôi nổi. Một số hình ảnh, nội dung tuyên truyền còn gây ra sự xúc động mạnh đối với người nghe khiến nhiều người rưng rưng nước mắt.
Điều đáng khen nữa, đó là cũng với những nội dung về Luật Giao thông, nhưng khi đi tổ chức tuyên truyền cho bà con nhân dân ở xã vùng sâu, vùng xa xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai; Đại úy Lê Mạnh Cường lại lồng ghép những nội dung ấy để tập trung tuyên truyền cho bà con, thanh niên ở địa phương về việc đội mũ bảo hiểm khi chạy xe gắn máy, sang đường phải quan sát, không phóng nhanh - vượt ẩu, không lái xe khi đã uống rượu, bia. Đồng thời, lồng ghép vào đó là những minh họa bằng hình ảnh, video clip về hậu quả của các vụ TNGT khi không đội mũ bảo hiểm, không giữ đúng tốc độ quy định theo biển báo giao thông...
Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Lê Mạnh Cường cho biết: Công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kêu gọi ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông tưởng đơn giản nhưng để mang lại hiệu quả, để người dân chịu dành thời gian ngồi lại nghiêm túc lắng nghe để hiểu và thấm luật thì không hề đơn giản. “Quá trình làm công tác này, tôi rút kinh nghiệm dần, tự suy nghĩ tìm tòi và nhận ra một điều rằng, phải liên tục thay đổi cách thức tuyên truyền, cập nhật thông tin về an toàn giao thông, lồng ghép các thông tin mang tính thời sự và sưu tập, tìm kiếm những hình ảnh, đoạn clip để lồng ghép cho từng đối tượng phù hợp, và phù hợp cả theo từng vùng, miền, địa phương. Nếu ở địa phương này đã tuyên truyền vấn đề này, lần khác phải đổi sang vấn đề khác... có vậy mới mong người dân chịu lắng nghe và thấm dần luật”.
Có lẽ chính vì sự tâm huyết, trách nhiệm với nhiệm vụ ấy mà các bài tuyên truyền của Đại uý Lê Mạnh Cường luôn mang lại những hiệu quả khá tốt ở cả đối tượng khu vực thành phố đến người dân nông thôn hay vùng dân tộc thiểu số.
Sinh viên Nguyễn Thị Hoa (Trường Đại học Yersin) chia sẻ: “Bản thân bọn em cứ nghe thầy cô yêu cầu cuối tuần lên giảng đường nghe tuyên truyền luật là không thích, vì hầu hết các buổi tuyên truyền lâu nay đều mang tính sách vở, lại nhàm chán. Thế nhưng, hôm nay dự buổi tuyên truyền giới thiệu về Luật Giao thông và văn hóa giao thông em khá bất ngờ bởi cán bộ của Phòng CSGT Công an tỉnh nói chuyện và trình bày rất hấp dẫn, sinh động và cuốn hút. Qua buổi tuyên truyền này, bản thân em và các bạn của mình cũng ngộ ra rất nhiều điều mà xưa nay khi tham gia giao thông nhưng không để tâm chú ý và chắc chắn thời gian tới, bọn em sẽ tham gia giao thông đúng luật hơn, có văn hóa hơn để đảm bảo an toàn giao thông cho bản thân và xã hội”.
Còn chị Ka Rem - Thôn 2, xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai thì chia sẻ rằng: “Lâu nay tôi không để tâm nhiều đến việc cập nhật tình hình an toàn giao thông , nhưng hôm nay tôi đã lạnh hết cả sống lưng khi nghe cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh giảng về nguyên nhân của những TNGT thảm khốc gần đây do đi xe khách không thắt dây an toàn và các vụ TNGT do thanh niên vùng sâu, vùng xa uống rượu, không đội mũ bảo hiểm gây ra, để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Tôi hiện cũng có đứa con trai lớn 18 tuổi, cũng đã đi xe gắn máy rồi. Sau tối nay, tôi về nhà nhất định sẽ nghiêm túc nhắc nhở con thực hiện nghiêm Luật Giao thông để bảo vệ tính mạng bản thân và tránh để xảy ra những vụ TNGT khi cháu chạy xe trên đường”.
Sẽ tiếp tục đưa Luật Giao thông, văn hóa giao thông về cơ sở
Theo Trung tá Phạm Vũ Hùng - Đội trưởng Đội tuyên truyền Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh luôn luôn tiềm ẩn những yếu tố gia tăng bởi rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về ý thức của người tham gia giao thông. Để kéo giảm và đẩy lùi TNGT đòi hỏi nhiều yếu tố, nhiều giải pháp mạnh đồng bộ, trong đó việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa các nội dung luật giao thông về tới cơ sở, khu dân cư và đến đa dạng lứa tuổi là hết sức cần thiết và quan trọng. Bởi, một khi đã nhận thức sâu sắc những ẩn họa về những vụ TNGT thì mỗi người tự trang bị cho mình kiến thức để ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông thì TNGT sẽ giảm. Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng này, thời gian qua, Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với các ngành và các trường học, các địa phương trên địa bàn tổ chức nhiều buổi tuyên truyền và cấp phát tờ rơi, cẩm nang an toàn giao thông các loại.
Thực hiện Năm An toàn giao thông 2021 với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả, thực thi pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, trong đó tiếp tục chú trọng triển khai Nghị định 100/2019 của Chính phủ về tăng mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, thời gian qua, Đội cũng đã phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Và để đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, thời gian qua, ngoài việc đổi mới cách thức tuyên truyền, Trung tá Phạm Vũ Hùng cũng cho biết, Phòng CSGT còn thường xuyên kết hợp với các đoàn công tác của Công an tỉnh, các địa phương, các trường học đưa Luật Giao thông về cơ sở. Không chỉ có vậy, từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, Công an Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định số 100/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, thành lập các tổ công tác liên ngành cùng với lực lượng CSGT, các cơ quan báo, đài đã có nhiều tin, bài phản ánh về tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông.
Có thể nói rằng, công tác tuyên truyền Luật Giao thông của Phòng CSGT Công an tỉnh thời gian qua được thực hiện khá thường xuyên và bước đầu ghi nhận những hiệu quả nhất định. Hy vọng rằng, những cố gắng và nỗ lực này sẽ tiếp tục được duy trì và mang lại những kết quả ngày càng lớn, góp phần vào công tác đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
NGUYỄN NGHĨA