Phá đường dây khai thác gỗ quý trái phép ở Bảo Lâm

08:06, 20/06/2021

(LĐ online) - Trong những năm gần đây, tình hình vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng, nhất là khai thác rừng trái phép tại tỉnh Lâm Đồng nói chung, huyện Bảo Lâm nói riêng diễn ra khá phức tạp. 

(LĐ online) - Trong những năm gần đây, tình hình vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng, nhất là khai thác rừng trái phép tại tỉnh Lâm Đồng nói chung, huyện Bảo Lâm nói riêng diễn ra khá phức tạp. 
 
Huy (giữa) và Thuấn (trái) tại hiện trường
Huy (phải) và K'Thuấn (trái) tại hiện trường
 
Đấu tranh với các hành vi phá rừng vô cùng khó khăn vì các đối tượng thường lén lút thực hiện vào ban đêm hoặc vào nhưng ngày lễ, ngày mưa gió... Mới đây, Công an huyện Bảo Lâm đã triệt phá thành công một đường dây chuyên phá rừng lấy gỗ xảy ra trên địa bàn. Điều đáng nói, chính người được hợp đồng thuê quản lý, bảo vệ rừng lại là một trong những người chủ mưu thuê người phá rừng.
 
Nhân viên bảo vệ rừng thuê người phá rừng
 
Công an huyện Bảo Lâm cho biết, từ công tác trinh sát, tối 16/5, Công an huyện Bảo Lâm đã mật phục bắt quả tang 2 đối tượng đang sử dụng xe máy độ chế vận chuyển 2 lóng gỗ chò đi ra từ rừng Clong Rus (thuộc Thôn 6, xã Lộc Tân). 2 đối tượng là K’Thuấn (27 tuổi) và Bùi Văn Thắng (31 tuổi), cùng trú tại Thôn 6, xã Lộc Tân khai nhận được 1 đối tượng thuê vào khu vực rừng Clong Rus cưa hạ 1 cây gỗ chò, cắt thành 5 lóng đưa ra khỏi rừng. 
 
Nhận định đây rất có thể là manh mối của một đường dây khai thác, vận chuyển thuê gỗ lậu, Công an huyện Bảo Lâm đã mở rộng điều tra và xác định Tạ Văn Huy (trú tại Thôn 6, xã Lộc Tân) chính là đối tượng đã thuê K’Thuấn và Thắng cắt rồi vận chuyển gỗ từ rừng ra ngoài tiêu thụ. 
 
Huy cho biết, quá trình đi rừng, thấy một số cây gỗ quý trong rừng và khu vực không có ai làm việc nên đã đi cưa bán cho các xưởng mộc. K’Thuấn và Thắng là 2 thanh niên Huy thuê đi khuân vác, trả công 200 ngàn đến 300 ngàn mỗi ngày.
 
Qua làm việc, Huy khai từ cuối năm 2020 đến nay, cùng với Hồ Ngọc Tuấn Vũ (trú tại xã Đạm Bri, TP Bảo Lộc) là nhân viên hợp đồng bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đạm Bri và 3 đối tượng khác nhiều lần vào rừng thuộc các tiểu khu 453, 454, 455 (lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đạm Bri quản lý, bảo vệ) chặt hạ nhiều loại cây gỗ quý.
 
Tiến hành điều tra, bước đầu, Hồ Ngọc Tấn Vũ khai nhận đã thuê Huy với tiền công là 5 triệu đồng để khai thác các cây gỗ kiền kiền, chò và bạch tùng với mục đích để sử dụng và bán lại. Thực tế điều tra, các đối tượng này đã bán gỗ khai thác được cho nhiều người tại TP Bảo Lộc và Bảo Lâm. 
 
Kiên quyết xử lý
 
Thượng tá Nguyễn Đăng Anh - Phó trưởng Công an huyện Bảo Lâm cho biết, quá trình điều tra cho thấy, các đối tượng này đã tổ chức khai thác gỗ trên địa bàn đồi núi khó khăn, hoạt động có tính toán, có những quả đồi cách 3, 4 cánh rừng. Quá trình lực lượng chức năng thu thập tài liệu điều tra đã phải mày mò, di chuyển vào nhưng cánh rừng này để tiến hành đo đạc, khám nghiệm hiện trường rất khó khăn. Đánh giá đây là các đối tượng hoạt động có tính chất chuyên nghiệp, đã hoạt động lâu dài nên Công an huyện Bảo Lâm đã kiên quyết xử lý. 
 
Phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành khám nghiệm và xác định, tổng số lâm sản bị các đối tượng khai thác trái phép là 20 cây gỗ các loại với tổng lâm sản thiệt hại là trên 46 m3 gỗ. Trên cơ sở chứng cứ và lời khai của các đối tượng, Công an huyện Bảo Lâm đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Văn Thắng, Hồ Ngọc Tuấn Vũ và Tạ Văn Huy về hành vi khai thác lâm sản trái phép và đang tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý đối với K’Thuấn.
 
Vụ việc cho thấy, công tác đấu tranh, xử lý những đối tượng phá rừng không đơn giản, phải chứng minh được vị trí, số lượng cây bị chặt hạ và khối lượng lâm sản bị thiệt hại do các đối tượng tác động trong khi các đối tượng tìm đủ mọi cách để quanh co, chối tội. Vì vậy, việc đấu tranh và bảo vệ rừng không chỉ là nhiệm vụ riêng của lực lượng công an mà cần sự vào cuộc quyết liệt của cả cộng đồng, đặc biệt là cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Việc hợp đồng với các nhân viên quản lý bảo vệ rừng cũng cần sự quan tâm hơn nữa về đạo đức nghề nghiệp và không thể buông lỏng mà luôn cần sự quản ý, giám sát chặt chẽ của các chủ rừng.
 
LÊ TIẾN - NGUYỄN NGHĨA