Thời gian qua, công tác phòng chống và cai nghiện ma túy đã được các ngành, các cấp phối hợp thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng, song tình trạng sử dụng ma túy trái phép, nhất là ma túy đá vẫn diễn biến phức tạp...
Thời gian qua, công tác phòng chống và cai nghiện ma túy đã được các ngành, các cấp phối hợp thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng, song tình trạng sử dụng ma túy trái phép, nhất là ma túy đá vẫn diễn biến phức tạp. Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện toàn tỉnh có khoảng 2.460 người nghiện ở hầu hết các xã, phường, thị trấn, chủ yếu trong độ tuổi từ 16 đến 30.
|
Cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Lâm Đồng tuyên truyền về tác hại của các loại ma túy cho bà con vùng sâu, vùng xa |
Xác định công tác phòng, chống ma túy nói chung, cai nghiện ma túy nói riêng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, Lâm Đồng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, đề án, chương trình, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo trong công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy. UBND tỉnh đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; phòng, chống AIDS và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của tỉnh nhằm tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương có tệ nạn ma túy, trọng điểm về tệ nạn ma túy ban hành các giải pháp thiết thực trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Tăng cường công tác tuyên truyền
Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương thời gian qua đã tập trung triển khai công tác tuyên truyền, tập trung vào việc nâng cao sự nhận thức và sự hiểu biết của người dân về tác hại của loại ma túy đến sức khỏe, tình hình an ninh trật tự và cả tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế của các hộ gia đình. Thông qua công tác tuyên truyền, quần chúng nhân dân cũng tham gia tích cực vào các hoạt động phòng, chống tệ nạn ma túy nói chung và cai nghiện ma túy nói riêng trên địa bàn.
Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng về phòng, chống và cai nghiện ma túy, đặc biệt là phương pháp tuyên truyền trực tiếp, tiếp cận, tư vấn và hỗ trợ người sử dụng, người nghiện ma túy, người có nguy cơ cao giúp họ hòa nhập cộng đồng, hạn chế phát sinh số người nghiện ma túy; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền và tập huấn nâng cao năng lực cho mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên, tình nguyện viên, cộng tác viên. Riêng giai đoạn 2016 - 2020, đã tổ chức được gần 4 ngàn buổi tuyên truyền tập huấn về công tác này. Bênh cạnh đó, Công an tỉnh cũng là đơn vị tiên phong và thường xuyên tổ chức hoạt động tuyên truyền rất đa dạng về tình hình tệ nạn ma túy, tác hại của ma túy và cả công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội về ma túy đến từng địa bàn, thôn, buôn, tổ dân phố, trường học, các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn toàn tỉnh. Sở Tư pháp tỉnh phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhiều lớp tuyên truyền, tập huấn phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm, phòng, chống và cai nghiện ma túy là thành viên Câu lạc bộ "Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm", báo cáo viên pháp luật, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ cấp tỉnh, huyện, xã. Các tổ chức đoàn thể xã hội ở các địa phương cũng tích cực tham gia và tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về tác hại của ma túy, thành lập các đội, nhóm, câu lạc bộ phòng chống ma túy...
Kết quả công tác phòng chống, cai nghiện ma túy
Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh đã tiếp nhận, cai nghiện cho 1.812 lượt người nghiện, trong đó đối tượng bắt buộc là 268 lượt người, tự nguyện là 1.475 lượt người. Cũng trong giai đoạn này, tỉnh tiếp nhận người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định là 56; hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng 13 người; hỗ trợ cắt cơn cho 1.563 lượt người; điều trị các bệnh khác cho 54.142 lượt người và tổ chức dạy nghề cho 263 người. Cũng theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, số người cai nghiện bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện khi hết thời gian cai nghiện tại cơ sở cai nghiện trở về cộng đồng hiện đang được các địa phương chỉ đạo chính quyền cấp xã, phường tiếp tục hỗ trợ, giải quyết các vấn đề xã hội cho người sau cai nghiện, đặc biệt là các chương trình phòng, chống tái nghiện và hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy, công tác cai nghiện, quản lý người nghiện ma túy sau cai vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác hỗ trợ và giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ tái nghiện sau cai hiện vẫn chiếm khoảng 30%...
Trước tình trạng người sử dụng, nghiện ma túy ngày càng tăng trong thời gian gần đây, UBND tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể, chính quyền địa phương quan tâm triển khai và thực hiện có hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện. Đồng thời, huy động nhiều nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ người sau cai nghiện, giúp đỡ người sau cai có việc làm ổn định cuộc sống.
Và để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống, cai nghiện ma túy; các cấp, ngành và địa phương cũng được chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về công tác phòng, chống ma túy bằng nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng. Nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn trong việc xây dựng xã, phường lành mạnh không có ma túy. Song song đó, quan tâm triển khai và thực hiện có hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện, huy động nhiều nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ người sau cai nghiện, giúp đỡ người sau cai có việc làm ổn định cuộc sống.
NGUYÊN THI